Tin thế giới

Israel đẩy mạnh sản xuất năng lượng Mặt Trời

Thứ hai, 12/6/2023 | 09:59 GMT+7
Hội đồng Quy hoạch và Xây dựng Israel đã phê duyệt đề xuất của Bộ Năng lượng và Hạ tầng dành thêm 3.500 héc-ta đất để xây dựng các cơ sở sản xuất điện Mặt Trời.


50.000 tấm gương, được gọi là kính định nhật, bao quanh tháp năng lượng mặt trời ở sa mạc Negev, gần Ashelim, miền Nam Israel. Ảnh: AP

Theo quyết định do Hội đồng phê duyệt năm 2020, diện tích tối đa dành cho lắp đặt các tấm pin sản xuất điện Mặt Trời trên đất liền tại Israelbị giới hạn ở mức 2.000 héc-ta.

Ngoài việc tăng thêm 3.500 héc-ta nói trên, Hội đồng cũng phê duyệt bổ sung 1.500 héc-ta dành cho xây dựng các cơ sở điện Mặt Trời quy mô lớn và 1.000 héc-ta nữa cho các cơ sở quy mô vừa.

Trong 6 tháng tới, Hội đồng cũng sẽ xem xét đề xuất tăng thêm 500 héc-ta, sau khi các quy định pháp lý về kỹ thuật, môi trường… được điều chỉnh.

Theo Bộ Năng lượng, quyết định trên sẽ đóng vai trò quan trọng giúp Israel đạt mục tiêu đến năm 2030 nguồn năng lượng tái tạo sẽ chiếm 30% tổng sản lượng điện. Với các quy định và rào cản hiện nay, từ năm 2025 trở đi nước này sẽ không thể xúc tiến các kế hoạch xây thêm các nhà máy điện Mặt Trời quy mô vừa và lớn. Trong khi đó, theo tính toán để đạt được mục tiêu chuyển đổi đến năm 2030, sản lượng điện Mặt Trời tại Israel sẽ phải đạt mức khoảng 17.000 megawatt.

Song song với việc thiết lập thêm các cơ sở trên mặt đất, Bộ Năng lượng sẽ tiếp tục thúc đẩy lắp đặt các tấm pin năng lượng Mặt Trời trên các tòa nhà đô thị, đồng thời khai thác các địa điểm lưỡng dụng mới, như nghĩa trang, hàng rào, đường dành cho xe đạp... Hội đồng Quy hoạch cũng phê duyệt một dự án khoa học xây dựng trang trại nông nghiệp kết hợp sản xuất điện Mặt Trời, một kế hoạch chung giữa Bộ Năng lượng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Dự án sẽ triển khai thí điểm trên một diện tích khoảng 200 héc-ta, cung cấp sản lượng điện khoảng 150-200 megawatt. Dự án được cấp ngân sách khoảng 17 triệu NIS cho năm 2022 (4,72 triệu USD), trong đó 14 triệu NIS do Bộ Nông nghiệp cấp và 3 triệu NIS do Bộ Năng lượng cấp. Đây là chương trình đột phá đầu tiên nhằm tối ưu hóa việc sử dụng đất, giúp đáp ứng các mục tiêu sản xuất điện sạch, đồng thời xem xét tác động của việc này tới năng lực sản xuất nông nghiệp của các trang trại.

Nếu thành công, dự án thí điểm sẽ được nhân rộng ra các diện tích đất canh tác trên toàn quốc, áp dụng các công nghệ khác nhau và với các loại cây trồng khác nhau.

Link gốc

Theo: BNews