Kiểm tra vận hành an toàn của thiết bị.
Năm 2023, diễn biến thời tiết được dự báo phức tạp và có thể xảy ra nắng nóng kéo dài gây ra khó khăn trong việc đảm bảo cung cấp điện, đặc biệt là trong mùa hè.
Triển khai hiệu quả công tác đầu tư xây dựng
Năm 2023, Trung tâm Điều độ hệ thống điện thành phố Hà Nội, dự báo công suất đỉnh của toàn thành phố tăng trưởng 10% và trường hợp nắng nóng cực đoan có thể lên tới 15% so với năm 2022. Để chuẩn bị cho điều này, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện thành phố Hà Nội cho biết, từ cuối năm 2022, Trung tâm đã chủ động xây dựng kịch bản cấp điện mùa hè phần lưới điện 110-220kV của toàn Tổng công ty. Đồng thời, các công ty điện lực đã rà soát, cập nhật, phân tích, đánh giá số liệu phụ tải theo từng khu vực và tính chất phụ tải, từ đó dự báo phụ tải sát với thực tế, xây dựng kịch bản, giải pháp cấp điện năm 2023, tính toán đến trường hợp sự cố phức tạp nhất trên lưới điện để có thể ứng phó kịp thời, phù hợp.
Cùng với đó, EVNHANOI đã khởi công 7 công trình (1 công trình lưới điện 220kV và 6 công trình lưới điện 110kV) gồm 5 công trình theo kế hoạch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao và khởi công thêm 2 công trình lưới điện 110kV, gồm Nhánh rẽ Tây Hồ Tây - mạch 2 và Trạm biến áp 110kV Tây Hồ Tây và nhánh rẽ đường dây 110kV. Đóng điện 9 công trình lưới điện 110kV bao gồm 8 công trình theo kế hoạch EVN giao như: xây dựng mới trạm 110kV Mỹ Đức và nhánh rẽ; Trạm biến áp 110kV Công Viên Thủ Lệ; Đoạn cáp ngầm 110kV thuộc dự án trạm biến áp 110kV Minh Khai và nhánh rẽ; xây dựng mới trạm 110kV Hồng Dương và nhánh rẽ…
Bước sang năm 2023, trước những dự báo phức tạp của tình hình, EVNHANOI đã chủ động lập phương án vận hành hệ thống điện đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình đầu tư xây dựng để đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định phục vụ khách hàng. Cụ thể, Tổng công ty dự kiến triển khai các công trình đầu tư xây dựng các dự án 110/220 kV phục vụ công tác bảo đảm điện như: xây dựng mới trạm 220/110 kV Đại Mỗ và nhánh rẽ 220kV; xây dựng tuyến đường dây 220kV từ trạm biến áp 500/220kV Tây Hà Nội đi trạm biến áp 220kV Thanh Xuân; Lắp bổ sung MBA T2 TBA 110kV Sóc Sơn 2; cải tạo nâng khả năng tải tuyến đường dây 110kV Vân Đình đi trạm biến áp 110kV Tía; xây dựng mô hình công nghệ BIM để ứng dụng vào công tác quản lý vận hành cho các trạm biến áp 110kV Phú Nghĩa, 110kV Dương Nội và 110kV Minh Khai...
Với mục tiêu bảo đảm cấp điện an toàn, ổn định, chất lượng, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn thành phố, EVNHANOI sẽ huy động nguồn lực để hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng đúng tiến độ và chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật mà EVN giao.
Đẩy mạnh giải pháp tiết kiệm điện
EVNHANOI đẩy nhanh đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình đầu tư xây dựng.
Song song với các giải pháp đầu tư – xây dựng, để bảo đảm cung ứng điện liên tục, chất lượng trên địa bàn Thủ đô, EVNHANOI cũng khuyến nghị khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, tắt bớt các thiết bị điện không cần thiết, hạn chế sử dụng các thiết bị tiêu thụ nhiều điện trong giờ cao điểm của hệ thống điện (bao gồm khung giờ từ 11h00 đến 15h30 và từ 20h00 đến 23h30 hàng ngày).
Với các hộ gia đình, nên lựa chọn mua các thiết bị điện có chỉ số hiệu suất cao và đánh giá độ tiết kiệm năng lượng. Sử dụng các thiết bị điện thông minh để tự động tắt khi không sử dụng hoặc khi không có người trong phòng. Sử dụng đèn LED thay thế cho các loại đèn truyền thống khác, tiêu thụ ít điện năng hơn so với đèn huỳnh quang và có tuổi thọ cao hơn; Tận dụng ánh sáng tự nhiên để giảm sử dụng đèn trong phòng; Thường xuyên vệ sinh bảo dưỡng để thiết bị hoạt động ổn định, tiết kiệm. Một điều rất quan trọng nữa là hãy rút phích cắm khi không sử dụng, bởi mặc dù không dùng nhưng chúng vẫn góp phần làm cho hóa đơn tiền điện tăng lên. Theo viện nghiên cứu Berkeley, những thiết bị chưa rút phích, dù không sử dụng, cũng sẽ tiêu thụ khoảng 5% - 10% lượng điện năng tiêu thụ trong gia đình.
Đối với doanh nghiệp sản xuất nên bố trí kế hoạch sản xuất hợp lý, hạn chế vận hành các thiết bị điện có công suất lớn (như máy nghiền, máy nén khí…) vào giờ cao điểm. Doanh nghiệp có thể sử dụng các công cụ giám sát và quản lý năng lượng để kiểm soát và giảm thiểu lượng điện tiêu thụ. Chẳng hạn như lắp đặt hệ thống giám sát năng lượng để theo dõi các hoạt động tiêu thụ điện, thiết lập các chương trình giảm thiểu điện trong giờ cao điểm, hoặc thực hiện các cuộc khảo sát về tình trạng sử dụng năng lượng. Đầu tư, cải tiến, thay thế các thiết bị cũ, lạc hậu, hiệu suất thấp bằng các thiết bị có hiệu suất cao và tiết kiệm điện. Đào tạo và nâng cao nhận thức tiết kiệm, sử dụng điện hiệu quả của nhân viên và người lao động trong doanh nghiệp.