Chuyển đổi số trong EVN

Hiệu quả từ ứng dụng UAV và camera trong quản lý vận hành lưới điện

Thứ tư, 5/5/2021 | 09:02 GMT+7
Trong những năm qua Công ty Truyền tải điện 3 đã đẩy mạnh việc ứng dụng thiết bị UAV và camera lắp cột đường dây. 

Hình ảnh kiểm tra đường dây 500kV Pleiku – Đắk Nông bằng UAV.
 
Tính đến tháng 04/2021 trên lưới truyền tải Công ty quản lý vận hành đã lắp số lượng camera giám sát cột đường dây là 53 bộ (được lắp đặt tại 6 đường dây 500kV và 20 đường dây 220kV), số lượng các thiết bị bay UAV là 15 bộ và được sử dụng tại tất cả các đơn vị truyền tải trực thuộc công ty.
 
Tính đến tháng 04/2021 khối lượng đường dây truyền tải do Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) quản lý vận hành là 5.174,49km trải dài trên khắp 09 tỉnh nam miền Trung, Tây Nguyên và cao nguyên. Hầu hết lưới điện do Công ty quản lý chủ yếu ở miền núi cao, khí hậu khắc nghiệt, địa hình phức tạp, đèo núi quanh co nên công tác quản lý vận hành (QLVH) gặp rất nhiều khó khăn.
 
Trong công tác QLVH lưới điện theo phương pháp truyền thống, việc kiểm tra định kỳ, đột xuất các đối tượng thiết bị điện trên cao, ở xa chủ yếu vẫn bằng phương pháp thủ công, công nhân tiếp cận trực tiếp hoặc thông qua một số thiết bị hỗ trợ từ xa như ống nhòm, camera…Việc kiểm tra sau sự cố, sau mưa lũ bất thường... đòi hỏi phải nhanh nhất để phát hiện kịp thời, nhiều lúc người công nhân vận hành đường dây gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Do vậy kiểm tra theo phương pháp này rất tốn công sức, độ chính xác không cao, phụ thuộc nhiều vào nhận định chủ quan của người công nhân, ảnh hưởng đến vận hành (nhiều trường hợp phải cắt điện mới kiểm tra được).
 
Những vị trí lắp đặt camera đã mang lại hiệu quả trong công tác QLVH, phục vụ giám sát chống cháy các khoảng cột liền kề để kịp thời phát hiện, xử lý khắc phục các tồn tại, phòng chống nguy cơ cháy trong và ngoài hành lang đảm bảo vận hành an toàn đường dây. Giám sát khu vực đường dây truyền tải trẻ em thường hay tập trung thả diều, để xử lý và ngăn chặn kịp thời các sự cố do diều gây ra…
 
Công tác kiểm tra định kỳ, đột xuất công nhân phải đi bộ dọc theo hành lang tuyến, tuy nhiên đối với khu vực đồi núi, thung lũng hoặc đầm lầy, ao hồ việc đi dọc tuyến rất khó khăn, và mất nhiều thời gian. Sử dụng UAV bay kiểm tra khu vực này giúp giảm thời gian và nâng cao hiệu quả lao động.
 
Đối với các khoảng cột vượt lớn, vượt thung lũng sâu, để kiểm tra, giám sát dây dẫn, dây chống sét, mối nối, khung định vị, phụ kiện .... tại những khoảng vượt này rất khó khăn, việc sử dụng ống nhòm, máy ảnh, máy quay phim sẽ không hiệu quả, vì khoảng cách từ mặt đất đến dây dẫn quá xa. Ứng dụng UAV để tiếp cận gần với dây dẫn, dây chống sét, mối nối, mối vá, khóa néo, phụ kiện… ở  nhiều góc độ khác nhau,  bay dọc theo đường dây, quay phim và chụp lại hình ảnh rõ nét với độ chính xác và tin cây cao giúp công nhân quản lý các đoạn đường dây đi qua khu vực này.
 
Theo quy định khi kiểm tra đường dây, hầu hết các nội dung kiểm tra được thực hiện bằng kiểm tra trực quan, việc sử dụng UAV để ghi lại hình ảnh, gửi về cho bộ phận kỹ thuật, quản lý phân tích sẽ chính xác hơn đồng thời lưu lại dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý và sửa chữa đường dây.
 
Trước đây để kiểm tra tình trạng thiết bị, phụ kiện trên cột, kiểm tra các cột vượt thì công nhân phải tiếp cận từng vị trí, sau đó tiến hành leo lên cột để kiểm tra. Công việc tốn rất nhiều sức lực của người công nhân, nguy cơ mất an toàn do ngã cao, do điện từ trường... nhưng vẫn không đảm bảo kiểm soát hết tình trạng trụ, phụ kiện trên cột do nhiều thành phần bị che khuất. UAV giúp chúng ta giải quyết hiệu qủa việc kiểm tra tình trạng kỹ thuật của cột, phụ kiện, cách điện trên cột đồng thời ghi lại hình ảnh để ta phân tích, kiểm tra kỹ hơn, đảm bảo không để thiếu sót dẫn đến sự cố.
 
Ngoài ra để kiểm tra nhanh, tổng thể tình trạng móng cột, sạt lở, hành lang tuyến, trong một phạm vi cụ thể và hạn chế việc phải di chuyển khi kiểm tra, dùng UAV bay để tiếp cận quay phim, chụp ảnh thu thập dữ liệu để phục vụ trong công tác QLVH, bên cạnh đó phân tích, đánh giá tình trạng hành lang để có các giải pháp ngăn ngừa sự cố phù hợp với từng khu vực
 
Khi sự cố xảy ra, ứng dụng UAV trong việc tìm nguyên nhân sự cố, ghi lại hình ảnh ở nhiều góc độ phục vụ cho việc báo cáo, phân tích, điều tra sự cố rõ ràng, chính xác hơn.
 
Với số lượng thiết bị bay UAV và camera đường dây ngày càng được sử dụng rộng rãi, số lượng thiết bị ngày càng nhiều. Do đó hình ảnh thu được từ thiết bị bay phải mất thời gian biên tập, sắp xếp lưu trữ thủ công trên các thiết bị lưu trữ. Hình ảnh được kiểm tra bằng hình thức thủ công là người công nhân, cán bộ kỹ thuật của đơn vị xem lại trực tiếp tất cả các hình ảnh để đưa ra đánh giá kết quả. Việc này dựa rất nhiều vào kinh nghiệm của người kiểm tra và sẽ tiêu tốn rất nhiều thời gian khi kiểm tra dữ liệu với khối lượng lớn, dễ gây nhầm lẫn, mệt mỏi cho người kiểm tra.
 
Trong thời gian sắp tới, Công ty truyền tải điện 3 đang phối hợp làm việc với các đơn vị tư vấn cung cấp giải pháp AI phân tích xử lý hình ảnh: xây dựng một hệ thống trí tuệ nhân tạo, tự động thực hiện việc phân tích hình ảnh, kiểm tra phát hiện khiếm khuyết, hư hỏng, các nguy cơ về hành lang. Tự động đưa ra các các cảnh báo, đánh giá sơ bộ để người lao động nhanh chóng, tập trung cho việc kiểm tra, xác nhận và xử lý đối với các vấn đề phát sinh; Nâng cao năng suất lao động, góp phần đảm bảo lưới điện truyền tải vận hành an toàn, liên tục, ổn định.
Việt Hùng