Ảnh minh họa.
Tiến độ lấy nước chậm
Theo Tổng cục Thủy lợi, đợt 1 lấy nước đã thực hiện đúng kế hoạch, từ 0h ngày 12/1/2021 đến 24h ngày 15/01/2021 (tổng cộng 4 ngày), mực nước sông Hồng tại trạm Thủy văn Hà Nội đạt trung bình 1,70, cao nhất đạt 2,19m (mực nước yêu cầu là 1,8m). Tổng lượng xả các hồ chứa thủy điện là 1,43 tỷ m3 nước.
Đợt 2 lấy nước bắt đầu từ 0 giờ 00 ngày 26/1/2021, mực nước thực đo trung bình tại trạm Thủy văn Hà Nội tính đến 15h ngày 1/2 đạt 1,82m, cao nhất đạt 2,21m (ngày 31/1/2021). Tổng lượng xả các hồ chứa thủy điện (tính từ ngày 23/1 đến ngày 31/1/2021) là 2,47 tỷ m3 nước.
Tổng lượng xả đợt 1 và đợt 2 tính đến thời điểm báo cáo là 3,9 tỷ m3 nước.
Theo đánh giá của Tổng cục Thủy lợi, trong thời gian đợt 1, dòng chảy đã bảo đảm yêu cầu đẩy mặn và tạo điều kiện thuận lợi cho các công trình vùng ảnh hưởng triều và các công trình đã được sửa chữa, nâng cấp vận hành lấy nước.
Đợt 2 lấy nước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thực hiện vận hành tối đa các nhà máy thủy điện; tuy nhiên, mực nước 3 ngày đầu tiên của Đợt lấy nước tại trạm thủy văn Hà Nội chưa dâng đạt mực nước yêu cầu là 2,0m. Những ngày sau, triều cao hơn do vậy mực nước tại Hà Nội đã được cải thiện, có những thời điểm đạt trên 2,0m. Thực tế, việc dâng mực nước lên 2,0m hiện rất khó khăn do lòng dẫn sông tiếp tục bị hạ thấp. Các công trình thủy lợi cố định của các địa phương vùng không ảnh hưởng triều chưa được đầu tư, sửa chữa nâng cấp hạ thấp cao trình mực nước bể hút, như các trạm bơm Đại Định, Bạch Hạc (Vĩnh Phúc), Phù Sa, Ấp Bắc (Thành phố Hà Nội); các cống Cẩm Đình, Liên Mạc (Hà Nội), Long Tửu (tỉnh Bắc Ninh) không đủ điều kiện vận hành lấy nước (tình trạng này đã thường xuyên diễn ra từ vài năm gần đây, kể cả khi các nhà máy thủy điện vận hành hết công suất phát điện).
Tính đến 15h ngày 1/2/2021, diện tích có nước trung bình toàn khu vực là 395.804/522.490 ha (đạt 75,8%), tăng 54,7% so với thời điểm kết thúc đợt 1. Cụ thể, tỉnh Hà Nam 97,2%; Thái Bình 93,4%; Nam Định 90,1%; Ninh Bình 90,2%; Phú Thọ 85,5%; Hưng Yên 68,4%; Hải Dương 67,5%; Hải Phòng 64,6%; Vĩnh Phúc 60,1%; Bắc Ninh 58,4%; Hà Nội 53,4%.
So với một số năm gần đây, diện tích có nước trung bình thấp hơn năm 2020 và 2019 từ 10-23% (năm 2020 là 95%, năm 2019 là 82%) và cao hơn 5% so với năm 2017 và 2018.
Theo Tổng cục Thủy lợi, nguyên nhân diện tích có nước đạt thấp hơn là do đợt lấy nước thực hiện sớm hơn so với một số năm gần đây do phụ thuộc vào lịch thủy triều nên các địa phương chưa thực hiện lấy nước trước đợt 1. Thời tiết hanh khô, không có mưa, đất phơi ải rất khô nên lượng nước đổ ải cần nhiều hơn các năm trước.
Tình trạng hạ thấp lòng dẫn sông làm nguồn nước duy trì không thực sự thuận lợi, làm ảnh hưởng đến hiệu suất lấy nước của các công trình thủy lợi. Một số diện tích cây vụ Đông chưa thu hoạch nên chưa có nhu cầu lấy nước.
Cần đẩy nhanh tiến độ lấy nước
Theo tính toán của Tổng cục Thủy lợi, kết thúc đợt 2 diện tích có nước khoảng gần 80%. Đến trước đợt 3, diện tích có nước sẽ tăng khoảng 10-15% (ở mức trung bình từ 90-95%), một số địa phương sẽ hoàn thành kế hoạch. Các diện tích còn lại thuộc các khu vực khó khăn về nguồn nước như Phúc Thọ, Thạch Thất (Hà Nội); khu vực Bắc Đuống (Bắc Ninh) và các diện tích gieo cấy muộn, chủ động nguồn nước tưới (Kinh Môn – Hải Dương).
Đợt 3 sẽ chủ yếu để các địa phương thực hiện tích trữ nước và hoàn thành kế hoạch cấp nước của toàn vùng.
Để đảm bảo nguồn nước phục vụ gieo cấy và tiết kiệm lượng nước xả, trong điều kiện nguồn nước không thực sự thuận lợi, Tổng cục Thủy lợi kiến nghị Bộ NN&PTNT ban hành Văn bản gửi các địa phương liên quan đề nghị tập trung việc đưa nước lên ruộng khi trong thời gian giữa đợt 2 và đợt 3; lưu ý việc giữ nước trên ruộng do thời gian từ khi kết thúc đợt 2 và đợt 3 tương đối dài để tránh thất thoát, lãng phí nước.
Tiếp tục thực hiện đợt 3 đúng kế hoạch để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương hoàn thành kế hoạch; tùy tình hình thực tế sẽ xem xét điều chỉnh nếu các địa phương hoàn thành sớm, bảo đảm tiết kiệm nước từ các hồ chứa thủy điện.