Điện lưới quốc gia về với bà con biên giới xã Tân Trạch và xã Thượng Trạch.
Trước đây, tỉnh Quảng Bình có 149 trong tổng số 151 xã, phường, thị trấn có điện lưới Quốc gia. Riêng 2 xã biên giới là Tân Trạch và Thượng Trạch, thuộc huyện Bố Trạch chưa có điện lưới. Dân cư tại 2 địa phương này chủ yếu là đồng bào dân tộc Ma Coong, sống ở vùng lõi của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, việc kéo điện lưới rất khó khăn. Năm 2016, người dân ở đây đã sử dụng điện mặt trời, tuy nhiên, do công suất nhỏ nên chỉ sử dụng trong việc thắp sáng.
Vừa qua, Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với Công ty Điện lực Quảng Bình cùng chính quyền huyện Bố Trạch tổ chức đóng điện đến 2 xã biên giới Tân Trạch và Thượng Trạch. Đây là dấu mốc cho những nỗ lực của các đơn vị, địa phương trên hành trình kéo điện xuyên cánh rừng di sản đưa đến vùng biên giới.
Bà Y Tràn, ở xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch chia sẻ, nhiều thế hệ đồng bào nơi đây chờ giây phút này lâu lắm rồi, ước mơ có điện lưới quốc gia nay đã thành hiện thực. Thôn bản giờ bừng sáng ánh điện, bà con sắm sửa thêm máy móc phục vụ sản xuất, giảm bớt công sức lao động.
Bà Y Tràn nhìn theo đường dây điện kéo đến từng mái nhà với niềm tin mai đây, điện lưới quốc gia sẽ giúp dân bản thoát nghèo: “Ngày trước có điện năng lượng mặt trời nhưng 2 năm trở lại đây không có điện nữa, bản làng tối tăm, máy móc không có, ti vi không có”.
Đóng điện tại xã biên giới.
Hai xã biên giới Tân Trạch và Thượng Trạch nằm trong vùng lõi di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, địa hình phức tạp, giao thông cách trở. Do vậy, hành trình kéo điện lưới về 2 xã này rất gian nan. Với quyết tâm cao của các đơn vị liên quan, đầu năm 2024, người dân nơi đây lần đầu tiên được sử dụng điện lưới quốc gia. Tuy nhiên, do nguồn vốn của dự án còn hạn chế nên tại xã Thượng Trạch mới cấp điện được cho 8 bản, còn 10 bản ở xa trung tâm xã sẽ được cấp điện từ các nguồn đầu tư công giai đoạn 2025-2030.
Kiểm tra an toàn trước khi đóng điện.
Ông Nguyễn Văn Đại, Bí thư Đảng uỷ xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch cho biết, các đơn vị đã khắc phục khó khăn về địa hình, thời tiết để hoàn thành công trình và đóng điện 4 Trạm biến áp, kịp thời cấp điện sinh hoạt cho người dân xã Tân Trạch và tại Khu di Di tích lịch sử hang Tám cô, trung tâm UBND xã Thượng Trạch.
“Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, tỉnh Quảng Bình và các ban ngành liên quan, đã có điện lưới Quốc gia về tới bản để bà con sử dụng. Khi có điện lưới, bà con sẽ vận dụng vào sản xuất, nâng cao đời sống, phát triển kinh tế ngày một tốt hơn”, ông Nguyễn Văn Đại nói.
Lắp đặt các thiết bị điện tặng bà con biên giới.
Tổng Công ty Điện lực miền Trung và Công ty Điện lực Quảng Bình đã trích quỹ phúc lợi hơn 300 triệu đồng hỗ trợ đầu tư hệ thống điện sau công tơ, lắp đặt thiết bị trong nhà cho các hộ dân xã Tân Trạch. Ông Vũ Thanh Phong, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Bình cho biết, công nhân điện lực đã khẩn trương hướng dẫn bà con làm thủ tục cấp điện, hỗ trợ kỹ thuật đấu nối sau công tơ và hướng dẫn bà con sử dụng điện an toàn. Hệ thống điện sau công tơ còn lại ở xã Thượng Trạch sẽ tiếp tục được UBND tỉnh Quảng Bình huy động bằng nguồn xã hội hóa.
“Công ty Điện lực Quảng Bình tổ chức nghiệm thu cùng với chủ đầu tư để đóng điện công trình cấp điện xã Tân Trạch, xã Thượng Trạch. Chúng tôi tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn trực tiếp cho người dân trong công tác an toàn điện để bà con sử dụng điện đảm bảo an toàn và hiệu quả”, ông Vũ Thanh Phong cho hay.
Dự án cấp điện lưới cho 2 xã Tân Trạch, Thượng Trạch do Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình làm chủ đầu tư với nguồn kinh phí 110 tỷ đồng từ ngân sách của tỉnh, bao gồm 6 trạm biến áp, gần 49km đường dây trung thế. Trong dự án này, hơn 27km đường dây đi ngầm qua vùng lõi Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Với vị trí đặc biệt như vậy, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu chủ đầu tư dự án bảo đảm chất lượng và tiến độ đề ra, đưa vào khai thác sử dụng theo đúng mục tiêu của dự án.
Nhân viên điện lực hướng dẫn người dân sử dụng điện an toàn.
Ông Phan Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình cho biết, nguồn điện sử dụng ổn định và lâu dài góp phần phát triển kinh tế kinh tế xã hội, phục vụ các đơn vị đóng trên địa bàn biên giới đảm bảo an ninh quốc phòng.
“Khi có điện lưới quốc gia, câu chuyện sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn 2 xã này sẽ từng bước thay đổi và có thể thay đổi rất nhanh, thậm chí thay đổi trong tất cả dự án sản xuất, chế biến của bà con. Bà con ngoài việc nâng cao được nhận thức, trình độ, tiếp cận công nghệ thông tin thì việc sản xuất thủ công trước đây sẽ được thay thế bằng sản xuất sử dụng cơ giới máy móc”, ông Phan Hoài Nam nói.
Link gốc