Là lĩnh vực sản xuất tiêu tốn nhiều nhiên liệu nên hầu hết các nhà máy xi măng đều ưu tiên lựa chọn công nghệ tiết kiệm năng lượng. Ảnh: Việt Phương
Nhiều hình thức tuyên truyền hiệu quả
Sau 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 5496/QĐ-UBND.CN ngày 24/11/2015 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2020, tuy nguồn kinh phí cho các hoạt động còn hạn chế nhưng đã thu được kết quả rõ rệt từ nhận thức đến hành động như mục tiêu đề ra.
Để kế thừa và phát huy những kết quả tích cực và khắc phục những hạn chế của Kế hoạch chương trình giai đoạn trước, phối hợp và lồng ghép với các chương trình khác đang được triển khai thực hiện, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 32/QĐ-ngày 07/01/2021 phê duyệt kế hoạch chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Nghệ An đặt ra mục tiêu tiết kiệm năng lượng từ 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng. Các giải pháp phát triển khoa học công nghệ và phát triển sản phẩm được nhiều doanh nghiệp triển khai trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Ông Mai Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm tiết kiệm năng lượng, Sở Công Thương cho biết: Mặc dù đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và ảnh hưởng lớn tới các hoạt động của Chương trình có tính chất tập trung đông người nhưng Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2021 cũng đạt được mục tiêu đề ra.
Cụ thể: Duy trì trang website "https://eccnghean.vn"; In 1.288 cuốn cẩm nang tiết kiệm năng lượng; Tổ chức 7 lớp tập huấn tiết kiệm năng lượng trong hộ gia đình tại các huyện, thị xã; Tổ chức phát động cuộc vận động phong trào sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Tổ chức 05 cuộc thi tiết kiệm năng lượng cho các trường học trên địa bàn thành phố Vinh; Thay thế lắp đặt 102 mô hình lớp học đạt ánh sáng tiêu chuẩn và tiết kiệm năng lượng cho các trường học tại các huyện, thị xã lân cận. Ngoài ra, xây dựng nhiều bài viết, chuyên đề, phóng sự về tiết kiệm năng lượng đăng tải trên Báo Nghệ An, Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An.
Chương trình Tiết kiệm năng lượng và hiệu quả năm 2021 diễn ra đã nhận được sự quan tâm của hầu hết các sở, ban, ngành, địa phương. Một số địa phương, đơn vị đã giao chỉ tiêu tiết kiệm năng lượng cho từng bộ phận và đưa vào chỉ tiêu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong năm. Hoạt động thông tin, tuyên truyền đã được đẩy mạnh và ngày càng phong phú, với sự phối hợp tham gia của các cấp chính quyền, các tổ chức, các hội, đoàn thanh niên, công đoàn, trường học, hộ gia đình...
Từ những phong trào trên đã nâng cao nhận thức và được sự hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệp và người dân về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Cần đồng bộ các giải pháp
Có thể khẳng định, chương trình sử dụng tiết kiệm năng lượng có ý nghĩa quan trọng trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và vấn đề an toàn năng lượng quốc gia. Để tiếp tục đổi mới, hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ Quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, hiện nay sở Công thương đang triển khai một số hoạt động thiết thực.
Trong đó, để nhằm giảm bớt đầu mối quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và tạo điều kiện để đơn vị sự nghiệp hoạt động năng động, có hiệu quả, đảm bảo việc làm, thu nhập cho cán bộ, viên chức, người lao động, Sở Công Thương xây dựng đề án sát nhập Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Nghệ An vào Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Nghệ An thành Trung tâm phát triển Công thương Nghệ An. Sau khi sát nhập trung tâm trở thành 01 tập thể lớn mạnh giúp cho Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả các năm tiếp theo sẽ đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa và khắc phục được nhiều hạn chế mà Chương trình các năm trước chưa thực hiện được.
Tuy vậy, theo đánh giá, vẫn còn nhiều lĩnh vực có mức thâm dụng năng lượng lớn, nhất là khối doanh nghiệp. Chi phí năng lượng đối với nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất công nghiệp chiếm hơn 60% giá thành sản phẩm. Theo lãnh đạo Sở Công thương, để đạt được mục tiêu tiết kiệm từ 8 - 10% tổng năng lượng tiêu thụ so với kịch bản phát triển bình thường đến năm 2030, bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương, rất cần sự vào cuộc của doanh nghiệp, chính quyền các cấp tại địa phương vì đây là yếu tố mang tính quyết định.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, cải thiện hành vi sử dụng điện, năng lượng đối với từng nhóm đối tượng cụ thể với nhiều hình thức khác nhau như người lao động, cộng đồng dân cư, học sinh - sinh viên… với sự vào cuộc của nhiều đoàn thể, tổ chức xã hội.