Xả nước vụ đông xuân 2017- 2018

Kết thúc 3 đợt cấp nước đổ ải: Trên 5,7 tỷ m3 nước được cấp cho hạ du

Thứ sáu, 23/2/2018 | 16:00 GMT+7
Kết thúc 3 đợt cấp nước đổ ải vụ Đông Xuân 2017-2018 các tỉnh Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, diện tích đủ nước của các tỉnh đạt trên 92,62%. 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã vận hành nhịp nhàng thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà để cấp nước được tốt nhất cho hạ du phục vụ sản xuất nông nghiệp.
 
Các địa phương cơ bản đủ nước 
 
Vụ Đông Xuân năm 2017-2018, khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ gieo cấy tổng cộng 611.800 ha lúa. Để bảo đảm cung cấp đủ nước phục vụ làm đất, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với EVN và các địa phương thống nhất kế hoạch điều tiết bổ sung nước từ các hồ chứa thủy điện cho hạ du hệ thống sông Hồng làm 3 đợt lấy nước, thời gian tổng cộng 18 ngày.
 
Thực tế, do tiến độ lấy nước được thực hiện nhanh hơn dự kiến, thời gian lấy nước đã rút ngắn 3 ngày so với kế hoạch, tổng thời gian 3 đợt xả nước là 15 ngày. Để duy trì các đợt lấy nước, EVN đã tăng cường phát điện các tổ máy từ hồ chứa Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang. 
 
Trong thời gian các đợt lấy nước, mực nước sông Hồng tại Hà Nội đã được duy trì ở mức trung bình đợt 1 là 2,1m, cao nhất đạt 2,3m; đợt 2 là 2,14m, cao nhất 2,48 m; đợt 3 là 1,99m, cao nhất đạt 2,21m. Tổng lượng xả của các hồ chứa thủy điện trong tổng cộng 3 đợt là 5,74 tỷ m3 nước. 
 
Kết thúc đợt 1 (24h ngày 19/1), diện tích có nước tổng cộng của các địa phương là 180.190 ha, đạt 29,5 % tổng diện tích gieo cấy theo kế hoạch; kết thúc đợt 2 (24h ngày 3/2), diện tích có nước là 455.449 ha, đạt 74,4% tổng diện tích gieo cấy theo kế hoạch; kết thúc Đợt 3 diện tích có nước trung bình các tỉnh đạt 92,62%; trong đó Hà Nam, Phú Thọ đạt 100%, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Phòng đạt trên 98%, Vĩnh Phúc 92,58%, Bắc Ninh 91,74%, Hải Dương 90,94%, Hà Nội 72,63%.
 
Lý giải về việc một số địa phương chưa đạt 100% diện tích đủ nước, ông Nguyễn Văn Tỉnh – Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho rằng: các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh sẽ chủ động cấp nước từ các trạm bơm mới xây dựng không phụ thuộc vào dòng chảy sông Hồng. Tỉnh Hải Dương và TP.Hải Phòng lấy nước từ nguồn lợi dụng thủy triều  và Hưng Yên  từ nguồn nước tích trữ trong hệ thống kênh mương.
 
Diện tích chưa đủ nước thấp nhất là Hà Nội (hiện còn 26.788 ha) trong đó các huyện có diện tích gieo cấy nhiều nhưng diện tích đủ nước thấp là: Đông Anh (45,6%), Phúc Thọ (62,4%), Thạch Thất (69,7%), Quốc Oai (44,4%). Tại huyện Đông Anh chủ động được nguồn nước do đã tích trữ được trong hệ thống kênh tiêu và từ trạm bơm dã chiến (diện tích đủ nước thấp do còn nhiều diện tích cây vụ Đông chưa thu hoạch). Các huyện Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai có tổng diện tích khó khăn chưa cấp đủ nước tổng cộng khoảng 2.000 ha, thuộc vùng cấp nước của Trạm bơm Phù Sa - Công ty KTCCTL Sông Tích. Hiện nay, Công ty đã xây dựng phương án cụ thể để cấp nước cho khu vực này sau khi kết thúc các đợt xả nước từ các hồ thủy điện (sử dụng Trạm bơm dã chiến Phù Sa: 1.500ha, hỗ trợ tưới từ hồ Đồng Mô: 500ha). 
 
Nhiều yếu tố thuận lợi
 
Theo Tổng cục Thủy lợi, kế hoạch lấy nước năm nay có nhiều yếu tố thuận lợi như: Lịch lấy nước của từng đợt được xác định phù hợp với kỳ triều cường, tính toán cụ thể bằng mô hình toán để xác định khoảng thời gian xả nước tiết kiệm nhất; Các cửa lấy nước, hệ thống kênh dẫn nước trong các hệ thống công trình thủy lợi được đầu tư nạo vét tốt (chủ yếu từ nguồn kinh phí hỗ trợ phòng, chống hạn của Chính phủ) đã tạo thuận lợi cho việc dẫn nước vào ruộng; Sự chủ động của các địa phương trong việc vận hành hệ thống thủy lợi, nhiều nơi đã có kế hoạch chủ động lấy nước sớm, và tích nước khi có điều kiện, kể cả thời gian giữa các Đợt lấy nước...
 
Một số địa phương thường xuyên gặp khó khăn về nguồn nước đã thực hiện hiệu quả một số giải pháp, như: đầu tư xây dựng các công trình lấy nước có khả năng vận hành không phụ thuộc vào dòng chảy bổ sung từ các hồ chứa thủy điện, sử dụng nguồn nước thay thế nguồn nước sông Hồng, chuyển đổi cơ cấu sản xuất để giảm áp lực cấp nước,.. Trong đó, Bắc Ninh là địa phương trước đây thường xuyên có tiến độ lấy nước chậm nhưng hiện nay đã đầu tư xây dựng một số trạm bơm có thể vận hành không phụ thuộc vào nguồn nước xả từ các hồ chứa thủy điện, như: Phú Mỹ (5 máy x 9.700 m3/h), Kênh Vàng 3 (5 máy x 2.400 m3/h), Yên Hậu (6 máy x 5.180 m3/h) để thay thế các trạm bơm dã chiến đã đẩy nhanh tiến độ lấy nước và các diện tích còn lại cũng sẽ được bảo đảm cung cấp đủ nước. Nhờ các giải pháp đã thực hiện, tiến độ lấy nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân 2017-2018 tăng lên đáng kể, đến 15 giờ ngày 12/2/2018, toàn bộ diện tích phụ thuộc vào nguồn nước bổ sung từ các hồ chứa thủy điện của các địa phương đã bảo đảm đủ nước, trừ khu vực các huyện Thạch Thất, Quốc Oai và Phúc Thọ của Thành phố Hà Nội.
 
Ngoài ra cũng có một số khó khăn như tập quán làm đất khác nhau dẫn đến nhu cầu nước giữa các địa phương không thống nhất thời gian dẫn đến phải kéo dài thời gian lấy nước; Thời gian lấy nước Đợt 1 phù hợp với các tỉnh ven biển nhưng các địa phương vùng trung du chưa có nhu cầu lấy nước cao, dẫn đến tiến độ lấy nước các địa phương không đồng đều; Hiện tượng xói lòng sông dẫn đến mực nước hạ du hệ thống sông Hồng (đặc biệt thượng lưu các cửa lấy nước của một số hệ thống công trình thủy lợi) bị hạ thấp diễn ra một số năm gần đây vẫn tiếp diễn, gây khó khăn cho việc lấy nước của các hệ thống công trình thủy lợi và làm tăng lượng nước xả của các hồ chứa thủy điện. 
 
Cần giải pháp tổng thể để tiết kiệm nước
 
Theo tính toán của EVN, mặc dù đã rút ngắn 3 ngày cấp nước đổ ải vụ Đông Xuân năm nay nhưng lượng nước tăng 1,07 tỷ m3 nước so với vụ Đông Xuân 2016-2017.
 
Để việc cấp nước phục vụ sản xuất cho các địa phương khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ được thực hiện tốt hơn trong thời gian tới, vừa bảo đảm yêu cầu phục vụ sản xuất và dân sinh, vừa bảo đảm tiết kiệm nước để phát điện, đồng thời kịp thời động viên, đánh giá các tập thể, cá nhân đã nỗ lực đóng góp vào kết quả của các đợt xả nước, Tổng cục Thủy lợi kính đề nghị Bộ trưởng chỉ đạo: Để bảo đảm cho trạm bơm dã chiến Phù Sa hoạt động để cấp đủ nước phục vụ gieo cấy và phục vụ tưới dưỡng cho các diện tích đã gieo cấy của các địa phương khác, đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam duy trì mực nước sông Hồng tại Trạm Thủy văn Sơn Tây khoảng 3,2 m (tương đương với MN tại Hà Nội khoảng 1,5 m) trong thời gian từ ngày 18/2 đến hết tháng 2/2018; Chỉ đạo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, đơn vị thực hiện Đề tài nghiên cứu “Dự báo xu thế biến đổi hạ thấp lòng dẫn và đề xuất giải pháp khắc phục, khai thác hiệu quả công trình thủy lợi trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình” đẩy nhanh tiến độ thực hiện, báo cáo kết quả đánh giá nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục việc hạ dẫn lòng dẫn hệ thống sông Hồng; Ưu tiên bố trí vốn thực hiện Dự án Xây dựng trạm bơm Phù Sa, Thành phố Hà Nội (đã được Bộ phê duyệt dự án từ năm 2010) để giải quyết khó khăn về nguồn nước ở khu vực này hoặc có văn bản gửi Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đề nghị đầu tư; Tặng bằng khen của Bộ trưởng cho một số tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong chỉ đạo, điều hành các đợt lấy nước vừa qua. 
Lê Linh/Icon.com.vn