Tin trong nước

''Nghiên cứu, cải tiến để hoạt động tốt hơn''

Thứ tư, 5/6/2024 | 13:39 GMT+7
Công tác từ năm 2007 đến nay tại Thủy điện Đại Ninh, kỹ sư Tô Văn Trọng đã có rất nhiều các sáng kiến, giải pháp cải tiến kỹ thuật hữu ích trong đó có những giải pháp đoạt giải Hội thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, cấp tập đoàn, cấp toàn quốc; được công nhận là Kỹ sư ASEAN trong năm 2023 vừa qua.

Kỹ sư Tô Văn Trọng (thứ 2 bên trái) trong buổi lễ công nhận Kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN.

Sinh năm 1977 tại Quảng Ngãi, khi 6 tuổi - năm 1983, Tô Văn Trọng theo gia đình vào quê mới Cát Tiên, Lâm Đồng sinh sống. Học phổ thông ở Cát Tiên, vào ngành Tự động hóa tại Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, sau khi tốt nghiệp năm 2004, anh về lại Lâm Đồng làm việc tại Thủy điện Đa Nhim và đến năm 2007 chuyển về công tác tại Thủy điện Đại Ninh cho đến nay. 

Nằm phía dưới Thủy điện Đa Nhim, trong hệ thống thủy điện bậc thang của dòng Đồng Nai, Thủy điện Đại Ninh tại xã Ninh Gia, Đức Trọng được khởi công xây dựng từ tháng 5/2003, đến cuối năm 2007 đầu năm 2008 đưa vào hoạt động. Phát điện tại đây có 2 tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 150 MW, tổng công suất 2 tổ máy 300 MW; sản lượng điện bình quân hàng năm theo thiết kế là 928 triệu kWh. 

Là Tổ trưởng Tổ thí nghiệm điện của Thủy điện Đại Ninh trong đó có công tác quản lý vận hành Phòng thí nghiệm theo tiêu chuẩn ISO 17025 rồi là Phó Quản đốc phân xưởng sửa chữa và hiện nay là Phó Phòng Kế hoạch và Vật tư, ở bất kỳ vị trí nào, kỹ sư Tô Văn Trọng cũng hoàn thành rất tốt nhiệm vụ được phân công của mình. Anh trong suốt thời gian công tác ở đây đã có không ít các sáng kiến, nghiên cứu khoa học, cải tiến kỹ thuật phát huy hiệu quả trong thực tiễn.

“Nhờ lãnh đạo Công ty khuyến khích, đề xuất mọi người cùng nghiên cứu khoa học, cải tiến kỹ thuật, đưa vào nội dung xét hoàn thành nhiệm vụ hằng năm trong đó có chỉ tiêu về phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nên đã tạo nên một phong trào trong nhiều năm nay” - anh Trọng cho biết.

Không chỉ khuyến khích, Thủy điện Đại Ninh lâu nay theo anh Trọng còn chú trọng xây dựng một môi trường rất tốt để mọi người trong Công ty cùng phát huy khả năng sáng tạo kỹ thuật của mình thông qua việc đầu tư, tạo điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu khoa học; đầu tư kinh phí, tổ chức triển khai áp dụng và đánh giá hiệu quả mang lại của từng giải pháp. Cùng đó là việc thực hiện tốt công tác đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ sư có chuyên môn cao, chú trọng vào thực tiễn sản xuất, làm chủ được thiết bị công nghệ, sẵn sàng thực hiện tốt các giải pháp khi có yêu cầu. 

“Để nghiên cứu khoa học cần có đam mê. Từ thực tế công việc, từ các trang thiết bị đang vận hành tại đơn vị mà mình suy nghĩ, tìm tòi, cải tiến, khắc phục các nhược điểm của chúng, cải thiện điều kiện làm việc cho tốt hơn” - anh Trọng nói.

“Ngay cả các máy móc, thiết bị hoàn chỉnh nhưng khi vận hành lâu, dù bảo trì định kỳ nhưng cũng có thể phát sinh những trục trặc, cần phải suy nghĩ tìm cách chỉnh sửa, khắc phục các khiếm khuyết xuất hiện để bảo đảm dây chuyền sản xuất điện luôn hoạt động ổn định, an toàn, tin cậy” - anh nói thêm.

Trong số các sáng kiến, nghiên cứu khoa học mà kỹ sư Tô Văn Trọng thực hiện đã có những sáng kiến mang lại hiệu quả lớn trong thực tiễn hoạt động của Công ty. Chẳng hạn như sáng kiến “Thiết kế, thi công hệ thống giám sát từ xa, đập tràn, cửa nhận nước” của anh từng đoạt giải Nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng, giải Nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc năm 2016. Hay sáng kiến “Thử nghiệm, hiệu chỉnh bộ thông số PID để tối ưu hoạt động của hệ thống điều tốc Nhà máy Thủy điện Đại Ninh” của anh từng đạt sáng kiến cấp EVN năm 2023. 

Không chỉ thực hiện một mình, kỹ sư Tô Văn Trọng còn có nhiều sáng kiến anh thực hiện cùng với nhóm đồng nghiệp trong đó anh chịu trách nhiệm chính, như sáng kiến “Thiết kế, thi công hoàn thiện hệ thống giám sát từ xa thiết bị Nhà máy Thủy điện Đại Ninh” từng đoạt giải Ba Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Thuận lần thứ X - 2023. Hay như gần đây, anh cùng các đồng nghiệp đã nghiên cứu, đưa ra sáng kiến “Cải tạo mạch dầu điều khiển cần gạt, van cầu để tránh sự cố dừng máy do hỏng cuộn dây Solenoid”, đạt “ Sáng kiến cấp Tổng Công ty năm 2023”, được đưa vào ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn. 

Cho đến nay, kỹ sư Tô Văn Trọng đã có tổng cộng 15 sáng kiến, giải pháp cải tiến kỹ thuật, đóng góp không nhỏ vào phong trào nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật tại Thủy điện Đại Ninh. Những sáng kiến này theo anh cho biết, đã góp phần không nhỏ để Công ty vận hành hiệu quả cho đến nay, trong đó có việc các kỹ sư của Công ty từ kết quả nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật đã tự thiết kế, thi công hệ thống giám sát từ xa cho hầu hết hệ thống thiết bị của nhà máy mà dự án xây dựng ban đầu chưa có; giúp cảnh báo sớm tình trạng bất thường trên dây chuyền sản xuất, đồng thời cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin cần thiết cho công tác quản lý vận hành. Đến thời điểm này, các thiết bị công trình quan trọng của Công ty đều được giám sát từ xa liên tục 24/7 tại Phòng Vận hành trung tâm nhà máy.

“Việc các sáng kiến được đưa vào ứng dụng vào thực tiễn một cách hiệu quả đã khuyến khích tinh thần mọi người rất lớn, cảm thấy mình có ích trong việc góp phần cho đơn vị hoạt động hiệu quả hằng ngày ” - kỹ sư Trọng cho biết.

Với những đóng góp tích cực của mình, kỹ sư Tô Văn Trọng đã 8 lần là Chiến sỹ thi đua cơ sở; đạt Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh năm 2018 và nhiều lần được Bộ Công thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, UBND tỉnh Lâm Đồng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Phát điện 1 tặng bằng khen. 

Đặc biệt, trong năm 2023 vừa qua, Thủy điện Đại Ninh có 4 người được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam công nhận là Kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN trong đó có kỹ sư Tô Văn Trọng. 

Link gốc

Theo: Báo Lâm Đồng