Khác với không khí Tết náo nhiệt đã ùa về trên khắp các nẻo đường, ngõ phố là sự tập trung, yên ắng của kíp trực vận hành điều khiển hệ thống kỹ thuật trong Khu Trung tâm Trạm biến áp 500kV Tây Hà Nội. Theo chân đoàn công tác kiểm tra tại Trạm về việc đảm bảo điện cao điểm Tết Nguyên đán Quý Mão, khi chúng tôi hỏi thăm công nhân vận hành Nguyễn Văn Việt vừa thao tác kỹ thuật, vừa chia sẻ, "khi Tết đến xuân về, chúng tôi có làm các phương án trực Tết và đảm bảo cho nguồn điện vận hành liên tục, an toàn. Công việc chuyên môn vận hành ngày Tết hay ngày thường cũng như nhau thôi, anh em đến nhận ca và bàn giao ca. Những ngày Tết thì quan trọng hơn ngày thường".
Một vòng quay định sẵn, 15 người chia 5 ca 3 kíp trực vận hành theo lịch phân công từ tháng nọ sang tháng kia. Lễ, Tết cứ rơi vào ai thì kíp ấy gọi là “trực Tết”. Thế nên tất cả đều rất vui vẻ, thoải mái, bình thường…
Anh Việt chia sẻ tiếp, "trừ trường hợp đặc biệt mà có nhà có việc đặc biệt thì anh em đổi ca cho nhau hoặc sắp xếp đổi cho nhau thì có sự đồng ý của lãnh đạo, còn bình thường thì chúng tôi đều cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình".
Đặc thù công việc kỹ thuật điện là thế, môi trường/công việc ca/kíp đòi hỏi thời gian và sự tập trung cao độ, chuẩn chỉ… tưởng chỉ có nam nhưng trong các đơn vị Truyền tải điện đều có sự tham gia của cán bộ, lao động nữ. Mặc dù luôn được các cấp lãnh đạo trong ngành quan tâm, tạo điều kiện phát triển mọi mặt một cách công bằng, bình đẳng, song những người như chị Nghiêm Thị Nga - trực chính vận hành Trạm biến áp 220kV Xuân Mai vẫn luôn tuân thủ từng hiệu lệnh, ca kíp trực và gắn bó với Trạm 220kV Xuân Mai này suốt hơn 20 năm – kể từ khi Trạm bắt đầu thành lập Ban chuẩn bị sản xuất (năm 2002) đến giờ…
"Ngành nghề mình đặc thù, đó là xa gia đình. Hai vợ chồng tôi đều làm cùng ngành, đều quen với việc đi ca. Chồng tôi thì một thời gian trước phải đi ca nhưng đến bây giờ thì thôi không phải đi ca nữa, nhưng mà hai vợ chồng tôi chưa năm nào được ăn Tết cùng nhau. Nhiều người ngạc nhiên, nhưng đó là đặc thù công việc, cứ đến ca trực là mình phải vào ca. Gia đình hai bên cũng thông cảm, con cái biết nghề của bố mẹ hay phải đi trực nên phải ở nhà tự lo cho nhau. Cũng thiệt thòi là đêm giao thừa không được gần các con"- chị Nga xúc động cho biết.
Cảm phục trước tinh thần trách nhiệm của 165 cán bộ, kỹ sư, công nhân thực hiện nhiệm vụ quản lý, vận hành 4 trạm biến áp 500kV, 2 trạm biến áp 500kV với gần 1.000 km đường dây cao áp 220-500kV, trong đó có những TBA có tính chất đặc biệt quan trọng nhưng trong suốt 15 năm qua chưa để xảy ra một sự cố nào đáng kể, ông Nguyễn Văn Giang- Giám đốc Truyền tải điện Hoà Bình Nguyễn Văn Giang cho biết, Trạm biến áp 500kV Hoà Bình được xây dựng và hoàn thành từ năm 1994, có nhiệm vụ kết nối hệ thống đường dây tải điện 500kV Bắc Nam mạch 1 đầu tiên của đất nước…
"Trạm 500kV Hoà Bình không những lấy điện từ nhà máy phát cung cấp điện cho thủ đô Hà Nội và cung cấp điện cho các tỉnh lân cận mà còn có nhiệm vụ nữa là truyền tải công suất từ Sơn La về thông qua các đường dây 500kV, Sơn La - Hòa Bình, Sơn La - Hòa Bình - Nho Quan; Sơn La -Hòa Bình - Tây Hà Nội, vừa cung cấp / san tải / truyền một lượng công suất từ 500kV Sơn La - Hòa Bình cung cấp điện cho thủ đô Hà Nội, vừa cân bằng công suất giữa nhà máy thủy điện Hòa Bình, Nhà máy thủy điện Sơn La và dòng công suất từ Sơn La về để phục vụ cho Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Chính vì vậy đây là điểm nút rất quan trọng, nếu như mất điện hoặc sự cố thì lúc đó sẽ xảy ra tình trạng mất cân bằng / mất cân đối về công suất chung phục vụ cho cả vùng miền…"- ông Giang cho biết.
Để lại những khó khăn, vất vả lại phía sau, xác định nhiệm vụ phải quản lý, vận hành hệ thống lưới điện truyền tải an toàn, liên tục, tin cậy, góp phần đảm bảo cung cấp điện ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân, mỗi người lao động truyền tải điện đều mang tinh thần “lính” trong công tác, ứng trực 24/7 để đảm bảo cho dòng điện luôn sáng, không gián đoạn.
Đã là "lính" truyền tải, từ cán bộ đến công nhân viên đều xác định không có thời gian nghỉ Tết, ngày thường và ngày lễ cũng giống nhau, đặc biệt là ngày lễ, ngày Tết thì lại cần phải tăng cường thêm. Ví dụ như ngày thường thì công tác ca kíp trực bình thường, nhưng trong ngày Tết thì ca kíp trực thì vẫn phải thực hiện theo chế độ bình thường, vẫn theo chế độ ca kíp trực và đồng thời lãnh đạo phải được tăng cường thêm, huy động lực lượng của cán bộ phòng kỹ thuật… tăng cường thêm cho các trạm biến áp.
Ông Trịnh Tuấn Sơn - Chủ tịch Công đoàn Truyền tải điện Quốc gia chia sẻ, với đặc thù của ngành và đặc thù của lưới điện truyền tải trải dài trên khắp cả nước nên việc tổ chức đón xuân sớm trên các công trình đường dây, trạm biến áp đã trở thành thông lệ của Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia nhiều năm nay mỗi khi Tết đến, xuân về, để ghi nhận, tri ân hơn 7.000 cán bộ, kỹ sư, người lao động đã làm việc vất vả trong suốt 365 ngày của một năm, và ngay cả từng thời khắc chuyển giao năm cũ với năm mới… Năm 2022, Truyền tải điện Hoà Bình tiếp tục là một trong 33 truyền tải điện khu vực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đây cũng là ngọn nguồn từ các nhà máy điện lớn - đảm bảo cung cấp điện cho cả nước, đặc biệt là thủ đô Hà Nội trong dịp Tết cũng như phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Lãnh đạo EVNNPT gửi gắm kỳ vọng, tin tưởng đối với cán bộ, công nhân viên Truyền tải điện Hòa Bình nói riêng và cán bộ công nhân viên trong toàn Tổng công ty nói chung sẽ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Không khí Xuân đã rộn rã khắp phố phường, Tết đã cận kề với mỗi người, mỗi nhà... Với mỗi ngành nghề, công việc đều có những đặc thù và có những người lao động ở lại đón xuân trên các công trường, nhà máy, công sở… như những người lao động đang quản lý, vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia, đảm bảo cho dòng điện luôn được an toàn, thông suốt, đủ đầy, cho dòng điện sáng khắp nẻo đường hoa Tết, đón xuân sang.