Dự án Đường dây 220kV mạch kép đấu nối trạm 220kV Bắc Quang.
Điển hình là khó khăn, vướng mắc về đăng ký quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chuyển mục đích sử dụng rừng. Các khó khăn, vướng mắc này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ của các dự án truyền tải điện.
Theo đó, về đăng ký quy hoạch sử dụng đất, các dự án lưới điện được phê duyệt thường không trùng với thời điểm đăng ký hoặc bổ sung quy hoạch sử dụng đất. Một số địa phương vẫn cho đăng ký, nhưng một số địa phương không đồng ý do chỉ tiêu đất năng lượng được phân bổ cho tỉnh rất ít không có cho dự án do không có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, việc quy hoạch sử dụng đất thời gian phân kỳ 5 năm khi làm thủ tục điều chỉnh quy hoạch là cực kỳ khó khăn.
Theo NPMB, việc đăng ký kế hoạch sử dụng đất hàng năm cho các dự án lưới điện truyền tải hiện nay đang gặp khó khăn như: Một số địa phương chỉ yêu cầu chủ đầu tư có văn bản đề nghị phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cho dự án, kèm theo là các thông tin về diện tích đất dự kiến thu hồi, địa điểm thực hiện đến cấp huyện. Tuy nhiên, một số địa phương khác lại yêu cầu chủ đầu tư phải cung cấp quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định phê duyệt dự án đầu tư, trích đo địa chính vị trí, diện tích đất dự kiến thu hồi mới phê duyệt kế hoạch sử dụng đất. Trong khi đó, các dự án lưới điện thường trải dải, việc thu hồi đất lại nhỏ lẻ, không tập trung, việc đo đạc bản đồ phục vụ cho đăng ký kế hoạch sử dụng đất trong khi các dự án chưa được phê duyệt thiết kế kỹ thuật là khó thực hiện.
Đặc biệt, việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng các dự án lưới điện truyền tải mang một nét đặc thù riêng, rất phức tạp, phải qua các cơ quan, đơn vị từ cấp xã, phường, cấp huyện, tỉnh, các bộ ngành và Văn phòng Chính phủ. Quá trình thực hiện các thủ tục để triển khai gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp.
Cụ thể như, khi xây dựng đề cương nhiệm vụ, xác định khối lượng thực hiện thì dự án mới trong giai đoạn báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, giai đoạn này tư vấn thiết kế mới chỉ xác định được sơ bộ hướng tuyến; xác định được một số vị trí của cột góc/néo (chưa có vị trí các cột trung gian). Thiết kế sơ bộ dự án chưa thể chuẩn xác diện tích kè, móng của các vị trí cột do chưa chính xác được số lượng vị trí, số liệu khảo sát…
Tuy nhiên, khối lượng xác định để lập dự toán cần phải có số liệu chính xác về vị trí tọa độ, mốc ranh, diện tích, tuyến đường…. Vì vậy, không xác định được khối lượng chính xác thực hiện cũng như cơ sở số liệu, khối lượng để đưa vào phê duyệt chi phí phí lập hồ sơ xin quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng.
Khó khăn nữa đó là việc xác định đường thi công vào các vị trí móng trụ, bãi tập kết vật liệu, mặt bằng tạm thi công. Cụ thể như dự án mới trong giai đoạn báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, giai đoạn này chưa có vị trí móng cụ thể, chưa có đơn vị thi công nên không có cơ sở xác định được tuyến đường thi công móng trụ, vị trí bãi tập kết vật liệu. Vì vậy, không xác định được khối lượng chính xác thực hiện đưa vào phê duyệt chi phí lập hồ sơ xin quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đối với hạng mục trên. Nhiều địa phương không thống nhất lập hồ sơ chuyển đổi rừng đối với phần phục vụ thi công do không có kế hoạch sử dụng đất…
Bên cạnh đó, trình tự, thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng rừng, đặc biệt là từ rừng tự nhiên rất phức tạp. Rất nhiều bộ ngành thẩm định, có ý kiến, nhiều cấp độ kiểm tra, rà soát dẫn đến thời gian kéo dài ảnh hưởng lớn đến tiến độ phê duyệt đầu tư xây dựng dự án. Chưa kể, giai đoạn thực hiện phải thực hiện ngay khi đăng ký quy hoạch đất để có quy hoạch chuyển đổi rừng, thời gian này phải thực hiện ngay khi lập dự án đầu tư.
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên, theo NPMB, đầu kỳ quy hoạch hoặc đến kỳ bổ sung, phải đăng ký quy hoạch sử dụng đất ngay cho các dự án có khả năng triển khai trong giai đoạn tiếp theo (phụ thuộc rất lớn vào nhà thầu tư vấn thiết kế). Sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt sẽ tiến hành thực hiện đăng ký kế hoạch sử dụng đất hàng năm theo tiến độ dự án và thường xuyên cập nhật bổ sung khi có phát sinh thay đổi.
Cùng với đó, triển khai các thủ tục liên quan xin chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng ngay từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thường xuyên đôn đốc các đơn vị liên quan, tư vấn, địa phương sớm hoàn thiện hồ sơ và làm việc cụ thể với các bộ ngành để sớm thông qua chủ trương chuyển đổi. Đây sẽ là một điều kiện đủ để phê duyệt thiết kế kỹ thuật.
Mặt khác, thường xuyên bám sát, rà soát các vướng mắc để báo cáo đề xuất cấp thẩm quyền xem xét chủ trương chính sách cho phù hợp với thực tế nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, tạo sự đồng thuận cho người dân. Để thực hiện được giải pháp này, theo NPMB, cần xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa chủ đầu tư với các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, chủ động phối hợp với các ban ngành, thông qua hội đồng đền bù để vận động các hộ dân, các tổ chức bị ảnh hưởng ủng hộ dự án. Đồng thời, tranh thủ gặp gỡ trao đổi, giao lưu, vận động thuyết phục nhân dân trong những thời gian nghỉ ngơi, rảnh rỗi như buổi trưa, tối hoặc những ngày nghỉ để hộ dân có thời gian suy nghĩ nghiên cứu lại chính sách bồi thường và đưa ra ý kiến tích cực hơn.
Ngoài ra, chủ động theo dõi chỉ đạo, hỗ trợ cho các nhà thầu trong việc bồi thường phục vụ thi công và đề xuất biện pháp xử lý phù hợp với tình hình thực tế trên tuyến; Phối hợp với tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công để xử lý những vị trí móng đặt chưa phù hợp (đặt trên đường đi, mương thoát nước, hành lang đi vào khu dân cư, nhà cửa …) hoặc khó khăn về bồi thường. Theo đó, rà soát để điều hành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng phù hợp với tiến độ, kế hoạch đồng bộ thi công dự án. Phải nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm và trang bị những kiến thức cho cán bộ làm công tác này về pháp luật vững vàng, nắm chắc chính sách chế độ về bồi thường giải phóng mặt bằng để vận dụng trong thực tiễn nhằm đưa dự án vào sử dụng đúng tiến độ.