Tin thế giới

Hoa Kỳ đối diện 3 thách thức lớn trong phát triển năng lượng mặt trời

Thứ năm, 18/7/2024 | 16:48 GMT+7
Sự phát triển bùng nổ năng lượng mặt trời ở Mỹ cũng đi kèm với những thách thức cần được giải quyết về cung ứng vật liệu, chi phí vận hành và nhân lực.

Một trong những thách thức lớn nhất đối với năng lượng mặt trời là sự thiếu hụt các kỹ thuật viên vận hành và bảo trì. (Ảnh: omnidian)

Thị trường năng lượng mặt trời đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, với dự báo đạt 14GW tại các thị trường hiện tại của Hoa Kỳ vào năm 2028. Ngành công nghiệp này được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trung bình 8% mỗi năm, với sự hiện diện của ít nhất một dự án năng lượng mặt trời cộng đồng ở 41 tiểu bang. Hiện nay, đã có 19 tiểu bang chính thức công nhận giá trị của mô hình này thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ.

Tuy nhiên, sự phát triển bùng nổ này cũng đi kèm với những thách thức cần được giải quyết. Ngành công nghiệp năng lượng mặt trời cộng đồng đang đối mặt với ba vấn đề chính mà các nhà phát triển, chủ sở hữu - nhà điều hành và các bên liên quan khác cần giải quyết để đảm bảo mở rộng danh mục đầu tư và lợi tức đầu tư bền vững.

Theo chuyên gia Trish Graf - Phó Chủ tịch bán hàng Công ty Omnidia (một tổ chức cung cấp giải pháp và đầu tư năng lượng mặt trời thương mại) có 3 thách thức chính với sự phát triển của năng lượng mặt trời ở Mỹ cần được giải quyết.

Cung không đủ cầu

Sự bùng nổ của năng lượng mặt trời đang mang đến cơ hội to lớn cho các nhà phát triển, nhà đầu tư và người tiêu dùng. Tuy nhiên, đi kèm với tiềm năng to lớn này là thách thức về việc đáp ứng nhu cầu lắp đặt thiết bị ngày càng tăng.

Có nhiều yếu tố khiến năng lượng mặt trời cộng đồng trở nên hấp dẫn, bao gồm các ưu đãi từ các đạo luật của Mỹ, từ mức giá năng lượng phải chăng và từ lợi ích cho môi trường. Điều này dẫn đến sự gia tăng nhu cầu từ cả phía nhà đầu tư và người tiêu dùng.

Tuy nhiên, khả năng cung cấp nguyên vật liệu, thiết bị năng lượng mặt trời hiện nay vẫn còn hạn chế. Các nhà phát triển cần cân nhắc kỹ lưỡng về khả năng đáp ứng nhu cầu thực tế của người tiêu dùng, bao gồm cả thời gian chờ đợi kết nối lưới điện và các hạn chế về khả năng phân phối.

Để giải quyết vấn đề này, các nhà cung cấp năng lượng mặt trời cộng đồng cần đa dạng hóa các giải pháp. Cung cấp nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng, chẳng hạn như lắp đặt tại chỗ hoặc hợp đồng mua bán điện ảo (PPA).

Ngoài ra cũng cần thông tin rõ ràng về thời gian cung cấp năng lượng và khả năng đáp ứng nhu cầu thực tế của người tiêu dùng. Mở rộng năng lực sản xuất và phân phối để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.

Việc giải quyết những thách thức này là điều cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường năng lượng mặt trời. Nỗ lực từ phía các nhà cung cấp, nhà phát triển và chính phủ sẽ giúp đảm bảo rằng nguồn cung có thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng, mang lại lợi ích cho môi trường và nền kinh tế.

Theo chuyên gia Trish Graf, trong tương lai khi ngành công nghiệp năng lượng mặt trời cộng đồng tiếp tục phát triển, việc cung cấp năng lượng đầy đủ và kịp thời sẽ trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, việc giải quyết những thách thức hiện tại là điều cần thiết để đảm bảo sự tăng trưởng bền vững và tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Khó kiểm soát chi phí vận hành trong dài hạn

Theo ông Trish Graf, đầu tư vào năng lượng mặt trời đang phát triển nhanh chóng, nhưng việc thiếu dữ liệu chính xác về chi phí vận hành có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực cho các nhà đầu tư và các bên liên quan.

Đầu tư điện mặt trời thường sẽ kéo dài ít nhất 25 năm. Chi phí vốn cho các dự án năng lượng mặt trời thường được xác định rõ ràng, nhưng chi phí vận hành lại dễ bị bỏ qua hoặc đánh giá thấp. Điều này có thể dẫn đến những sai sót trong mô hình tài chính, ảnh hưởng đến lợi nhuận và tính bền vững của dự án.

Chi phí vận hành của một dự án năng lượng mặt trời cộng đồng bao gồm nhiều yếu tố gồm: Bảo trì (Bao gồm cả bảo trì khắc phục và bảo trì phòng ngừa, chẳng hạn như sửa chữa tấm pin, vệ sinh và thay thế các bộ phận bị hao mòn); Giám sát (Chi phí cho phần mềm và dịch vụ giám sát để theo dõi hiệu suất hệ thống và phát hiện các vấn đề tiềm ẩn); Quản lý cảnh quan (Đối với các dự án trên mặt đất liền, cần có chi phí để quản lý thảm thực vật và cảnh quan xung quanh); Nhân công (Chi phí cho nhân viên vận hành và bảo trì hệ thống); Các chi phí khác (Bao gồm bảo hiểm, thuế và các chi phí không lường trước).

Việc đánh giá thấp chi phí vận hành có thể dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực: Giảm lợi nhuận, tăng chi phí, gây ảnh hưởng đến hiệu suất, gây rủi ro cho dự án.

Thiếu hụt kỹ thuật viên vận hành và bảo trì

Một trong những thách thức lớn nhất đối với năng lượng mặt trời là sự thiếu hụt các kỹ thuật viên vận hành và bảo trì (O&M). Vấn đề này sẽ trở nên lớn hơn khi năng lượng mặt trời mở rộng mà không có kỹ thuật viên được đào tạo đầy đủ để vận hành.

Các nhà phát triển điện mặt trời và chủ sở hữu bất động sản thương mại đều sẽ muốn thuê những người lắp đặt và thợ điện có kinh nghiệm, nên sự cạnh tranh thu hút nhân lực càng trở nên khó khăn.

Các chuyên gia năng lượng mặt trời nhận thức rõ về sự thiếu hụt này, vì nó thường đứng đầu trong việc xây dựng, hoạch định kế hoạch dự án. Việc khắc phục tình trạng thiếu kỹ thuật viên O&M - cũng như tiêu chuẩn hóa các định nghĩa, trình độ và kỹ năng của kỹ thuật viên năng lượng mặt trời - là mục tiêu chung của toàn ngành.

Giải pháp tốt nhất để khắc phục tình trạng thiếu kỹ thuật viên O&M là đầu tư vào đào tạo, nhận thức và chuẩn hóa vai trò kỹ thuật viên.

Các nhà phát triển năng lượng mặt trời cộng đồng có thể làm điều này bằng cách hỗ trợ các tổ chức chuyên đào tạo các kỹ thuật viên O&M hoặc bằng cách tích cực ủng hộ các sáng kiến nâng cao nhận thức về cơ hội việc làm kỹ thuật viên O&M năng lượng mặt trời cho công chúng.

Ba thách thức này trong năng lượng mặt trời cộng đồng sẽ không được giải quyết trong một sớm một chiều. Nhưng khi nhận thức về chúng được nâng cao và các giải pháp được đưa ra, càng có nhiều khả năng các nhà phát triển, người bao tiêu và toàn bộ ngành năng lượng mặt trời sẽ được hưởng lợi từ đà phát triển năng lượng mặt trời.

Link gốc

Theo: Báo Công Thương