Làm chủ công nghệ, bước đột phá của truyền tải điện

Thứ hai, 18/12/2017 | 14:18 GMT+7
Xu hướng phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam hiện nay đòi hỏi yêu cầu rất cao về tự động hóa điều khiển. 
Nhóm kỹ sư Sicam-PAS tại trạm biến áp 500 kV Phố Nối (Hưng Yên).
 
Nhóm kỹ sư thuộc Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đang thực hiện khá thành công công nghệ tích hợp phần mềm điều khiển Sicam-PAS.
Làm chủ công nghệ do Siemen chuyển giao
 
Từ năm 2015, lãnh đạo EVNNPT đã quyết định tuyển chọn các kỹ sư từ bốn công ty truyền tải điện và ba ban quản lý trực thuộc gửi sang đào tạo, chuyển giao công nghệ về Hệ thống điều khiển Sicam-PAS của hãng Siemen (Đức). Nhóm kỹ sư này tuy tuổi đời còn khá trẻ nhưng đều được đào tạo chuyên sâu thuộc các lĩnh vực điện và tự động hóa trong các trường đại học, có trình độ tiếng Anh chuyên ngành tốt, có kinh nghiệm trên 10 năm trong ngành điện. Với nền tảng kiến thức và kinh nghiệm sẵn có, sau các khóa đào tạo chuyển giao cấp tốc về Hệ thống điều khiển Sicam-PAS, các kỹ sư trong lĩnh vực truyền tải điện của Việt Nam đều được Siemen đánh giá cao về trình độ và chính thức được cấp chứng chỉ của Siemen về phần mềm điều khiển này.
 
Từ đây, các kỹ sư Việt Nam được cấp chứng chỉ của Siemen đã có thể làm chủ công nghệ trong việc tích hợp phần mềm Hệ thống điều khiển Sicam-PAS trong các trạm biến áp, công việc trước đây chỉ do chuyên gia của Siemen độc quyền đảm nhận. “Hệ thống điều khiển Sicam-PAS của hãng Siemen là hệ thống nhằm thay thế hệ thống điều khiển truyền thống (thao tác vận hành, đóng cắt trực tiếp tại các tủ thiết bị của trạm biến áp) sang điều khiển bằng máy tính tiến tới trạm biến áp không người trực, xu hướng phát triển của lưới điện thông minh hiện nay” - kỹ sư Huỳnh Quang Thịnh, thành viên nhóm, cho biết.
 
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết các kỹ sư trong nhóm làm việc độc lập theo các phần mềm của rơle bảo vệ, Sicam-PAS hay hệ thống máy tính điều khiển, giao diện, sau đó cả nhóm sẽ ngồi lại, cùng trao đổi và tích hợp lại. Phần mềm điều khiển này sau khi được tích hợp phải được tiến hành test tại hiện trường kiểm tra kỹ lưỡng mới đóng điện đưa vào vận hành. “Nói một cách dễ hiểu hơn, công việc của nhóm chúng tôi là thực hiện phần mềm của hệ thống điều khiển tích hợp trong trạm biến áp. Mô phỏng số hóa toàn bộ hệ thống thiết bị của trạm trên máy tính để vận hành, điều khiển, giám sát toàn bộ quá trình hoạt động của các thiết bị trong trạm” - kỹ sư Kiều Văn Minh giải thích thêm.
 
Tiền đề tiến tới trạm biến áp không người trực
 
Theo các kỹ sư trong nhóm, kể từ khi hoàn thành các khóa đào tạo chuyển giao công nghệ và được cấp chứng chỉ của Siemen, họ được lãnh đạo tổng công ty giao thực hiện nhiệm vụ cài đặt và tích hợp phần mềm hệ thống điều khiển này tại các dự án do EVNNPT làm chủ đầu tư. Theo đó, các kỹ sư trong nhóm đã cài đặt và tích hợp thành công phần mềm điều khiển này tại các trạm biến áp 220 kV Cà Mau, Sóc Trăng, Trảng Bàng, Bình Chánh; trạm biến áp 500 kV Duyên Hải, Quảng Ninh, Phố Nối.
 
Kỹ sư Huỳnh Quang Thịnh cho biết: “Công việc ở các trạm biến áp 220 kV đỡ áp lực hơn do trạm nhỏ, khối lượng ít. Trong khi đó tại các trạm biến áp 500 kV khối lượng công việc rất nhiều và phức tạp vì các trạm này rất quan trọng, nếu để xảy ra một sai sót dù chỉ là rất nhỏ thì ảnh hưởng lớn đối với hệ thống truyền tải điện. Đây là áp lực rất lớn cả về chất lượng và tiến độ đối với chúng tôi”.
 
Theo anh Thịnh, trước đây những dự án như thế này đều phải thuê chuyên gia nước ngoài của các hãng cung cấp thiết bị như Siemen với chi phí rất cao, chúng ta  phụ thuộc họ cả về tiến độ, thời gian. Nay những công việc này anh em đã có thể đảm nhận hoàn toàn, giúp giảm chi phí cho các dự án của EVNNPT. “Đây cũng chính là tiền đề quan trọng để tiến tới áp dụng biến áp không người trực và lưới điện thông minh trong lĩnh vực truyền tải điện” - kỹ sư Thịnh chia sẻ.
Theo: PLO