Quản lý năng lượng

Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam tăng cường an ninh năng lượng đô thị

Thứ hai, 4/11/2019 | 08:59 GMT+7
Chiều 1/11, tại TP. Hồ Chí Minh Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cùng Bộ Công Thương và Sở Công Thương TP. Hồ Chí Mính công bố sự kiện USAID tài trợ dự án trị giá 14 triệu USD với mục tiêu tăng cường an ninh năng lượng đô thị tại Việt Nam.    
hoa ky ho tro viet nam tang cuong an ninh nang luong do thi
USAID tài trợ dự án trị giá 14 triệu USD với mục tiêu tăng cường an ninh năng lượng đô thị tại Việt Nam

Dự án An ninh năng lượng đô thị Việt Nam được thực hiện trong 4 năm (2019- 2023) do USAID tài trợ với kinh phí 14 triệu USD với mục tiêu thúc đẩy triển khai những giải pháp năng lượng phân tán, tiên tiến ở một số khu vực đô thị được chọn tại Việt Nam, trong đó có TP. Hồ Chí Minh.
 
Dự án sẽ giúp giải quyết nhu cầu năng lượng đang gia tăng nhanh chóng tại Việt Nam và vấn đề ô nhiễm không khí ở các khu vực đô thị thông qua phối hợp với chính quyền các thành phố và tạo cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp khu vực tư nhân. Dự án hỗ trợ triển khai các giải pháp năng lượng phân tán tiên tiến như công nghệ điện mặt trời áp mái tại các hộ gia đình, công nghệ lưu điện thế hệ tiếp theo và các phương thức vận tải sạch hơn.
 
Nhu cầu năng lượng tại Việt Nam hiện đang gia tăng 10% mỗi năm khiến cho việc sử dụng các công nghệ năng lượng sạch và hiện đại trở nên quan trọng hơn bao giờ hết để có thể duy trì đà tăng trưởng kinh tế ấn tượng, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường của Việt Nam.
 
Kể từ năm 2017, USAID và Bộ Công Thương đã hợp tác để hiện đại hóa các cơ chế, chính sách năng lượng quốc gia bao gồm đưa vào áp dụng cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA) và tăng cường mở rộng sử dụng năng lượng tái tạo và khí thiên nhiên trong Quy hoạch Phát triển Điện 8 (PDP8).
 
Phó Giám đốc toàn cầu USAID- bà Bonnie Glick cũng đã trao tặng Bộ Công Thương phần mềm PLEXOS và phần cứng đi kèm. Các công cụ tiên tiến này sẽ giúp Bộ Công Thương mô phỏng hoạt động vận hành của các nhà máy điện trong một khoảng thời gian nhiều năm nhằm đặt ra những mục tiêu tối ưu về sản xuất và truyền tải năng lượng.
Theo: Báo Công Thương