Niềm vui đón điện với bà con xã Nà Khoa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên.
Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân trong huyện ở các bản vùng sâu, vùng cao biên giới vẫn còn trắng điện.
Từ nguồn điện tự chế
Tính đến hết quý III/2017, từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, các chương trình mục tiêu và sự đóng góp của nhân dân, nhiều dự án xây dựng hệ thống lưới điện quốc gia đã được đầu tư, góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn và những vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Hệ thống lưới điện cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, với 850 trạm biến áp (TBA), 2.215km đường dây trung thế và 2.540km đường dây hạ thế ở hai cấp 35KV và 22KV phục vụ cho hơn 113 nghìn khách hàng. Ðến tháng 9-2017, 10/10 huyện, thị, thành phố với 130 xã, phường có điện (đạt tỷ lệ 100%); hơn 108 nghìn hộ dân được sử dụng điện lưới (chiếm tỷ lệ 86,86%) trong đó có 84.800 hộ dân nông thôn (đạt 84%). Đây được xem là những đột phá trong việc đầu tư hệ thống lưới điện quốc gia về vùng nông thôn. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân trong huyện ở các bản vùng sâu, vùng cao biên giới vẫn còn trắng điện.
Chúng tôi đến thăm nhà anh Thào A Vềnh, người dân bản Huổi Lụ 2, xã Nậm Nhừ, khi trời chạng vạng tối, ánh sáng của chiếc bóng điện chạy bằng máy phát điện nước chỉ leo lét sáng một góc phòng. A Vềnh chia sẻ, gia đình anh chuyển về đây từ năm 1995, cuộc sống vốn khó khăn, phụ thuộc vào nương rẫy. Để có điện thắp sáng, A Vềnh và bà con trong bản đã tự chế máy phát điện chạy bằng sức nước. Nhưng vào mùa khô, nước cạn, hệ thống máy phát điện cũng trở nên vô dụng, người trong bản chỉ còn biết thắp đèn dầu để có ánh sáng.
Bản Nậm Chua 3 đang là một trong bốn bản trắng điện của xã Nậm Nhừ. Anh Thào A Phừ, trưởng bản Nậm Chua 3 chia sẻ: Chúng tôi mong muốn Nhà nước sớm đầu tư kéo điện lưới về bản. Cả bản mình có 77 hộ với 454 nhân khẩu, đến nay, hơn 50% các hộ sử dụng điện nước để chiếu sáng, còn lại chỉ dùng đèn dầu... Hiện Xã Nậm Nhừ, huyện Nậm Pồ có 521 hộ, hơn 3.000 nhân khẩu. Trong đó, có 360 hộ chưa có điện lưới quốc gia.
Cùng chung cái khó do thiếu điện của xã Nậm Nhừ còn có xã Phu Luông với bốn bản: Pá Chả, Huổi Cảnh, Lọng Ngua và mốc C5 chưa được sử dụng điện. Ông Lò Văn Khụt, trưởng bản Huổi Cảnh, xã Phu Luông, huyện Điện Biên chia sẻ: “Nói chung, khó khăn lớn nhất của dân bản là nguồn điện, đến mùa mưa tuy có điện dùng nhưng nước lũ lại cuốn trôi hết các nguồn thủy điện nhỏ do dân tự làm. Về mùa hanh khô, do nằm ở khu vực đầu nguồn sát biên giới nên sức nước yếu không đủ để chạy điện thành ra thủy điện tự chế cũng bị bỏ không. Chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị lên xã thế nhưng đến nay vẫn chưa có điện”.
Đem những trăn trở của ông Lò Văn Khụt, trưởng bản Huổi Cảnh trao đổi với anh Lò Văn Biên, Chủ tịch UBND xã Phu Luông được biết, trên địa bàn xã hiện tại có 10 bản, trong đó chỉ có sáu bản được sử dụng điện còn bốn bản trên tuyến Pá Chả-Huổi Cảnh-Lọng Ngua và mốc C5 hiện vẫn chưa có điện.
Sử dụng nguồn điện tự chế, thắp đèn dầu được xem là những giải pháp tình thế của hết thảy bà con dân tộc ở vùng sâu và vùng cao biên giới. Từ việc chưa có điện đã ảnh hưởng đến đời sống tinh thần, vật chất của người dân, khiến họ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Đối với Phu Luông, đã có chương trình kéo điện từ bản Xôm lên mốc C5 nhưng đến thời điểm này thì chưa triển khai. Ngoài chương trình kéo điện lên C5 còn có đề án 84 của Bộ Quốc phòng tiến hành khảo sát địa bàn và nếu đề án này có khả thi thì người dân Phu Luông cũng sẽ có điện. Nhưng do đề án chưa được phê duyệt nên chưa biết bao giờ Phu Luông mới có thể rực sáng ánh điện.
Nỗ lực đưa điện lưới quốc gia về thôn bản
Lý giải cho những chậm chễ trong đưa nguồn điện lưới quốc gia đến với các xã vùng cao biên giới, ông Trần Đức Dũng, Phó giám đốc Công ty điện lực Điện Biên cho biết: Những vùng chưa có điện chủ yếu là địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, dễ bị chia cắt trong mùa mưa gây khó khăn trong bảo đảm tiến độ thi công, gia tăng chi phí. Điện lực Điện Biên đang tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án đưa điện lưới quốc gia về vùng sâu, vùng xa, biên giới. Bảo đảm phát triển điện đi trước một bước trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hiện, điện lực Ðiện Biên đã khởi công và hoàn thành 6/9 công trình, ba công trình còn lại sẽ hoàn thành trong năm 2017.
Phân cấp trong quản lý, tranh thủ nguồn lực xã hội hóa chính là chủ trương của Điện lực Điện Biên được chính quyền từ cấp tỉnh, huyện, xã ủng hộ nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công, rút ngắn thời gian đưa điện lưới quốc gia đến với người dân đang sinh sống ở vùng sâu, vùng xa và vùng cao biên giới. Trong những nỗ lực đưa điện về với bà con phải kể đến điện lực Mường Ảng. Hiện, điện lực Mường Ảng đang quản lý vận hành 59 trạm biến áp 35/0,4kV với tổng dung lượng 6.816,5kVA; 117km đường dây trung áp 35kV; 160km đường dây hạ thế 0,4kV; bảo đảm phục vụ cho hơn 9.200 khách hàng thuộc 10/10 xã, thị trấn của huyện.
Ông Vũ Hữu Quang, Phó Giám đốc Điện Lực Mường Ảng cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện có 118/139 thôn, bản đã có điện lưới quốc gia (đạt tỷ lệ 85%). Gần đây nhất, giai đoạn 2014-2015 ngành điện cùng chính quyền địa phương triển khai hoàn thành công trình cấp điện đến các bản: Ít Nọi, Lịch Tở, Bản Ten xã Nặm Lịch, Tát Hẹ, Pú Khớ (xã Ảng Cang); bản Huổi Cắm (xã Búng Lao). Trong đó, công trình đưa điện về bản Ít Nọi, Lịch Tở, Bản Ten, Pú Khớ, Huổi Cắm được đầu tư bằng nguồn vốn vay Ngân hàng phát triển châu Á – ADB do ngành điện làm chủ đầu tư, công trình đưa điện về bản Tát Hẹ được đầu tư bằng nguồn vốn chương trình 30A của Chính phủ, do UBND huyện Mường Ảng làm chủ đầu tư. Hiện nay, tỷ lệ số hộ dân trong huyện đang dùng điện lưới quốc gia là 90,5%. Năm 2017, điện lực Mường Ảng chủ trương đầu tư sửa chữa, nâng cấp hệ thống lưới điện với tổng kinh phí đến thời điểm này là 2,3 tỷ đồng
Được sử dụng điện lưới quốc gia, cuộc sống của người dân trong các bản, xã vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới đã có nhiều thay đổi tích cực hơn. Đời sống vật chất, tinh thần đều được nâng cao, con em họ được học tập trong những ngôi trường đủ ánh sáng. Đó là những lợi ích mà người dân Điện Biên được thụ hưởng khi điện lưới quốc gia về với thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời trở thành động lực để Điện Biên vững vàng hơn trên con đường xóa đói giảm nghèo, từng bước thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.