Chuyển đổi số trong EVN

PC Lâm Đồng: Chuyển đổi số để phù hợp với thực tiễn

Thứ hai, 21/3/2022 | 13:38 GMT+7
Công ty Điện lực Lâm Đồng đã và đang thực hiện chuyển đổi số về các mặt như quản lý nguồn nhân lực, hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng trên các phần mềm dùng chung như HRMS, PMIS, FMIS...

Nhân viên Điện lực Lạc Dương hướng dẫn cài app cho đồng bào.
 
Những hoạt động chuyển đổi số của PC Lâm Đồng nhằm thực hiện chủ trương chung của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Nam, mục tiêu trở thành doanh nghiệp số, tận dụng tối đa sức mạnh của công nghệ số, dữ liệu số, gia tăng hiệu quả hoạt động, nâng cao năng suất lao động.
 
Ông Nguyễn Hoàng Anh Trí - Trưởng phòng Kinh doanh Điện lực Lạc Dương (PC Lâm Đồng) cho biết: Tính đến hết quý III/2021, Điện lực Lạc Dương đã đạt 94% việc thu tiền điện qua các đơn vị trung gian như ví điện tử Momo, VNPay, Internetbanking... Việc không thu tiền điện tại nhà đã được Điện lực Lạc Dương thực hiện từ tháng 3/2019 và đạt được hiệu quả khá rõ rệt.
 
Bà K’Dzen (Xã Lát, thị trấn Lạc Dương) cho biết “Qua các trang mạng xã hội như Zalo, Fanpage của Công ty Điện lực Lâm Đồng thông tin về việc thanh toán tiền điện qua Internetbanking, tôi đã liên lạc ngay và được hướng dẫn rất nhiệt tình. Tôi thấy rất thuận lợi và đặc biệt thích hợp trong đại dịch Covid-19 như thế này”.
 
Ngoài việc thu tiền điện qua các đơn vị trung gian, Điện lực Lạc Dương còn thực hiện hỗ trợ, tư vấn khách hàng khi đăng ký mua điện qua hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp. Đăng ký mua điện gián tiếp, người dân có thể đăng ký qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc qua website chăm sóc khách hàng của Tổng công ty Điện lực miền Nam. Thông qua hình thức này, người dân không phải đến Văn phòng của Điện lực Lạc Dương mà sẽ được hướng dẫn, đăng ký và ký hợp đồng mua bán điện bằng mã OTP được gửi về số điện thoại.
 
Không chỉ dừng lại ở công tác dịch vụ khách hàng mà ở hầu hết các lĩnh vực, Công ty Điện lực Lâm Đồng đều có sự đầu tư phù hợp và thích ứng với công nghệ 4.0 như hiện nay. Ông Ngô Đặng Lâm Viên - Trưởng phòng Điều độ thuộc Trung tâm Điều độ điện, Công ty Điện lực Lâm Đồng, cho hay: "Về mặt kỹ thuật, đơn vị là nơi quản lý, vận hành hệ thống điện, áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý vận hành điện trên toàn tỉnh Lâm Đồng. Hiện nay, chúng tôi đang sử dụng hệ thống SCADA, hệ thống này có chức năng giám sát, điều khiển và thu thập dữ liệu trong công tác quản lý vận hành lưới điện. Hệ thống của chúng tôi gồm các thiết bị thu thập dữ liệu từ các trạm trung gian, những thiết bị đóng cắt trên lưới điện sẽ thu thập thông tin về thiết bị RTU (Remote Terminal Unit/Gateway). Những thông tin về hệ thống điện sẽ được đẩy về trung tâm. Từ đó, trung tâm có thể phát hiện sự cố, điều khiển đóng cắt điện để sửa chữa, đồng thời thu thập thông tin, số liệu phục vụ các báo cáo vận hành".
 
Ông Phan Sỹ Duy, Phó Giám đốc PC Lâm Đồng cho biết: Việc chuyển đổi số đã xây dựng được môi trường làm việc khoa học, tiến tới cung cấp đầy đủ các công cụ số phục vụ cho công tác của người lao động. Từ đó tạo điều kiện cho người lao động phát huy tối đa năng lực, hiệu quả, năng suất trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, chuyển đổi số cũng cung cấp cho cán bộ quản lý các cấp những công cụ để giám sát, đánh giá chất lượng, tiến độ, hiệu quả công việc của người lao động, từ đó có biện pháp khuyến khích, điều chỉnh phù hợp. Đây là một trong những cơ sở để cải tiến, không ngừng nâng cao năng lực quản trị của đội ngũ quản lý trong toàn Công ty" - ông Duy nêu rõ.
 
Ông Sử Thanh Hoài, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương đánh giá “Là đơn vị tiên phong trong việc chuyển đổi số của huyện Lạc Dương nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng, Điện lực Lạc Dương đã có những cách thức truyền thông phù hợp với đặc thù của vùng đồng bào với trên 65%. Người dân trên địa bàn chúng tôi đánh giá rất cao những nổ lực của ngành điện trong thời gian qua, đặc biệt là việc chuyển đổi số trên công tác dịch vụ khách hàng đảm bảo thuận lợi, tiết kiệm và hiệu quả” .
 
Ông Phan Sỹ Duy, Phó Giám đốc Công ty cho biết thêm, “Việc chuyển đổi số tại Công ty Điện lực Lâm Đồng không chỉ dừng lại ở việc thực hiện chủ đề trong năm 2021 mà chúng tôi sẽ đầu tư dài hạn; khó khăn, vướng mắc chỗ nào lãnh đạo đơn vị sẽ cùng chia sẻ với CBCNV để có những giải pháp đáp ứng với nhu cầu hiện nay. Lãnh đạo đơn vị cũng đã xác định, thích ứng với công nghệ thông tin là nhu cầu thiết yếu trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt trong đại dịch Covid-19”.
Thiên Phương – Hoàng Gia