Chương trình trao danh hiệu “Năng lượng xanh” được Hà Nội tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh các doanh nghiệp có các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Căn cứ nguồn gốc phát sinh, mức độ phát thải tuyệt đối và xu hướng phát thải cũng như mức độ ảnh hưởng, theo hướng dẫn của IPCC (Ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu), Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã xác định được kết quả tính toán phát thải khí nhà kính cho 5 cơ sở của 5 lĩnh vực phát thải trên địa bàn thành phố. Trong đó, tổng phát thải khí nhà kính lĩnh vực năng lượng của TP. Hà Nội trong năm 2015 là hơn 12.167.000 tấn CO2 tương đương ,trong đó, tiểu lĩnh vực dân cư chiếm tỷ trọng cao nhất (khoảng 55,85%), tiếp đến tiểu lĩnh vực công nghiệp sản xuất và xây dựng (28,77%).
Kết quả phân tích cho thấy, tiêu thụ điện ở khu vực dân cư là nguồn phát thải lớn nhất, chiếm hơn một nửa tổng phát thải của toàn thành phố trong lĩnh vực năng lượng (khoảng 52%). Đây là khu vực quan trọng nhất mà thành phố cần tập trung nỗ lực cho các công tác tiết kiệm năng lượng, nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Nguồn phát thải lớn thứ hai đến từ tiêu thụ điện trong công nghiệp sản xuất và xây dựng, chiếm tỷ lệ khoảng 29%. Còn tổng 2 nguồn phát thải liên quan đến tiêu thụ than tổ ong (thương mại dịch vụ và dân sinh).
Theo đó, tổng phát thải khí nhà kính của Hà Nội năm 2015 của cả 5 lĩnh vực là 18.181.091 tấn CO2 tương đương, chiếm 7% tổng phát thải của quốc gia năm 2013 - là năm có kết quả tính toán kiểm kê khí nhà kính mới nhất hiện nay. Trong đó, năng lượng là lĩnh vực có tỷ lệ phát thải lớn nhất, chiếm 67%; tiếp đến là lĩnh vực nông nghiệp, chất thải; lĩnh vực các quá trình công nghiệp chiếm tỷ lệ nhỏ nhất, chỉ 1% trong tổng phát thải khí nhà kính. Như vậy, việc xây dựng các hành động giảm nhẹ khí nhà kính cho TP. Hà Nội tập trung chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp và chất thải.
Với Dự báo phát thải khí nhà kính năm 2030 trên địa bàn thành phố sẽ tiếp tục gia tăng. Trong đó, tổng lượng phát thải khí nhà kính lĩnh vực năng lượng vào năm 2030 tăng lên hơn 3 lần so với mức phát thải vào năm 2015. Đến năm 2030, con số này tăng lên đến 42.743.628 tấn CO2 tương đương. Năm 2030, phát thải khí nhà kính lĩnh vực các quá trình công nghiệp trên địa bàn thành phố chủ yếu vẫn từ sản xuất xi măng và sản xuất sắt thép, khoảng 366.610 tấn CO2 tương đương.
Để hạn chế tác động tiêu cực, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, trong những năm qua Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với nhiều cơ quan, ban ngành, quận/huyện và doanh nghiệp nhằm tuyên truyền quảng bá về sử dụng tiết kiệm năng lượng trong các gia đình, sản xuất công nghiệp, tòa nhà thương mại…
Đặc biệt, ngành đã chú trọng các giải pháp giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong các quá trình công nghiệp trên địa bàn thành phố là tập trung cho cải tiến công nghệ, nhất là phát triển vật liệu xây dựng không nung. Điểm nhấn đáng chú ý nhất trong quá trình phát triển vật liệu xây dựng những năm gần đây chính là đẩy mạnh việc sử dụng chất thải công nghiệp để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, vừa tiết kiệm tài nguyên lại thân thiện với môi trường, trong đó, nổi bật nhất là chương trình phát triển vật liệu xây không nung.
Có thể nói, với những giải pháp, hành động cụ thể, thiết thực, hiệu quả như đã nêu ở trên, hy vọng sẽ góp phần giảm đáng kể hiệu ứng nhà kính trên địa bàn TP. Hà Nội.