Xả nước vụ Đông xuân 2020-2021

Hầu hết các diện tích gieo cấy đã được cấp đủ nước

Thứ ba, 2/3/2021 | 20:35 GMT+7
Tổng cục Thủy lợi khẳng định, sau 3 đợt lấy nước, hầu hết các diện tích gieo cấy đã được cấp đủ nước. 
 

Ảnh minh họa.
 
Tổng Cục Thủy lợi vừa tổng kết 3 đợt lấy nước vụ Đông Xuân năm 2020-2021 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ. Theo đó, để bảo đảm cung cấp đủ nước phục vụ gieo cấy tổng cộng 522.490 ha lúa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Văn bản số 8278/TB-BNN-TCTL ngày 30/11/2020 thông báo lịch lấy nước, gồm 3 đợt: Đợt 1 gồm 4 ngày (từ ngày 12/1 đến 15/1/2021); Đợt 2 gồm 8 ngày (từ ngày 26/1 đến 2/2/2021); Đợt 3 gồm 6 ngày (từ ngày 22/2 đến 27/2/2021); mực nước tại Trạm Thủy văn Hà Nội được duy trì trong Đợt 1 từ 1,8m trở lên, Đợt 2 từ 2,0m trở lên; Đợt 3 duy trì mực nước tại Trạm Thủy văn Sơn Tây từ 2,5 m trở lên. 
 
Thực tế, Đợt 1 và Đợt 2 đã được thực hiện theo đúng kế hoạch. Sau khi kết thúc Đợt 2 lấy nước, từ ngày 8-10/2/2021, đã xảy ra mưa với tổng lượng mưa cả đợt bình quân phổ biến từ 35-55mm và các địa phương vẫn tranh thủ vận hành công trình tiếp tục lấy nước nên diện tích đủ nước tăng đáng kể. Do vậy, Đợt 3 lấy nước được điều chỉnh giảm còn 4 ngày và mực nước tại Trạm Thủy văn Sơn Tây được duy trì không thấp hơn 2,5m trong ngày đầu tiên và không thấp hơn 1,8 từ ngày 23/2 đến hết ngày 25/2/2021. 
 
Để bảo đảm bổ sung nước cho hạ du theo kế hoạch, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tăng cường phát điện trước các đợt lấy nước khoảng 2-3 ngày để dâng mực nước hạ du sông Hồng theo đúng quy định. Thực tế, dòng chảy trong các đợt lấy nước được duy trì cơ bản bảo đảm như yêu cầu, tạo điều kiện cho các công trình thủy lợi vận hành lấy nước. Tổng lượng xả của các hồ chứa thủy điện cả 3 đợt là 5,14 tỷ m3, gồm: Đợt 1 là 1,43 tỷ m3, Đợt 2 là 2,74 tỷ m3, Đợt 3 là 0,97 tỷ m3. So với các năm gần đây, tổng lượng nước cao hơn 2,46 tỷ m3 so với năm 2020 (năm có mưa lớn vào Tết Nguyên Đán); cao hơn 0,72 tỷ m3 so với năm 2019 và thấp hơn 0,6 tỷ m3 so với năm 2018. So với kế hoạch ban đầu do Viện Quy hoạch Thủy lợi tính toán, tổng lượng xả thấp hơn khoảng 500-700 triệu m3.
 
Diện tích có nước kết thúc Đợt 1 (ngày 15/1/2021) là 110.497 ha, đạt 21,1% diện tích gieo cấy theo kế hoạch; kết thúc Đợt 2 (ngày 2/2/2020) diện tích có nước là 430.401 ha, đạt 82,4%; trong đó, các tỉnh Hà Nam, Nam Định và Thái Bình cơ bản hoàn thành kế hoạch. Trong thời gian giữa Đợt 2 và Đợt 3, nguồn nước sông vẫn cơ bản đủ điều kiện cho các trạm bơm dã chiến hoạt động và từ ngày 8-10/2/2021, đã xảy ra mưa với tổng lượng mưa cả đợt bình quân phổ biến từ 35-55mm nên diện tích có nước tiếp tục tăng. Diện tích có nước đến trước Đợt 3 lấy nước (ngày 21/2/2021) là 575.578/522.490 ha (đạt 96,8%), các địa phương trong khu vực đã hoàn thành kế hoạch lấy nước đối với diện tích phụ thuộc vào dòng chảy sông Hồng, riêng Thành Phố Hà Nội đạt 85,4%, trong đó các huyện Phúc Thọ, Sơn Tây, Ba Vì, Quốc Oai đạt dưới 80% nên tiếp tục có nhu cầu lấy nước Đợt 3. Kết thúc 3 đợt lấy nước, diện tích có nước là 518.640 ha, đạt 99,3%; trong đó, chỉ còn diện tích không lớn (1.160 ha) của các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Quốc Oai và Thạch Thất (Thành phố Hà Nội) sẽ được cấp đủ nước từ nguồn các hồ chứa thủy lợi, sông nội địa và trạm bơm dã chiến Phù Sa (khoảng 500ha).
 
Theo Tổng Cục Thủy lợi, công tác lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2020-2021, khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ gặp nhiều thuận lợi, trong đó, lịch lấy nước của từng đợt được xác định phù hợp với kỳ triều cường, tính toán cụ thể bằng mô hình toán để xác định khoảng thời gian xả nước tiết kiệm nhất và phù hợp với thời vụ gieo cấy của các địa phương; Các cửa lấy nước, hệ thống kênh dẫn nước trong các hệ thống công trình thủy lợi được các địa phương đầu tư nạo vét tốt đã tạo thuận lợi cho việc dẫn nước vào ruộng; Ngoài ra, thời tiết có mưa với lượng mưa khá sau Đợt 2 lấy nước đã bổ sung một phần nước trên ruộng và tăng lượng nước trữ trong nội đồng, giúp đẩy nhanh tiến độ lấy nước.
 
Các địa phương cũng đã chủ động tổ chức vận hành sớm công trình để lấy nước trước đợt xả nước, đồng thời tích trữ trong các vùng trũng, ao hồ, hệ thống kênh mương để đưa nước lên ruộng trong thời gian giữa các đợt lấy nước. Đồng thời, công tác chỉ đạo sát sao từ lãnh đạo Bộ, Tổng cục Thủy lợi và Ủy ban nhân dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trong thời gian lấy nước dựa trên cơ sở cân đối nhu cầu và khả năng lấy nước của các khu vực trong vùng nhằm đảm bảo đủ nước đồng thời tiết kiệm nguồn nước xả từ các hồ chứa thủy điện.
 
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng gặp không ít khó khăn, đó là: Tình trạng hạ thấp lòng dẫn sông Hồng tiếp tục diễn biến phức tạp làm nguồn nước không thuận lợi, ảnh hưởng đến hiệu suất lấy nước của các công trình thủy lợi. Thực tế, trong toàn bộ 8 ngày lấy nước Đợt 2, các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang đã vận hành hết công suất phát điện, nhưng thời gian mực nước tại Trạm Thủy văn Hà Nội cao hơn 2,0 m chỉ đạt 21,9%; cao hơn 2,2m đạt 1 %.
Mực nước sông thấp dẫn đến các công trình thủy lợi chưa được sửa chữa, nâng cấp không đủ khả năng hoạt động, một số trạm bơm dã chiến (trạm bơm Phù Sa, Ấp Bắc, Thanh Điềm) chưa bảo đảm chủ động hoạt động không phụ thuộc vào dòng chảy bổ sung từ các hồ chứa thủy điện. 
 
Trong thời gian các đợt lấy nước Đợt 1 và Đợt 2, thời tiết hanh khô, không có mưa, đất phơi ải rất khô dẫn đến lượng nước đổ ải nhiều hơn các năm trước.
 
Trong thời gian lấy nước Đợt 2 còn một số diện tích cây vụ Đông chưa thu hoạch nên chưa có nhu cầu lấy nước, dẫn đến diện tích có nước của một số địa phương như Hải Dương, Bắc Ninh và Thành phố Hà Nội chưa cao.
 
Do tập quán canh tác của một số địa phương, nên nhu cầu lấy nước khác nhau dẫn đến tiến độ lấy nước trong khu vực giữa các địa phương khác nhau khiến kéo dài thời gian lấy nước.
 
Tổng Cục Thủy lợi đánh giá, việc cấp nước phục vụ làm đất gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2020-2021, khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ đã được Lãnh đạo Bộ quan tâm, chỉ đạo sát sao. Lãnh đạo Bộ đã có một số buổi công tác kiểm tra thực địa tại các tỉnh, thành phố Hà Nội, Nam Định, Vĩnh Phúc, Hà Nam. Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Tổng cục Thủy lợi đã phối hợp chặt chẽ với Cục Trồng trọt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, các cơ quan khoa học, cơ quan thông tấn và các địa phương thực hiện xây dựng kế hoạch lấy nước và điều hành linh hoạt các đợt lấy nước.
 
Lịch lấy nước được xác định dựa trên việc tính toán cụ thể bằng mô hình toán của Viện Quy hoạch Thủy lợi, bảo đảm các tiêu chí chủ yếu (như: khung thời vụ, lịch thủy triều, nhu cầu lấy nước của địa phương, không trùng kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán), đồng thời bảo đảm tính thực tiễn cao, góp phần tiết kiệm nước từ các hồ chứa thủy điện.
 
Trong các Đợt lấy nước, mực nước thực đo hạ du hệ thống sông được theo dõi trực tuyến, diện tích có nước cập nhật 1 lần/ngày. Kết quả điều hành được công bố trên website (capnuocdongxuan.tongcucthuyloi.gov.vn), báo cáo hàng ngày đến Lãnh đạo Bộ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cơ quan thông tấn, báo chí và các địa phương bằng email và tin nhắn SMS.
 
Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tổ chức vận hành các nhà máy thủy điện tối đa khả năng cho phép để tạo điều kiện thuận lợi cho các công trình thủy lợi vận hành lấy nước, đồng thời bảo đảm cung cấp đủ điện cho các trạm bơm hoạt động. Thông tin điều hành xả nước của Tập đoàn được gửi hàng ngày đến Tổng cục Thủy lợi và các cơ quan liên quan để phối hợp thực hiện.
 
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia tổ chức dự báo thời tiết, mực nước sông Hồng tại Hà Nội và Sơn Tây theo bước thời gian 2 giờ/lần, tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều hành xả nước, lấy nước.
 
Viện Quy hoạch Thủy lợi đã tổ chức theo dõi, dự báo mực nước tại các cửa lấy nước, làm cơ sở cho chỉ đạo, điều hành công tác lấy nước.
 
Các cơ quan báo chí, truyền thông (VTV, VOV, TTXVN, THND, VTC, Báo Nông nghiệp Việt Nam,.v.v.) đã tổ chức tuyên truyền tốt trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình nguồn nước, lịch lấy nước và các khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, góp phần quan trọng thúc đẩy tiến độ lấy nước và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả… 
 
Tổng cục Thủy lợi đánh giá, để đạt được những kết quả như trên là bởi có được sự chỉ đạo, điều hành sát sao, quyết liệt của Lãnh đạo Bộ, Tổng cục Thủy lợi, Ủy ban nhân dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trong khu vực đã đảm bảo đủ nước cho diện tích gieo cấy theo kế hoạch và tiết kiệm nguồn nước xả từ các hồ chứa thủy điện. 
 
Việc chủ động xây dựng cụ thể kế hoạch lấy nước, nạo vét hệ thống kênh mương, cửa lấy nước, và vận hành công trình lấy nước, tận dụng nguồn nước trong thời gian trước và giữa các đợt lấy nước đã tích trữ trong hệ thống kênh mương, ao, đầm, vùng trũng để đưa nước lên ruộng đã đẩy nhanh tiến độ lấy nước.
 
Việc tiếp tục đầu tư các trạm bơm có thể vận hành lấy nước chủ động, không phụ thuộc vào dòng chảy bổ sung từ các hồ chứa thủy điện vẫn là giải pháp hữu hiệu trong giai đoạn hiện nay để thích ứng với tình trạng mực nước sông bị hạ thấp. Bên cạnh đó, cần thiết phải tiếp tục bổ sung, duy trì các trạm bơm dã chiến có khả năng vận hành không phụ thuộc vào dòng chảy bổ sung từ các hồ chứa thủy điện.
 
Giải pháp thực hiện sớm việc bừa đất, đồng thời gia cố bờ vùng, bờ thửa có hiệu quả cao trong việc giữ nước trên ruộng.
 
Sự phối hợp tốt của các cơ quan truyền thông trong việc tuyên truyền sớm và liên tục về lịch điều tiết các hồ thủy điện, tình hình nguồn nước, công tác chỉ đạo của Bộ, Tổng cục Thủy lợi trong suốt thời gian lấy nước đã giúp các địa phương nắm bắt được thông tin và chủ động đưa ra phương án lấy nước hiệu quả nhằm đẩy nhanh tiến độ lấy nước và tiết kiệm nguồn nước xả…
 
Để bảo đảm yêu cầu phục vụ sản xuất và dân sinh, vừa bảo đảm tiết kiệm nước để phát điện trong điều kiện nguồn nước ngày càng khó khăn, Tổng cục Thủy lợi kiến nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam căn cứ vào lịch xả nước sau khi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành chủ động tính toán, xác định lưu lượng xả, tổng lượng xả các hồ chứa thủy điện phù hợp bảo đảm các công trình thủy lợi vận hành lấy nước phục vụ sản xuất đồng thời tiết kiệm nguồn nước và nâng cao hiệu quả phát điện. 
 
Nguyên Long