Ánh sáng về bản.
Pa Cheo là một bản người H’Mông nằm cách biệt, gần như sâu trong rừng già. Cũng bởi thế, bao lâu nay, cả bản đều sống trong ánh sáng nhập nhoạng của những chiếc đèn tích điện hoặc dăm ba cây đèn dầu hỏa, cây nến.
Pa Cheo là xã khó khăn nhất nằm trong danh mục của huyện Bát Xát, mà Bản Giàng là bản xa nhất của xã ấy. Kéo được điện về với Bản Giàng, là cả một hành trình kỳ công.
Ô tô theo điện về nhà
Mùa xuân 2024, Bản Giàng lần đầu có điện lưới. Ông Đỗ Đức Chiến, Bí thư Đảng ủy xã Pa Cheo cho hay: “Đường điện được kéo đến Pa Cheo đã rất khó khăn rồi, vào được Bản Giàng nữa là cả một kỳ công. Từ xã Pa Cheo đi vào Bản Giàng khoảng 15 km, toàn bộ là đường dốc núi quanh co và đường điện trong 15 km đó có 3 km là nằm toàn bộ đường cáp ngầm đi qua khu vực rừng già”.
Hôm chúng tôi lên Bản Giàng, bà con nói chiếc ô tô của chúng tôi là chiếc thứ hai vào bản, kể từ khi đường lên Bản Giàng thông. Đón chúng tôi là những ánh đèn điện lung linh, mờ ảo đan xen giữa những cánh đào rừng lấp ló trong đám mây lúc mờ, lúc tỏ. Mà đường ô tô, cũng đi theo “cái điện” vào tới tận bản.
Cô giáo Hồ Thị Dương (Trường mầm non Pa Cheo) từ Hà Giang lên Bản Giàng công tác đã được hai năm. Năm nay với cô giáo trẻ này thật khác. Khác vì cuối cùng cũng đã có điện. Cô đã có thể nấu cơm, đun nước bằng thiết bị điện. Và khác nữa, mừng vui hơn tất thảy, là cô đã có điện để soạn bài, để dùng máy tính, máy in ngay tại trường”. Cô Dương kể: “Trước đây điện không có nên chúng tôi soạn bài rất khó khăn. Mỗi lần soạn bài tôi phải ra tận điểm ngoài thì mới có điện để soạn bài chứ chúng tôi có mang máy tính vào đây cũng không thể soạn được. Có điện thì thuận lợi nhiều thứ. Thứ nhất là mình soạn bài tiện, xong là các con có điện. Trời lạnh các con có thể có đèn sưởi, không thì trời rét các cô với trò cứ ngồi quanh nhau như thế, ngoài trời thì rét mướt, không có điện”.
Cách trường không xa, gia đình anh Hầu A Chử cũng đang quây quần với ánh sáng từ những chiếc đèn. Trước đây, mỗi tháng, gia đình anh phải mất từ 100 đến 200 nghìn đồng để mua xăng dầu chạy máy phát, cũng chỉ dám dùng cho điện thắp sáng. Nay có điện, chỉ tầm 20 nghìn đồng mỗi tháng, gia đình anh có thể dùng cả tivi, máy sấy tóc và nhiều thiết bị điện khác. Con trai anh cũng có thể nhìn rõ từng con chữ để học dưới ánh sáng rực rỡ này. “Trước đây chưa có điện về thì gia đình tôi dùng máy phát điện nhỏ kia, nó thường xuyên bị trục trặc và mất rất nhiều công để sửa, bây giờ có điện rồi thì thoải mái hơn. Khi có điện mọi thứ rất tiện lợi, dùng được tivi, không phải sống trong cảnh tối om như trước đây nữa”, anh Chử hồ hởi.
Thôn Bản Giàng có tổng số 58 hộ, 283 nhân khẩu, địa bàn phân tán, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, như nhiều bản làng người H’Mông ở các khu vực vùng cao khác, Bản Giàng còn nhiều hủ tục, tập quán canh tác lạc hậu khiến tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao. Để mở được đường và đặc biệt, là để “cõng” được điện về Pa Cheo, về Bản Giàng là điều không hề dễ dàng.
Trước đây, muốn chạy máy xay xát, anh Lý A Tủa phải đi 30 - 35 km đường núi, đường rừng.
Đoàn kết vì ánh điện
Có điện, cuộc sống ổn định nhanh chóng. Chỉ vài tháng đường dây điện đấu nối thành công, những hộ dân chăn nuôi, đến sinh hoạt thường ngày cũng thay đổi hẳn. Thế nhưng ông Sùng A Sáng, Bí thư Chi bộ Bản Giàng kể, suốt thời gian thi công mang điện về bản, có những lúc khó khăn tưởng như không giải quyết được: “Khó nhất là tuyên truyền nhân dân hiến đất thi công đường dây điện”. Điện về bản thì ai cũng muốn, nhưng khúc mắc quyền lợi là mọi việc lại nâng lên đặt xuống.
“Đường điện đấy rất là dài, quanh co. Thứ hai là không có tiền đền bù đất bà con, các đảng viên trong xã phải cùng đi tuyên truyền, vận động để xin bà con hiến đất để làm đường điện. Rồi khi thi công các nương rẫy của bà con thì phải bảo đảm an toàn đường điện, việc đó cũng rất khó khăn. Điểm nữa là để vận chuyển vật liệu vào xã đã khó, từ xã vào Bản Giàng còn là cả một quá trình rất lớn, bởi vì có những đoạn 4,5 km công nhân hoàn toàn phải đi bộ”, ông Đỗ Đức Chiến, Bí thư Đảng ủy xã Pa Cheo kể lại.
Những người dân Bản Giàng nói riêng và Pa Cheo nói chung, đều không quên có giai đoạn, toàn bộ nguyên vật liệu để kéo đường dây điện phải sử dụng hoàn toàn bằng sức người vác qua sáu cây số đường núi. Lúc ấy, bỏ qua những khúc mắc, bà con của bản Pa Cheo cùng các cấp, các ngành liên quan đều họp bàn, thống nhất dồn sức để đưa bằng được ánh sáng về sớm với bản. Vậy là cả dân hiến đất để chôn cột điện, chôn dây cáp, cả dân không nằm trong vùng kéo dây, đều chung tay, mỗi người một chút. Đoàn Thanh niên, các tổ chức đoàn thể trong xã, trong bản vận động mọi người tham gia hỗ trợ vận chuyển vật liệu. Ba năm ròng rã, cuối cùng điện mới về tới Bản Giàng.
Gian nan là thế, nên khi những khó khăn, vất vả trở thành hiện thực, niềm vui dường như được nhân lên gấp bội. Bởi đâu phải chỉ riêng sinh hoạt của bà con được cải thiện, mà mọi hoạt động lao động, sản xuất đều được nâng lên. Chất lượng cuộc sống của bà con ngày càng được nâng cao. Gia đình anh Lý A Tủa là một ví dụ. Trước đây, muốn chạy máy xay xát, anh phải đi 30 - 35 km đường núi, đường rừng để lên đến trung tâm mua dầu. Chưa kể thời tiết mưa gió, không ai ra được khỏi bản thì cả nhà anh lại phải đợi thêm một ngày công. Muốn làm đạt năng suất cao rất khó khăn. Mà có đạt được đi nữa thì chi phí cũng rất cao. “Lúc mưa, xe thì không thể đi được 2 người, mà chỉ có đi 1 người chở suốt tận thị trấn, thành phố để mua dầu đấy về chạy máy, xuống kia thì tiện nhưng về thôn bản thì khó khăn đi lại, không chở được nhiều”, anh Lý A Tủa nhớ lại.
Với một xã có 591 hộ nhưng có tới hơn 400 hộ là hộ nghèo, hộ cận nghèo, chiếm khoảng 67%, thu nhập bình quân đầu người chưa đến 19 triệu/năm, thì điện hẳn chưa phải câu chuyện cuối cùng. Nhưng điều đáng ghi nhận ở Pa Cheo, là sự đồng thuận rất cao. “Nhân dân hiến đất, cùng nhà đầu tư xây dựng, hỗ trợ dựng cột, hiến đất toàn bộ đường giao thông đến thôn bản và đường kéo điện… Đó cũng là một động lực để thành công”, ông Nguyễn Trung Triều, Bí thư Huyện ủy Bát Xát lý giải.
Đơn giản hơn: “Yếu tố quan trọng nhất là phải đoàn kết, nhất trí, thống nhất trên dưới một lòng. Thứ hai là chúng ta phải phân công, chia việc cụ thể, xuống dân thì phải nói đúng, làm đúng, người dân tin tưởng thì người dân sẽ ủng hộ. Đấy là những thứ quan trọng. Đặc biệt xã là 100% người H’Mông, nếu như bà con ủng hộ, nhất trí, tin tưởng, chia sẻ thì sẽ làm được, còn nếu không thì sẽ không làm được”, ông Đỗ Đức Chiến, Bí thư Đảng ủy xã Pa Cheo bổ sung.
Link gốc