Ảnh minh họa.
Việc sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng tiết kiệm và hiệu quả luôn được các doanh nghiệp quan tâm, đưa lên hàng đầu trong kế hoạch giảm chi phí.
Một giải pháp về dịch vụ năng lượng mới ESCO (Energy Service Company Organization) được đánh giá có thể giúp doanh nghiệp, khách hàng sử dụng điện giảm thiểu việc tiêu tốn điện năng, với chi phí đầu tư ít... Nhưng đến nay, mô hình này vẫn đang gặp khó khăn khi triển khai.
Theo ông Nguyễn Phước Đức, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC), đối với các khách hàng đã tham gia đầu tư mô hình ESCO, có thể đầu tư cải tạo, thay thế các thiết bị tiêu tốn nhiều điện năng; sử dụng năng lượng tái tạo để giảm chi phí cho doanh nghiệp, nâng cao hình ảnh của doanh nghiệp, sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường hơn.
Ngoài ra, với ngành điện, mô hình này sẽ phần nào giúp giảm bớt áp lực về cung cấp điện khi khách hàng tự nhận thức, nâng cao ý thức tiết kiệm điện, đánh giá và lượng hóa được hiệu quả công tác tuyên truyền tiết kiệm điện … Đồng thời, nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ khách hàng, quảng bá thương hiệu EVN trong xu thế hội nhập.
Báo cáo kết quả triển khai mô hình ESCO từ Tổng Công ty Điện lực miền Nam cho thấy, liên danh ESCO (bao gồm EVN SPC và công ty SolarBK) đã ký hợp đồng đầu tư với Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ (Caseamex), chính thức đo đếm, tính toán, chia sẻ tiền tiết kiệm từ cuối năm 2015.
Ông Nguyễn Phước Đức cho hay, đây là doanh nghiệp chế biến thủy sản, sử dụng nước nóng để vệ sinh nguyên vật liệu, dụng cụ chế biến, nhà xưởng trong quá trình sản xuất. Trước đây, khách hàng dùng điện đun nước lạnh trực tiếp. Nhưng khi chuyển qua khai thác hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời, mức thực tế tiết kiệm đạt trên 85%.
Ngoài ra, khách hàng cũng giám sát được qua hệ thống năng lượng tiết kiệm hàng tháng, theo dõi việc sử dụng nước nóng cho từng thời điểm sản xuất. Từ đó kiểm soát được dung tích nước nóng sử dụng, hạn chế lãng phí nên rất ủng hộ mô hình này. "Hiện nay, Công ty Caseamex đã giới thiệu cho các Công ty Thủy sản tại Cần Thơ và Đồng Tháp cùng tìm hiểu để tham gia". - ông Nguyễn Phước Đức cho biết thêm.
Từ thành công đầu tiên của mô hình này, liên danh ESCO đã ký tiếp các hợp đồng chia sẻ tiết kiệm với Khách sạn Ninh Kiều (Tp. Cần Thơ), Khách sạn Cửu Long (tỉnh Vĩnh Long); hợp đồng đảm bảo mức tiết kiệm tại Khách sạn SIVA, Mũi Né – Bình Thuận, với mức tiết kiệm điện không thấp hơn cam kết ban đầu.
Ngoài ra, EVN SPC cũng thống nhất được các nội dung thương thảo để ký thêm hợp đồng với 2 khách hàng Công ty Thủy sản Biển Đông (TP. Cần Thơ) và Công ty HOYA, Bình Dương chuyên về sản xuất kính.
Có nhiều lợi thế về chi phí đầu tư thấp, cùng chia sẻ lợi ích khi tiết kiệm điện và tính thân thiện với môi trường, song theo lãnh đạo của Tổng Công ty Điện lực miền Nam, mô hình này vẫn gặp nhiều khó khăn khi triển khai.
Ông Nguyễn Phước Đức cho hay, do mô hình khá mới nên cần có những nghiên cứu để xây dựng mô hình tổ chức hợp lý, phù hợp với qui định về pháp luật, địa bàn hoạt động của các đơn vị, mang lại lợi nhuận hợp lý cho các bên tham gia. Đơn cử, thời gian qua, EVN SPC đã phối hợp với Công ty SolarBK khảo sát đến 49 khách hàng.
Nhưng, khách hàng vẫn không đồng ý ký hợp đồng hợp tác đầu tư; trong đó, có nhiều khách hàng mong muốn đầu tư theo mô hình này nhưng có tâm lý e ngại do chưa có doanh nghiệp nào đầu tư trước đó nên khách hàng vẫn chưa thực sự tin tưởng vào hiệu quả của mô hình.
Cùng với đó, ông Đức cũng cho thừa nhận, ngay như EVN SPC cũng chưa có kinh nghiệm, hiểu biết thực tế hoạt động của mô hình ESCO nên cần phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, giải quyết các vướng mắc theo các điều kiện thực tế.
“Việc triển khai thực hiện mô hình ESCO cũng đòi hỏi phải có các nhân sự có kinh nghiệm và năng lực chuyên môn cao trong các lĩnh vực quản lý, kiểm toán năng lượng, kỹ thuật, tài chính, tư vấn, quản lý dự án...
Trong khi đó, nguồn nhân lực của EVN SPC hiện tại, hầu hết là làm các công tác chuyên môn về điện. Tại các đơn vị Điện lực, chưa có đội ngũ nhân lực am hiểu về công nghệ cũng như quản lý theo mô hình ESCO. Do đó, cần phải có kế hoạch, thời gian để đào tạo xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực.” - ông Đức nói.
Dịch vụ năng lượng ESCO là một sản phẩm mang tính đặc thù, chưa phổ biến trên thị trường, nên hiện còn khó khăn cho công tác thẩm định giá của thiết bị, phê duyệt dự toán, đánh giá được hiệu quả dự án chi tiết về tài chính, quản lý...
Để có thể hoàn thành được mục tiêu đặt ra có 8-10 khách hàng thí điểm thực hiện mô hình, dự kiến thời gian tới, EVN SPC tiếp tục ký kết từ 4-6 khách hàng để đầu tư, hoàn chỉnh bộ quy trình triển khai ESCO...
Theo ông Nguyễn Phước Đức, Tổng Công ty sẽ phối hợp tham gia, tổ chức các lớp đào tạo kiến thức cho lực lượng trực tiếp làm công tác ESCO để nâng cao trình độ nhân lực, có chuyên môn cao hơn trong quản lý dịch vụ này.
Đồng thời, thành lập tổ công tác tại các Công ty điện lực trực tiếp làm các nội dung liên quan đến ESCO tại đơn vị; gặp gỡ, giới thiệu mô hình đến khách hàng, phối hợp Công ty SolarBK hoàn chỉnh quy trình phối hợp...