Khu vực sân ngắt 500kV của Trạm 500kV Phú Lâm.
Để nâng cao hiệu quả làm việc, đảm bảo vận hành an toàn, TBA 500kV Phú Lâm đã có nhiều giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ, thực hiện tốt chủ đề năm 2022 "Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả".
Trạm biến áp 500kV Phú Lâm (Trạm Phú Lâm) là trạm biến áp có công suất lớn nhất Việt Nam hiện nay với tổng dung lượng khả dụng là 2676 MVA. Ngoài ra, Trạm Phú Lâm còn là Trạm biến áp có mức độ phức tạp cao nhất với rất nhiều cấp điện áp từ 500kV, 220kV, 110kV, 35kV, 22kV; gồm có 07 máy biến áp (2 MBA 500kV, 3 MBA 220kV, 2 MBA 110kV), 06 ngăn lộ 500kV, 13 ngăn lộ 220kV, 19 ngăn lộ 110kV, 12 ngăn lộ 22kV và 01 kháng 500kV, 01 kháng 220kV, 02 dàn tụ 110kV. Với khối lượng lớn công việc trong chức năng, nhiệm vụ, đòi hỏi CBCNV của đơn vị phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để đáp ứng yêu cầu công tác quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành ngày càng cao.
Công tác chuyển đổi số theo chức năng nhiệm vụ của trạm đã từng bước mang lại hiệu quả tích cực. Điển hình là một số ứng dụng công nghệ mang lại hiệu quả trong hoạt động sản xuất tại Trạm như trong công tác Văn phòng hiện nay được ứng dụng chương trình D-Office đã giúp cho việc nhận và xử lý công văn nhanh chóng, tức thời.
Đối với công tác chốt sản lượng, thời gian trước đây, đúng 00 giờ 00 phút hàng đêm, nhân viên trực vận hành trạm phải đi đến tại các công tơ ranh giới để ghi chỉ số sản lượng và sau đó báo các chỉ số ghi chép qua điện thoại cho Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia hoặc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện miền Nam. Việc làm thủ công đó đã tồn tại hàng chục năm cho đến những năm 2015 - 2016, ngành điện đưa vào vận hành hệ thống MDMS, việc đọc, lưu trữ chỉ số công tơ, thông số hệ thống điện tại các trạm biến áp trên toàn quốc đã được thực hiện tự động, lưu trữ trên kho dữ liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Bất kỳ cán bộ phụ trách được cấp tài khoản đăng nhập đều có thể truy xuất được dữ liệu của hệ thống của các trạm biến áp. Việc tính toán tổn thất cũng đã được thực hiện tự động qua phần mềm, nhân viên vận hành không còn phải thực hiện nhập số liệu bằng tay, tính toán thủ công như trước đây.
Việc thực hiện kiểm tra thiết bị trước đây thường phải mang theo một số loại sổ sách để ghi chép từng chỉ số, từng hạng mục. Sau đó việc kiểm tra từng bước được cải tiến, chuyển từ ghi chép sổ giấy sang sử dụng thiết bị thông minh, ghi chép trên file mềm. Đặc biệt, trong năm 2021, với việc hoàn thiện, đưa vào ứng dụng đề tài "Nghiên cứu, xây dựng hệ thống quản lý trạm biến áp bằng thiết bị thông minh" đã loại bỏ hoàn toàn các loại sổ sách kiểm tra định kỳ bằng giấy. Việc kiểm tra chỉ đơn giản là một chiếc điện thoại thông minh với phần mềm đã được cài đặt, các thông số được cập nhật ngay tức thì vào hệ thống. Đây là một giải pháp mang tính đột phá trong công tác quản lý vận hành trạm biến áp. Thay đổi hoàn toàn phương pháp thực hiện đã duy trì nhiều năm, nâng cao hiệu quả, nâng cao năng suất lao động cho công tác quản lý vận hành trạm biến áp truyền tải điện trong toàn EVNNPT.
CBCNV kiểm tra thiết bị máy biến áp ngoài sân ngắt và ghi số liệu trực tiếp vào phần mềm trên điện thoại thông minh.
Cùng với xu thế phát triển của công nghệ, các cuộc hội họp thường xuyên được thực hiện trực tuyến, góp phần giảm chi phí, nâng cao tuần suất làm việc, truyền đạt kịp thời các ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo các cấp đến đơn vị. Ngoài ra, việc đưa vào sử dụng chương trình quản lý nhân sự HRMS, chương trình quản lý kỹ thuật PMIS của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN),.… đã và đang hướng đến cơ sở dữ liệu dùng chung thống nhất trong toàn EVN; song song đó là đưa vào sử dụng thư viện điện tử dùng chung đã và đang tạo ra một cơ sở dữ liệu khổng lồ phục vụ cho công tác truy xuất phục vụ quản lý vận hành, cũng như công tác chuyển đổi số.
Một điển hình ứng dụng chuyển đổi số mang đến hiệu quả tích cực trong quản lý vận hành Trạm biến áp là ứng dụng chương trình quản lý kỹ thuật PMIS. Chương trình PMIS là một trong những chương trình đầu tiên được đưa vào sử dụng và thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành được phát triển bởi Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin (EVNICT). Phần mềm này được xây dựng với giao diện khá thân thiện với người dùng, dễ dàng cập nhật cơ sở dữ liệu, linh hoạt trong việc xuất báo cáo theo yêu cầu người dùng và vận hành các Module như lập, tạo phiếu kiểm tra định kỳ ngày đêm đường dây và trạm biến áp; sổ nhật ký vận hành điện tử; … Từ việc xây dựng chuẩn cơ sở dữ liệu, người dùng có thể quản lý khoa học các thiết bị trên lưới điện, thông tin vận hành như năm sản xuất, năm vận hành, thực hiện ca trực trên Module nhật ký vận hành điện tử,..
CBCNV Trạm Phú Lâm sử dụng chương trình PMIS xuất báo cáo.
Ngoài các kết quả tích cực nêu trên, thực tiễn còn cho thấy, chuyển đổi số đã làm thay đổi về nhận thức của cán bộ quản lý, cũng như nhân viên vận hành nhằm đáp ứng yêu cầu công việc ngày một cao hơn, góp phần tăng năng suất lao động. Hơn hết, chuyển đổi số đã khắc phục được một số tồn tại bất cập trong công tác quản lý kỹ thuật trước đây như khối lượng hồ sơ lưu trữ lớn, cồng kềnh, nhiều hạng mục, đa phần là bản giấy; mỗi lần tra cứu thông tin mất nhiều thời gian; dễ bị mối mọt, ẩm mốc thất lạc theo thời gian nếu bảo quản không tốt; việc báo cáo được thực hiện theo kiểu truyền thống, có tính kế thừa, cộng dồn theo từng tháng, trường hợp dữ liệu ban đầu không chính xác sẽ dẫn đến kết quả tiếp nối không chính xác; khi có thay đổi về thiết bị, cán bộ quản lý của đơn vị phải cập nhật dữ liệu vào nhiều file khác nhau, dễ gây nhầm lẫn, thiếu sót,….
Trạm 500kV Phú Lâm quyết tâm đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, khai thác hiệu quả ứng dụng trong công tác chuyển đổi số nói riêng, cũng như thực hiện hoàn thành tốt công tác quản lý vận hành nói chung nhằm góp phần vận hành an toàn lưới truyền tải điện, đảm bảo cung cấp điện liên tục, ổn định phục vụ nhu cầu đời sống, xã hội, an ninh, quốc phòng.