Ông Wang Pu Yu - Giám đốc Công ty TNHH Ching Loong Bình Dương (bìa phải) làm việc với Điện lực Trung tâm Công ty Điện lực Bình Dương trong việc thỏa thuận dịch chuyển phụ tải giờ cao điểm tại xưởng sản xuất của Công ty. (Ảnh: PC Bình Dương).
Từ đầu năm đến nay, nhu cầu tiêu thụ điện cả nước tăng trưởng khoảng 11,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Riêng tại khu vực miền Nam mức tiêu thụ bình quân ngày hơn 272 triệu kWh, sản lượng điện năng tiêu thụ lũy kế 05 tháng đầu năm 2024 đạt 38 tỷ 202 triệu kWh, tăng 13,88% so với cùng kỳ năm 2023. Tính từ đầu năm đến nay, nhu cầu tiêu thụ điện toàn miền Nam (trừ TPHCM) tăng trưởng 11,7%.
So với cùng kỳ năm 2023, sản lượng điện tiêu thụ ở miền Nam tăng chủ yếu ở thành phần Tiêu dùng - Dân cư (tăng 18,18%) và thành phần Công nghiệp - Xây dựng (tăng 12,29%). Cụ thể tại tỉnh Bình Dương, hai thành phần này tăng lần lượt là 14,4% và 18,4%.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, tiêu thụ điện toàn quốc trong ngày vượt 1 tỷ kWh. Trước tình hình tiêu thụ điện ngày càng tăng cao, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chỉ đạo các Tổng công ty Điện lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đảm bảo cung cấp điện, tối ưu hệ thống điện. Trong đó, giải pháp dịch chuyển phụ tải điện được xem là giải pháp mang lại nhiều lợi ích, giúp giảm áp lực quá tải hệ thống điện trong ngắn hạn vào các giờ cao điểm; qua đó, bảo đảm cung ứng, nâng cao chất lượng và độ tin cậy trong cung cấp điện.
Thực hiện chương trình dịch chuyển phụ tải điện, Công ty Điện lực Bình Dương (PCBD) đang nỗ lực làm việc với Khách hàng để tạo sự đồng thuận. Khách hàng chủ động dịch chuyển phụ tải, bố trí lịch sản xuất sang giờ thấp điểm góp phần cùng ngành Điện bảo đảm cung ứng điện, sử dụng năng lượng hiệu quả, bảo vệ môi trường.
Tích cực vận động doanh nghiệp hưởng ứng
Dịch chuyển phụ tải sử dụng điện là chương trình mà khi tham gia, khách hàng sẽ chủ động chuyển sử dụng điện từ giờ cao điểm sang các giờ thấp điểm như: ban đêm hoặc những ngày cuối tuần. Việc dịch chuyển sẽ làm giảm phụ tải “đỉnh” làm giảm áp lực đầu tư nguồn, áp lực tăng giá điện… Với khách hàng, việc này giúp tiết kiệm chi phí, giảm số lần cúp điện đột ngột khi hệ thống quá tải; tăng tính chủ động trong quản lý và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, ngành điện cũng giảm áp lực quá tải hệ thống điện (ngắn hạn) trong các giờ cao điểm; qua đó, bảo đảm cung ứng, nâng cao chất lượng và độ tin cậy trong cung cấp điện.
Chương trình dịch chuyển phụ tải đang áp dụng với khách hàng sản xuất công nghiệp sử dụng điện từ 1 triệu kWh/năm trở lên. Ngay từ tháng 3, Công ty Điện lực Bình Dương đã triển khai làm việc với các sở ngành, địa phương, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và đặc biệt là các khách hàng sản xuất công nghiệp lớn, sử dụng điện >1triệu kWh/năm để tuyên truyền, vận động khách hàng thực hiện dịch chuyển phụ tải.
Đến nay, Công ty Điện lực Bình Dương đã hoàn tất ký thỏa thuận 1.776/1.776 khách hàng lớn trên toàn tỉnh Bình Dương tham gia thực hiện dịch chuyển phụ tải điện. Theo đó, mức công suất cam kết dịch chuyển đạt 109 MW (tương đương dịch chuyển 5,8% công suất đỉnh dự báo kế hoạch sẽ sử dụng của khách hàng) từ khung giờ 14h00 - 16h00 sang khung giờ khác nhằm giảm áp lực, góp phần hạn chế nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống lưới điện.
Bước đầu phát huy hiệu quả
Qua thời gian làm việc với Công ty TNHH Ching Loong Bình Dương - 100% vốn Đài Loan nằm trong KCN Sóng Thần 3, đơn vị này đã đồng thuận thực hiện dịch chuyển phụ tải theo chủ trương của ngành Điện. Trung bình mỗi tháng, sản lượng điện tiêu thụ của công ty này ước khoảng 800.000 kWh, tương ứng khoảng 1,6 tỉ đồng. Sau khi ký cam kết thực hiện dịch chuyển phụ tải với Công ty Điện lực Bình Dương, Công ty Ching Loong chuyển một số công đoạn sản xuất từ khung giờ cao điểm sang khung giờ thấp điểm hàng ngày và đã giảm được từ 5-10% công suất tiêu thụ điện. Điều này không chỉ giảm áp lực tiêu thụ điện, giảm tải vào giờ cao điểm mà còn góp phần tiết kiệm đáng kể chi phí tiền điện mỗi tháng cho công ty. Bởi, giá điện vào giờ cao điểm cao gấp 2,8 lần so với giờ thấp điểm.
Ông Phùng Thiết Quyên - Giám đốc hành chính Công ty TNHH Điện tử Foster Việt Nam (vị trí giữa) cùng nhân viên quản lý hệ thống điện của Công ty làm việc với ông Trần Đức Hạnh (áo trắng)- Phó trưởng phòng Kinh doanh Điện lực Trung tâm Công ty Điện lực Bình Dương trong việc thỏa thuận dịch chuyển phụ tải giờ cao điểm tại xưởng sản xuất của Công ty. (Ảnh: PC Bình Dương).
Không riêng gì Công ty Ching Loong Bình Dương, Công ty TNHH Điện tử Foster Việt Nam (gọi tắt là Foster) nằm trong KCN VSIP 2, cũng đã đồng ý ký thỏa thuận chương trình dịch chuyển phụ tải của ngành điện. Trước đây, khi chưa có chủ trương ký dịch chuyển phụ tải thì Foster cũng là Công ty gương mẫu trong thực hiện tiết kiệm điện. Hệ thống chiếu sáng khu vực nhà ăn, Văn phòng của Foster được thiết kế khoa học, hợp lý tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên. Foster cam kế chủ động dịch chuyển 5-10% công suất giờ cao điểm sang giờ thấp điểm.
Ngoài ra, kể từ khi cam kết dịch chuyển phụ tải một số doanh nghiệp trước đây chỉ làm ca ngày, nhưng hiện nay đã giảm ca ngày và làm thêm ca đêm để sử dụng ít điện hơn vào giờ cao điểm, giảm chi phí điện năng tiêu thụ hoặc không mở đồng loạt các máy móc, thiết bị sản xuất trong cùng một khung giờ mà có kế hoạch sản xuất hợp lí để sắp xếp, bố trí máy móc hoạt động vào giờ thấp điểm.
Những năm qua nhu cầu sử dụng điện trên địa bàn tỉnh Bình Dương không ngừng tăng cao, trong đó, tỷ lệ điện cao nhất luôn là lĩnh vực công nghiệp, với tỷ lệ trên 75%, do đó, việc doanh nghiệp sản xuất thực hiện dịch chuyển phụ tải điện là việc làm rất cần thiết.
Với những kết quả đạt được bước đầu cùng với sự đồng thuận từ khách hàng, trong thời gian tới chương trình dịch chuyển phụ tải điện sẽ ngày càng phát huy hiệu quả góp phần đảm bảo cung ứng điện an toàn ổn định trên địa bàn tỉnh Bình Dương.