Thiết bị giám sát dòng rò CSV tại Trạm biến áp 500kV Đắk Nông.
Chỉ vài năm về trước để nhận được một công văn từ nơi phát hành, cụ thể là Tổng Công ty truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), phải trải qua một quy trình luân chuyển và thủ tục văn thư dài ngày qua các dịch vụ chuyển phát nhanh của Vietel, VNPT gồm: đến PTC3 - rồi đơn vị truyền tải điện trực thuộc – đến Trạm biến áp, đội Truyền tải điện. Có khi chờ đợi 1 công văn, 1 quyết định mòn mỏi đến cả tuần, mười ngày. Khi công văn thất lạc, lại phải liên hệ đơn vị chuyển phát truy xuất dữ liệu ngày nhận, người nhận, người phát…
Tuy nhiên hiện nay, việc sử dụng phần mềm Văn phòng điện tử (E-Office), rồi đến Văn phòng số (D-Office) thì việc phát hành, nhận và xử lý công văn gần như tức thời. Chỉ 1 thao tác nhấn chuột, công văn, thông báo, quyết định đã đồng loạt chuyển đến từng đơn vị, phòng ban, cá nhân. Không còn cảnh chờ đợi, không còn cảnh phải in, trình ký, đóng tập, lưu. Nếu so sánh, đó thực sự là một thay đổi mang tính cách mạng.
Đối với công tác chốt sản lượng, cách đây khoảng 10 năm, đêm nào cũng vậy, cứ đúng 0 giờ 00 phút, nhân viên trực vận hành trạm phải đi đến các điểm công tơ ranh giới, mang theo khoảng 5-6 quyển sổ ghi sản lượng, một người bấm, đọc chỉ số, người còn lại ghi ghi, chép chép. Sáng ra phải báo các chỉ số ghi chép bằng điện thoại cho Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia, Trung tâm điều độ hệ thống điện miền. Năm 2015-2016, hệ thống MDMS ra đời, việc đọc, lưu trữ chỉ sống công tơ, thông số hệ thống điện tại các trạm biến áp trên toàn quốc đã được thực hiện tự động, lưu trữ trên kho dữ liệu của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN). Chỉ cần được cấp tài khoản, mật khẩu là bất kỳ một cá nhân nào cũng có thể truy xuất được dữ liệu của hệ thống của tất cả các Trạm biến áp. Việc tính toán tổn thất cũng đã được thực hiện qua phần mềm, nhân viên vận hành không còn phải thực hiện nhập số liệu bằng tay, tính toán thủ công như trước đây.
Cấu tạo bên trong thiết bị giám sát dòng rò chống sét van.
Đặc biệt trong năm 2021 với việc hoàn thiện đề tài: "Nghiên cứu, xây dựng hệ thống quản lý trạm biến áp bằng thiết bị thông minh" đã loại bỏ hoàn toàn các loại sổ sách kiểm tra định kỳ bằng giấy cồng kềnh. Việc kiểm tra chỉ đơn giản là một chiếc điện thoại thông minh với phần mềm kiểm tra được cài đặt. Đây là một giải pháp mang tính đột phá trong công tác quản lý vận hành trạm biến áp, thay đổi hoàn toàn phương pháp thực hiện đã duy trì bấy lâu nay, nhằm hướng đến hiệu quả, nâng cao năng suất lao động cho công tác quản lý vận hành trạm biến áp truyền tải trong toàn EVNNPT.
Việc loại bỏ hoàn toàn sổ nhật ký vận hành giấy, thay vào đó là việc thực hiện sổ nhật ký vận hành điện tử, thuận tiện hơn cho việc quản lý, kiểm soát cũng được thực hiện. Cùng với xu thế phát triển của công nghệ, các cuộc hội họp trực tuyến thường xuyên được thực hiện, góp phần giảm chi phí, nâng cao tuần suất làm việc, truyền đạt kịp thời các ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo các cấp đến đơn vị, người thực thi nhanh chóng, hiệu quả. Việc quản lý nhân sự trên phần mềm Hệ thống quản lý nguồn nhân lực (HRMS), quản lý kỹ thuật trên phần mềm quản lý kỹ thuật nguồn điện, lưới điện (PMIS) của EVN đã và đang hướng đến cơ sở dữ liệu dùng chung thống nhất trong toàn EVN; Thư viện điện tử đã và đang tạo ra một cơ sở dữ liệu khổng lồ phục vụ cho công tác truy xuất phục vụ quản lý vận hành;…
Ngoài việc áp dụng các giải pháp chuyển đổi số chung của EVN, EVNNPT và PTC3, Truyền tải điện Đắk Nông cũng đã có những giải pháp công nghệ nổi bật của riêng mình trong năm 2021. Có thể kể đến một số giải pháp như: Sử dụng cảm biến nhiệt độ để theo dõi nhiệt độ các biến điện áp kiểu tụ. Giải pháp sử dụng cảm biến công nghệ, truyền dữ liệu qua sóng wifi giúp cho nhân viên vận hành có thể giám sát trực tiếp nhiệt độ của các biến điện áp kiểu tụ liên tục 24/24, gửi tin nhắn cảnh báo về điện thoại khi nhiệt độ tăng cao quá ngưỡng cài đặt. Đây là giải pháp được EVNNPT và PTC3 đánh giá cao về tính hiệu quả, được các đơn vị bạn tham khảo áp dụng rộng rãi.
Ngoài ra đơn vị đang thử nghiệm áp dụng giải pháp giám sát dòng rò chống sét van trực tuyến trong quản lý vận hành. Giải pháp sử dụng bộ giám sát dòng rò gắn song song với bộ đếm sét hiện hữu của các chống sét van 220kV, 500kV truyền số liệu trực tiếp qua sóng wifi, hiển thị trực tuyến trên trang web giám sát. Giải pháp này giúp cho nhân viên vận hành kịp thời phát hiện các hư hỏng, khiếm khuyết của thiết bị, ngăn ngừa sự cố.
Trong gần 09 năm liên tiếp trở lại đây, Trạm biến áp 500kV Đắk Nông vận hành an toàn tuyệt đối, không để xảy ra sự cố. Việc áp dụng các giải pháp công nghệ trong việc quản lý vận hành, giám sát thiết bị cũng đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành an toàn trong thời gian vừa qua.
Việc đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý vận hành, áp dụng thiết bị công nghệ vào công tác kiểm tra, giám sát thiết bị tại Trạm biến áp 500kV Đắk Nông đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần đảm bảo vận hành an toàn, ổn định lưới điện truyền tải.