Gỡ vướng mắc cho các dự án điện trên địa bàn Hà Nội 

Thứ năm, 16/2/2023 | 09:40 GMT+7
Sáng 15-2, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền, Trưởng ban Chỉ đạo Phát triển điện lực thành phố Hà Nội đã chủ trì hội nghị đánh giá công tác phát triển điện lực năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023 trên địa bàn thành phố.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu kết luận tại hội nghị.

Trong năm 2022, thành phố cơ bản hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu bảo đảm cung ứng điện đã đề ra, góp phần vào sự tăng trưởng vượt bậc của kinh tế Thủ đô sau đại dịch Covid-19. Đặc biệt, bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục, phục vụ tổ chức thành công các sự kiện chính trị, ngoại giao, văn hóa - xã hội quan trọng của Thủ đô và cả nước.

Tính đến hết năm 2022, sản lượng điện thương phẩm đạt hơn 22 tỷ kWh, tăng gần 8% so với năm 2021; Tỷ lệ tổn thất đạt mức 3,35%, giảm 0,2% so với năm 2021; Thời gian mất điện trung bình của lưới điện trung áp là 124,18 phút… Đặc biệt, độ tin cậy cung cấp điện cải thiện đáng kể. Số sự cố lưới điện (cả 110kV và trung hạ thế) thấp nhất trong khối các tổng công ty điện lực. EVNHANOI cũng là đơn vị đi đầu trong nghiên cứu và thử nghiệm lắp đặt công tơ điện tử thông minh (AMI), giúp tăng trải nghiệm của khách hàng, bắt kịp các nước tiên tiến trên thế giới. 

Bên cạnh đó, EVNHANOI đã nỗ lực ứng dụng khoa học công nghệ vào mọi mặt hoạt động. Nhiều chương trình, nhiệm vụ chuyển đổi số đã được hoàn thành như: Số hóa công tác điều độ, đưa vào các hệ thống điều khiển số, quản trị tự động; cung cấp 100% dịch vụ điện trực tuyến; hoàn thành Hệ sinh thái chăm sóc khách hàng; ứng dụng công nghệ tiên tiến, hồ sơ điện tử trong công tác quản lý dự án, số hóa công tác lựa chọn nhà thầu; số hóa công tác quản trị nguồn nhân lực; văn phòng số… 

Tại hội nghị, đại diện các cơ quan, sở, ngành, quận, huyện đã thảo luận về công tác phát triển điện lực; quản lý thực hiện quy hoạch phát triển điện lực; khó khăn trong việc thực hiện các dự án điện… 

Cụ thể, theo ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, trong năm 2022, tiến độ khởi công và hoàn thành xây dựng mới các công trình 110kV, 220kV, 500kV trên địa bàn đã cải thiện hơn so với các năm trước nhưng vẫn chưa đạt được kỳ vọng, tỷ lệ khởi công đạt 46,67% và tỷ lệ hoàn thành đạt 60,7%. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến trễ tiến độ hoàn thành các công trình điện, ảnh hưởng đến việc bảo đảm tin cậy cung cấp điện vẫn do khó khăn chủ yếu trong công tác giải phóng mặt bằng.

Tại hội nghị, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, Phó Trưởng ban Chỉ đạo công tác phát triển điện lực thành phố nêu rõ, năm 2023, các đơn vị cần xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể để bảo đảm Hà Nội không thiếu điện; tiếp tục rà soát các vấn đề về quy hoạch phát triển điện lực những năm tiếp theo; đặc biệt, các địa phương phải bố trí quỹ đất cho công tác phát triển điện.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của ngành Điện Thủ đô trong năm qua trong công tác bảo đảm điện cho phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội. Với những khó khăn vướng mắc còn tồn tại, đồng chí yêu cầu cần có sự phối hợp triển khai của nhiều cơ quan, ban, ngành. Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng lưu ý thứ tự ưu tiên trong việc giải quyết các công việc, yêu cầu bám sát, cụ thể với quy hoạch chung Hà Nội, xác định rõ địa điểm để có cơ sở ưu tiên và bố trí lộ trình đầu tư.

Liên quan đến các dự án đầu tư của EVNNPT, EVNHANOI, Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng giao nhiệm vụ cho Sở Công Thương theo dõi, giám sát và nếu có khó khăn, vướng mắc thì báo cáo thành phố tổ chức họp chuyên đề...

Thanh Hải