Những sáng kiến, bước đi trong chuyển đổi số đã và đang góp phần tích cực nhằm nâng cao các dịch vụ điện tại TP Đà Nẵng.
Ý nghĩa hơn, những sáng kiến này đã và đang được ứng dụng vào thực tế công tác cũng là những bước đi đúng đắn trong công cuộc chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý kỹ thuật của ngành điện.
Điện lực Liên Chiểu (PC Đà Nẵng) là đơn vị có địa bàn quản lý lưới điện trải dài, phân bố dân cư không đồng đều nên công tác quản lý kỹ thuật gặp khá nhiều khó khăn về thời gian di chuyển trong trường hợp xảy ra sự cố cũng như đi lại để bảo dưỡng, phát hiện các khiếm khuyết trên lưới điện. Đối với những khu vực, địa bàn có mật độ dân số cao, bài toán đảm bảo chất lượng điện năng đồng đều tại các vị trí luôn được Điện lực Liên Chiểu tính toán nhằm đưa ra phương án tối ưu.
Giải pháp này đã được anh Trương Minh Tú - Chuyên viên phòng Kế hoạch - Kỹ thuật (Điện lực Liên Chiểu) và các cộng sự nhen nhóm, xây dựng thành công sáng kiến Chương trình cảnh báo chất lượng điện áp, vừa được PC Đà Nẵng công nhận vào quý III năm 2021.
Đây là công cụ vận hành tự động thay cho việc vận hành thủ công trước đó khi xử lý vấn đề điện áp không đồng đều. Chương trình đã được lập trình cụ thể các công cụ phân tích số liệu, đưa ra cảnh báo tự động, nhờ đó đơn vị kịp thời tính toán phương án nâng dung lượng máy biến áp, tăng cường xuất tuyến mới… nhằm giải quyết các vấn đề trên.
Sau thời gian đưa vào sử dụng chính thức, sáng kiến đã hỗ trợ tích cực cho công tác quản lý kỹ thuật tại đơn vị nhằm lên phương án chính xác vị trí cần giải quyết, từng bước nâng cao chất lượng điện năng phục vụ khách hàng sử dụng điện trên địa bàn.
Chưa dừng lại ở đó, nhóm tác giả đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI – một trong những nhân tố quan trọng của chuyển đổi số vào chương trình, qua đó thực hiện đề tài khoa học với tên gọi “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo và thuật toán thông tin địa lý tự động phân tích cảnh báo điện áp”, được Tổng công ty Điện lực miền Trung công nhận ý tưởng chuyển đổi số quý III năm 2021.
Công nghệ AI được áp dụng vào chương trình sẽ dẫn đến một quá trình “tự học” các phương án giải quyết cho vấn đề chất lượng điện năng qua nhiều năm, và sau mỗi năm sẽ tự đề xuất ra các quyết định thay cho con người với sự cải tiến phù hợp với tình hình thay đổi của lưới điện hiện trạng. Các đề xuất phương án của công nghệ AI đi đúng trọng tâm và đặc biệt hỗ trợ giải quyết triệt để vấn đề đặt ra, từ đó nâng cao hơn nữa chất lượng điện năng phục vụ khách hàng sử dụng điện.
Tương tự như vậy, sáng kiến “Quản lý kiểm soát công tác phúc tra chỉ số khách hàng tự động” được công nhận vào cuối năm 2019 là tiện ích do nhóm tác giả Phòng Kinh doanh - Điện lực Liên Chiểu xây dựng. Đây là tiện tích tự động thống kê, trích xuất dữ liệu từ chương trình quản lý khách hàng CMIS 3.0 để tổng hợp thành các bảng so sánh biến động sản lượng chi tiết của khách hàng qua từng tháng, từng năm. Công cụ đắc lực này sẽ giúp người làm công tác phúc tra chỉ số có thể dễ dàng rà soát dữ liệu, phát hiện các bất thường để xử lý kịp thời.
Khi phát triển thành ý tưởng chuyển đổi số, anh Phạm Minh Long – một trong số các tác giả đã đề xuất việc sử dụng công nghệ AI để thay con người trong việc đánh giá dữ liệu biến động sản lượng, xem xét sự thay đổi mức sử dụng điện bình quân của khách hàng nhằm giải quyết việc bỏ sót, sai số khi phúc tra, kiểm soát được sự bất thường chỉ số, nâng cao sự hài lòng của khách hàng sử dụng điện.
Đây chỉ là 2 sáng kiến tiêu biểu gần đây của năm 2021 trong số những sáng kiến đã không ngừng được áp dụng và nâng lên thành các ý tưởng chuyển đổi số tại Điện lực Liên Chiểu nói riêng và của PC Đà Nẵng thời gian qua.
Có thể nói, tiền đề của những ý tưởng chuyển đổi số không dừng lại ở những sáng kiến đã được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất kinh doanh tại các đơn vị. Để có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo, Điện lực Liên Chiểu đã xây dựng kho số hóa dữ liệu đầy đủ và chính xác tuyệt đối để làm nền tảng phân tích, đề xuất.
Thời gian qua, trong công tác kinh doanh dịch vụ khách hàng, đơn vị đã số hóa 99,63% số hợp đồng mua bán điện, tỷ lệ thực hiện cung cấp dịch vụ theo phương thức điện tử đạt 99,7%, thực hiện cung cấp dịch vụ trực tuyến cấp độ 4 đạt 100%. Về mặt quản lý kỹ thuật, các hồ sơ lý lịch trạm biến áp, các tài liệu kỹ thuật đã được số hóa 100%, sẵn sàng cho việc tra cứu dữ liệu hoàn toàn trên máy tính.
Có thể khẳng định rằng, tại Điện lực Liên Chiểu, phong trào sáng kiến là nền tảng quan trọng để phát triển các công cụ phần mềm thành ý tưởng chuyển đổi số. Nhiều năm qua, Điện lực Liên Chiểu luôn coi trọng việc xây dựng nguồn lực chất lượng bằng việc thành lập các nhóm tại từng phòng ban, hàng ngày bám sát công việc để kịp thời đưa ra các sáng kiến cải tiến sản xuất. Sau quá trình gọt giũa, điều chỉnh hợp lý, các sáng kiến tiếp tục phát triển, trở thành ý tưởng chuyển đổi số, phục vụ đắc lực cho thực tiễn sản xuất tại đơn vị.
Ông Trần Thế Thọ - Giám đốc Điện lực Liên Chiểu chia sẻ, phong trào sáng kiến là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà đơn vị luôn ưu tiên nhằm kịp thời nắm bắt xu thế, góp phần cùng với PC Đà Nẵng, Tổng công ty Điện lực miền Trung và EVN thực hiện chuyển đổi số theo đúng lộ trình và mục tiêu đề ra.