Người dân sống gần các công trình lưới điện trên địa bàn TP Đà Nẵng luôn cảnh giác với khoảng cách an toàn.
Nhận thức được tầm quan trọng đặc biệt của hành lang an toàn lưới điện nên PC Đà Nẵng luôn chú trọng đề cao công tác tuần tra, bảo vệ hành lang an toàn trên địa bàn quản lý lưới điện. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên thời gian qua vẫn còn xảy ra các trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện trong quá trình thi công, xây dựng công trình.
Để người dân có thêm thông tin hữu ích, chú ý hơn đối với công tác bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, PC Đà Nẵng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: xây dựng kế hoạch truyền thông chuyên đề về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện; báo cáo, đề xuất các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan tăng cường phối hợp trong công tác bảo vệ hành lang an toàn; kết hợp truyền thông mạng xã hội về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện; phản hồi, giải đáp các thông tin mà người dân có vướng mắc về hành lang an toàn lưới điện…
Trên cơ sở đó, PC Đà Nẵng thống nhất nội dung để triển khai công tác này đến các đơn vị trực thuộc nhằm thực hiện truyền thông bằng các hình thức trực quan; phát tờ rơi tuyên truyền về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, treo pano tại các vị trí xung yếu để cảnh báo người dân, phổ biến các hình ảnh đáng tiếc do tai nạn điện gây ra…
Có nhà ngay cạnh trạm điện và đường dây chạy ngang qua trên đường Lê Đại Hành (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng), chị Liên thành thật kể, lúc mới đến ở cũng sợ lắm, sau đó được phía điện lực tuyên truyền, giải thích về hành lang an toàn lưới điện nên các thành viên trong gia đình luôn tuân thủ nghiêm ngặt khoảng cách an toàn. “Chúng tôi làm đúng theo hướng dẫn của ngành điện về khoảng cách an toàn để không vi phạm pháp luật, cũng là tự bảo vệ mình và những người xung quanh trước sự nguy hiểm của dòng điện” – chị Liên đúc kết.
Lang thang phố phường, tôi tình cờ gặp lại anh Thanh – chủ thầu xây dựng năm trước khi thi công sửa chữa nhà ở trên đường Nguyễn Chí Thanh bị vi phạm nghiêm trọng khoảng cách an toàn lưới điện phải nhờ Đội Hotline can thiệp, bọc cách điện để tháo dàn giáo vi phạm ra khỏi khu vực nguy hiểm. Sau câu chào, tôi hỏi anh từ đó đến nay có vi phạm thêm lần nào nữa không, anh Thanh cười xuề: “Một lần là nhớ đời, ai dám đùa với tử thần chứ. Thú thật là lúc đó chưa biết gì về điện, cứ nghĩ rằng phải chạm vào thì mới bị điện giật. Khi được điện lực giải thích về sự phóng điện, về khoảng cách an toàn tối thiểu rồi thì chúng tôi một phen hú vía vì lần đó chưa xảy ra sự cố nguy hiểm”.
Bên cạnh các giải pháp nhằm bảo vệ hành lang an toàn lưới điện của PC Đà Nẵng, các đơn vị điện lực trực thuộc cũng chủ động phối hợp, làm việc với lãnh đạo địa phương để tuyên truyền, vận động người dân chấp hành khoảng cách an toàn, thông báo các quy định về bảo vệ an toàn công trình lưới điện, quy định xử phạt đối với các hành vi vi phạm để răn đe…
Được biết, tại Điều 15, Nghị định 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nêu rõ, phạt tiền từ 1 - 50 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm quy định an toàn điện. Ngoài hình thức phạt tiền thì cá nhân, tổ chức vi phạm hành lang an toàn lưới điện còn phải bồi thường thiệt hại, khôi phục lại hiện trạng ban đầu và chấm dứt hành vi vi phạm. Đối với những hành vi vi phạm có tính chất và mức độ nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý vi phạm hành chính mà vẫn tiếp tục vi phạm, đối tượng vi phạm có thể bị xử lý hình sự.
Ông Nguyễn Thái Hùng – Trưởng phòng An toàn (PC Đà Nẵng) cho biết: “Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền kết hợp với tuần tra, cảnh báo thường xuyên nên nhận thức của người dân về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện trên địa bàn TP Đà Nẵng ngày càng được cải thiện. Những năm gần đây, tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn lưới điện hầu như không còn xảy ra”.