Tin trong nước

Huyện đảo Phú Quí từ ngày có điện

Thứ sáu, 30/12/2016 | 10:18 GMT+7
Sau gần 4g lênh đênh trên biển, huyện đảo Phú Quí (tỉnh Bình Thuận) hiện ra trước mắt chúng tôi. Một giải đất với những thuyền bè tấp nập chung quanh tạo nên một quang cảnh vô cùng hấp dẫn. 
 
Xây dựng lưới điện trên đảo Phú Quí.
 
Đảo Phú Quí có diện tích gần 18km2 nằm ngoài khơi cách thành phố Phan Thiết 120km về hướng đông. Đây là một đảo nhỏ có dân số hơn 27.000 dân. Trên đảo, người dân sống rải rác trên 3 xã Long Hải, Ngũ Phụng và Tam Thanh, trong đó Ngũ Phụng còn là huyện lỵ của Phú Quí. Trong giai đoạn đầu hình thành, người dân Phú Quí sống trong điều kiện khép kín tự cung tự cấp. Ngoài ngành nghề chủ yếu là đánh bắt hải sản người dân nơi đây còn làm nông nghiệp và các ngành nghề thủ công khác.
 
Người dân tìm đến Phú Quí càng ngày càng đông đã thu hẹp dần diện tích canh tác. Trong khi đó, nghề đánh bắt hải sản lại phát triển khá mạnh. Không thể tự cung tự cấp được nữa nên sự hổ trợ từ đất liền là điều rất cần thiết. Từ lương thực, thực phẩm đến hàng tiêu dùng được chuyển ra đảo. Người dân tiếp nhận trong sự hân hoan tột cùng.
 
Đời sống có cải thiện nhưng sinh hoạt người dân không thay đổi. Về đêm, vẫn ngọn đèn dầu leo lét. Màn đêm vừa buông xuống sinh hoạt gia đình như dừng lại. Một cụ già gần 90 tuồi mà chúng tôi đã gặp ở xã Long Hải cho biết, trước đây tàu thuyền không dám đi xa chỉ đánh bắt gần bờ. Sáng đi chiều về. Hoặc tối đi sáng về. Sản vật đánh bắt được không nhiều vì không có điều kiện bảo quản.
 
Nguyên nhân chủ yếu là Phú Quí không có điện. Có nguồn điện thì giải quyết được tất cả. Có điện, có nước đá tàu thuyền có thể đi xa tìm nguồn cá dồi dào hơn. Có điện, khi cá về mới chế biến được. Người dân chờ điện trong mòn mỏi. Những hộ kinh doanh lớn đã bỏ đảo vào đất liền lập nhà máy chế biến. Tàu cá khi đánh bắt trở về cũng đã ghé cảng trong đất liền bán cá kết hợp lấy nước đá trữ cho chuyến sau.
Rồi Phú Quí cũng có điện. Ban đầu, mỗi ngày chỉ được 5 giờ chủ yếu thắp sáng vào ban đêm. Rồi tăng dần lên đến 16 giờ. Hơn 2 năm nay, từ 7/2014 đến giờ nguồn điện tại Phú Quí được cung cấp 24/24. Càng phấn khởi hơn, giá điện ở đảo bằng giá diện trong đất liền.
 
Bà con vui lắm, cụ già nói tiếp. Từ ngày có điện, cuộc sống của người dân Phú Quí khá hẳn lên. Ban đêm bà con thức khuya hơn. Có tiếng nhạc xập xình từ trong các gia đình vọng ra, có tiếng cười nói của trẻ thơ của người lớn quây quần quanh chiếc TV.  
 
Được như vậy là tốt lắm rồi. Cả một đời, sinh ra và lớn lên ở Phú Quí, đến lúc già thấy cuộc sống đổi thay có chết tôi cũng mãn nguyện. Cụ nở nụ cười với chúng tôi.
 
Có điện, thay đổi hẳn cuộc sống
 
Dọc theo những con đường nhỏ thôn Hội An, xã Tam Thanh, trụ và dây điện được kéo cùng khắp. Cứ một đoạn chứng hơn 50m có một ngọn đèn đường. Bà con cho biết nhờ những đèn này không ai còn sợ bóng đêm. Ánh sáng đến đâu đem văn minh đến đó.
 
Chúng tôi vào nhà ông Đỗ Đẫm. Bằng nụ cười đôn hậu, ông già gần 70 tuổi này mời chúng tôi ngồi vào bàn tiếp khách. Ông vói tay lên tường bật công tắc quạt máy. Ngọn gió từ quạt tỏa ra xua đi cái nắng nóng của buổi trưa hè. 
 
Người nhà ông bê chiếc khay trên đó có vài ly nước đá và một bình trà. Để một ly trước mặt, ông rót trà vào ly đá mời chúng tôi. "Nhờ có điện đó anh". Ông nói: “Từ ngày có điện 24/24 và giá điện bằng giá đất liền, cuộc sống chúng tôi khởi sắc hơn. 2 năm rồi, chúng tôi có được TV, tủ lạnh, máy giặt. Nước đá trong ly do tủ lạnh ở nhà làm ra đó anh.”
 
Nhìn nét hân hoan của ông Đẫm chúng tôi cũng thấy vui lây. Quả thật thế, có niềm vui nào bằng. Từ khi đảo có dân đến hôm nay trải qua bao thế kỷ hôm nay mới có điện. Ông Đẫm cho biết thêm, từ khi điện có suốt ngày đêm bà con vui lắm. Tôi nay đã lớn tuổi rồi không còn khả năng rong ruổi trên ghe để đánh bắt. Ở nhà, quanh năm làm bạn với chiếc TV. Tối ngồi trước bàn thờ niệm Phật nghe kinh từ chiếc máy hát phát ra. Còn muốn gì hơn nữa anh ?
 
Câu chuyện của giữa ông và chúng tôi bị ngắt quãng khi vợ ông từ ngoài xách giỏ đi vào. Ông nói: "Bả đi chợ về. Trước kia ngày nào cũng đi giờ thi một tuần hay năm ba bữa mới đi một lần. Thức ăn mua về cho vào tủ lạnh ăn dần. Cơm thì chỉ cần vo gạo và bật nút, khoảng nửa giờ sau có ăn". 
 
Nói đến đây bổng dưng ông Đẫm dừng lại. Tôi quên kể với anh câu chuyện ngày xưa. Còn nhớ, lúc điện chỉ có 5 giờ vào ban đêm thì bệnh viện Phú Quí gặp một sự cố. Hôm ấy ban ngày bệnh viện phải mổ cấp cứu một ca ruột thừa. Trong lúc đang mổ, máy điện của bệnh viện bất ngờ tắt ngấm. Nhóm phẩu thuật ngưng tay. Cả bệnh viện nháo nhào đi tìm mượn máy điện về để tiếp tục ca mổ. Rất may sau đó ca mổ cũng hoàn tất mà không có hệ lụy nào xảy ra ...
 
Chuyện còn dài và dường như ông còn muốn bày tỏ niềm vui. Chia tay ông, ông nhờ chúng tôi chuyển đến lãnh đạo ngành Điện của tỉnh Bình Thuận và Điện lực Phú Quí lời cám ơn của người dân. Cuộc sống có ấm no hay không cũng nhờ vào sự quan tâm của lãnh đạo.
Chánh Nghĩa/Icon.com.vn