Tin thế giới

Trung Quốc dự kiến đầu tư hơn 800 tỉ USD cho mạng lưới điện

Thứ hai, 15/7/2024 | 09:10 GMT+7
Tỉ lệ cắt giảm điện mặt trời và điện gió của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng do tốc độ nâng cấp hệ thống điện không theo kịp công suất.


   
Một nhà máy điện mặt trời ở Bình Đỉnh Sơn, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Ảnh: Reuters. 

Trung Quốc dự kiến đầu tư hơn 800 tỉ USD cho mạng lưới điện, mức chưa từng có, trong 6 năm tới để khắc phục tình trạng căng thẳng trong hệ thống năng lượng khi nước này chuyển đổi nhanh chóng từ điện than sang các nguồn năng lượng tái tạo.

Lưới điện ọp ẹp của Trung Quốc là một trở ngại lớn đối với tiến trình chuyển đổi năng lượng xanh của nước này. Chỉ riêng trong bốn tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã đầu tư 122,9 tỉ nhân dân tệ (17 tỉ USD) vào các dự án lưới điện của mình, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó Mỹ chỉ công bố mức đầu tư 3,5 tỉ USD vào tháng 10 năm ngoái, bao gồm 58 dự án trên 44 tiểu bang.

Theo dữ liệu từ nhóm nghiên cứu Rystad Energy, chi tiêu vốn dự kiến ​​của Trung Quốc sẽ tăng từ khoảng 102 tỉ USD trong năm nay lên 157 tỉ USD vào năm 2030.

Bất chấp chương trình chi tiêu khổng lồ của Trung Quốc, có những dấu hiệu cho thấy áp lực ngày càng tăng đối với việc phân phối và truyền tải điện. Trong năm qua, hơn 100 quận và thành phố ở năm tỉnh đã đình chỉ các hoạt động năng lượng mặt trời quy mô nhỏ mới kết nối với đường dây phân phối điện.

Ít nhất 12 trong số 34 chính quyền cấp tỉnh của Trung Quốc đã khuyến khích hoặc yêu cầu các nhà khai thác năng lượng mặt trời sử dụng hệ thống lưu trữ pin để giảm bớt gánh nặng cho lưới điện địa phương, chứng tỏ rằng nhiều khu vực đã đạt đến giới hạn.

Theo các phương tiện truyền thông địa phương đưa tin, Vân Nam, tỉnh phía tây nam đang gánh chịu nợ nần, đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt khoảng 10% nguồn cung cấp điện trong năm nay mặc dù công suất lắp đặt năng lượng tái tạo đã tăng gấp đôi vào năm ngoái.

Tình hình cũng tương tự ở Thanh Hải, phía tây bắc đất nước, nơi phần lớn điện do các trang trại năng lượng mặt trời trong khu vực tạo ra bị lãng phí vào ban ngày. Tỉnh này buộc phải mua điện từ các nhà máy điện chạy bằng than ở các tỉnh lân cận để đáp ứng nhu cầu vào buổi tối.

Bà Xuyang Dong, một nhà phân tích năng lượng Trung Quốc tại tổ chức tư vấn Climate Energy Finance, cho biết: "Mức chi tiêu hiện tại không theo kịp tốc độ tăng trưởng của công suất điện gió và điện mặt trời mới tại Trung Quốc".

Bà Dong lưu ý rằng nhu cầu điện năng cho trí tuệ nhân tạo, trung tâm dữ liệu và xe điện đang đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng dài hạn về tỷ trọng sử dụng điện - tăng từ 12% vào năm 2006 lên 19% vào năm 2023.

Nhu cầu điện tăng trưởng trong bốn tháng đầu năm 2024 là 7,4% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng trưởng GDP quý đầu tiên là 5,2%.

Bà nói thêm: “Với nhu cầu điện ngày càng tăng do 'điện khí hóa mọi thứ'... Trung Quốc cần ưu tiên xây dựng, nâng cấp và hiện đại hóa lưới điện, cũng như triển khai đủ công suất lưu trữ pin để hạn chế việc sử dụng than trong tương lai gần”.

Trong bối cảnh này, Bắc Kinh đã một lần nữa tăng chi tiêu cho phần cứng lưới điện, phần mềm và hệ thống thị trường để cung cấp điện hiệu quả cho 1,4 tỉ người dân của đất nước.

Trong khi đó, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đặt ra mục tiêu kép là Trung Quốc đạt mức phát thải carbon tối đa vào năm 2030 và đạt mức trung hòa carbon vào năm 2060. Việc khắc phục những hạn chế về lưới điện sẽ rất quan trọng nếu muốn đáp ứng được những yêu cầu đó.

Bất chấp sự tăng tốc này, Fitch Ratings dự báo rằng trong ngắn hạn, tỷ lệ cắt giảm điện mặt trời và điện gió của Trung Quốc sẽ tăng do tốc độ bổ sung năng lượng tái tạo nhanh hơn tốc độ nâng cấp hệ thống điện. Theo nhóm nghiên cứu Wood Mackenzie, Trung Quốc chiếm 65% công suất điện gió toàn cầu vào năm 2023 và 60% công suất điện mặt trời toàn cầu.

Link gốc

 

Theo: Nhịp cầu đầu tư