|
Đưa điện về buôn làng Tây Nguyên |
Các nhà quản trị doanh nghiệp cũng thấu hiểu rằng những giá trị gốc rễ nằm trong mỗi doanh nghiệp (DN) chính là nguồn nhân lực, mà thể hiện bản chất giá trị nguồn nhân lực chính là văn hóa doanh nghiệp (VHDN). Có thể nói, VHDN quyết định sự trường tồn của DN, tạo nên nguồn nhân lực chất lượng cao trong quá trình xây dựng và phát triển bền vững cho DN; VHDN điều phối và kiểm soát hành vi cá nhân bằng các chuẩn mực hay các giá trị mà mỗi người trong doanh nghiệp được chia sẻ và tuân thủ theo; VHDN là chất keo gắn kết các thành viên của doanh nghiệp, giúp các thành viên thống nhất về cách hiểu vấn đề, đánh giá, lựa chọn và định hướng hành động. Chính vì vậy, VHDN làm tăng hiệu quả hoạt động và tạo sự khác biệt giúp doanh nghiệp vững bước trên con đường phát triển của mình.
Nhận thức sâu sắc vai trò của VHDN, lãnh đạo Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) và Công đoàn Ðiện lực Việt Nam đã nhiều năm trăn trở về xây dựng văn hóa Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (VH EVN). Nhiều đơn vị thành viên trong EVN đã chủ động xây dựng và thực thi VHDN, tuy nhiên do cách làm thiếu tính đồng bộ nên kết quả còn hạn chế, chưa có sự thống nhất trong toàn EVN, chưa tạo nên sức mạnh tổng hợp của EVN. Từ năm 2007, Công đoàn Ðiện lực Việt Nam đã đề xuất với lãnh đạo EVN cùng xây dựng "Quy định các tiêu chí và công nhận đơn vị văn hóa doanh nghiệp", khởi động cho việc xây dựng VH EVN. Năm 2008, trong mục tiêu, nhiệm vụ của EVN đã xác định: "...từng bước xây dựng văn hóa doanh nghiệp đặc thù của EVN; Xây dựng thương hiệu EVN". Năm 2009, EVN tiếp tục khẳng định một nội dung quan trọng nằm trong ba mục tiêu lớn của Tập đoàn là: "...Xây dựng văn hóa doanh nghiệp và nâng tầm thương hiệu của Tập đoàn". Dưới sự lãnh đạo của Ðảng ủy, HÐQT, ban Tổng Giám đốc và Công đoàn Ðiện lực Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo, tổ công tác làm nhiệm vụ xây dựng và ban hành tài liệu VH EVN.
Sau gần một năm thực thi nhiệm vụ, tổ công tác đã tập trung xây dựng VH EVN có chủ ý, có bản sắc riêng dựa trên cơ sở tham khảo văn hóa các tập đoàn trong và ngoài nước, tranh thủ ý kiến tư vấn của các chuyên gia, đồng thời tập hợp rộng rãi ý kiến của đông đảo CB, CNVC trong tập đoàn. Các hội thảo, hội nghị, các buổi làm việc đều tập trung thảo luận những chủ đề, những nội dung cốt lõi VH EVN. Cuộc thi sáng tác khẩu hiệu đã được phát động sâu rộng đến tất cả các đơn vị. Hàng nghìn khẩu hiệu tham gia cuộc thi. Sau nhiều lần sàng lọc, tuyển chọn, khẩu hiệu "EVN thắp sáng niềm tin" đã được lựa chọn với sự đồng tình ủng hộ và chấp thuận của phần lớn CB,CNVCLÐ ngành điện. Với ba phần: Hệ giá trị cốt lõi; Chuẩn mực đạo đức; Thực thi văn hóa, tài liệu văn hóa EVN đã cô đúc những nội dung gắn liền với thực tiễn, giản dị, gần gũi với người lao động, tạo nên nét đẹp riêng biệt của những người làm điện, thắp sáng niềm tin trong xã hội đối với ngành điện. Trong đó, Hệ giá trị cốt lõi gồm có Tầm nhìn, Sứ mệnh, Khẩu hiệu và Giá trị cốt lõi. Chuẩn mực đạo đức dựa trên nền tảng Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Thực thi văn hóa bao gồm: cam kết với Ðảng và Chính phủ "Ðiện đi trước một bước"; Cam kết với người lao động "Người lao động là tài sản quý giá nhất"; Ứng xử nội bộ "Gia đình EVN trên thuận dưới hòa"; Ứng xử với khách hàng "Khách hàng là sự tồn tại của chúng tôi"; Quan hệ với đối tác "Hợp tác cùng phát triển"; Bảo đảm lợi ích cho cộng đồng "Vì một cộng đồng phát triển"; Cam kết giữ gìn môi trường "Bảo vệ ngôi nhà chung".
Xây dựng tài liệu văn hóa EVN đã khó, nhưng việc triển khai biến các nội dung thành hành động trong thực tiễn lại càng khó hơn. Ðây là một công việc không hề đơn giản, cần sự phối hợp vận động, triển khai, kiểm tra, giám sát, đánh giá một cách đồng bộ, có hiệu quả giữa công đoàn với chuyên môn các cấp trong ngành. Do vậy, để xây dựng và hình thành VHDN, EVN xác định xây dựng và thực thi VHDN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2010 của Tập đoàn.
Phan Ngọc Trác
Phó Chủ tịch CÐ Ðiện lực Việt Nam