Khai thác nắng, gió để phát triển bền vững

Thứ hai, 12/8/2019 | 09:17 GMT+7
Không khí thải, không chất thải lại sử dụng nguồn năng lượng vô tận nên phát triển năng lượng tái tạo là mục tiêu đặt ra của tất cả các nước. 
khai thac nang gio de phat trien ben vung
Lắp điện mặt trời áp mái cho điểm trường tại huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái

Với Việt Nam, tại vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, dân cư thưa thớt - nơi mà chi phí kéo điện lưới Quốc gia quá lớn - việc sử dụng năng lượng tái tạo được xem là giải pháp tối ưu. Nhất là điện mặt trời và điện gió.

Tiềm năng dồi dào
 
Với số giờ nắng từ 2.000 đến 2.600 giờ/năm, việc khai thác nguồn năng lượng mặt trời để sản xuất điện đang được các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên tích cực triển khai. Riêng tỉnh Gia Lai - một trong những tỉnh tiên phong triển khai các dự án điện mặt trời - đến thời điểm này, đã có 23 nhà đầu tư đăng ký 33 dự án điện mặt trời với tổng công suất gần 4.000 MW.
 
Việc xây dựng nhà máy điện mặt trời đã giải bài toán kinh tế cho những vùng đất khô cằn, khó có thể phát triển nông nghiệp nhưng lại giàu tiềm năng về nắng, gió. Cụ thể, theo tính toán của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Điện Đại Hải: Việc phát triển điện mặt trời không chỉ gia tăng giá trị trên mỗi đơn vị diện tích lên 30 đến 40 lần so với cây trồng, mà còn tạo công ăn, việc làm cho nhiều người dân địa phương.
 
Cùng với các tỉnh Tây Nguyên, theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước của Việt Nam cũng có tiềm năng điện năng lượng mặt trời khá dồi dào. Trong đó, ngoài các dự án lớn đã khởi công và đang xây dựng, với 11 triệu hộ gia đình như hiện tại, nếu Việt Nam khai thác hiệu quả việc phát triển điện mặt trời áp mái sẽ có những tác dụng rất tích cực trong bối cảnh hệ thống điện đang chịu nhiều áp lực về bảo đảm cung ứng điện. Nhất là sau năm 2020, cả nước không có nguồn khai thác mới, thì việc phát triển các dự án năng lượng mặt trời, trong đó có điện mặt trời áp mái được xem là một trong những giải pháp góp phần giảm áp lực cho ngành điện, không gây nên sự quá tải cục bộ cho lưới truyền tải…
 
Bên cạnh đó, với bờ biển dài hơn 3.000 km, diện tích vùng biển hơn 1 triệu km2 cùng nhiều vùng gió có vận tốc và thời lượng tốt, Việt Nam được đánh giá có tiềm năng lớn để phát triển điện gió ngoài khơi. Hiện Chính phủ cũng có giá điện cho loại hình năng lượng này, việc truyền tải điện cũng không quá phức tạp và các nước cũng đã làm nhiều… Chính vì thế, mô hình điện gió, điện gió ngoài khơi cũng đang được nghiên cứu triển khai nhằm tận dụng tối đa tài nguyên với dải bờ biển dài từ bắc tới nam của Việt Nam.
 
Hướng đi bền vững
 
Phát triển năng lượng tái tạo không chỉ là đòi hỏi cấp thiết khi các nguồn năng lượng truyền thống không còn khả năng khai thác; mà hơn thế, đây còn là yêu cầu của Liên minh châu Âu với nguồn vốn ODA không hoàn lại trong Chương trình “Hỗ trợ chính sách phát triển năng lượng và tăng cường tiếp cận năng lượng bền vững tới khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo” mà tổ chức này triển khai. Đây cũng là hành động thiết thực hướng tới việc xây dựng thị trường điện hiện đại, giảm khí phát thải, giúp Việt Nam chuyển đổi từ năng lượng nâu sang năng lượng xanh để phát triển bền vững hơn.
 
Thực hiện mục tiêu này, Chính phủ đã khuyến khích phát triển năng lượng mặt trời thông qua nhiều Quyết định, Thông tư quan trọng… Trong đó, bên cạnh việc hỗ trợ về kỹ thuật, những công trình hòa lưới trước ngày 30/6/2019 được EVN mua với giá ưu đãi trong vòng 20 năm theo quy định của Chính phủ (giá trong năm 2019 là 2.134 đồng/kWh). Với sự khuyến khích này, tính đến ngày 30/6/2019, khoảng 4.464 MW điện năng lượng mặt trời của 82 nhà máy điện mặt trời đã được hòa lưới – đưa nguồn điện mặt trời chiếm tỷ lệ 8,28% công suất lắp đặt của hệ thống điện Việt Nam.
 
Cuối năm 2018, trong Quyết định 1740/QĐ-TTg Phê duyệt “Chương trình mục tiêu Cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo, giai đoạn 2016 - 2020” - mục tiêu đặt ra đến năm 2020, sẽ có khoảng 21.000 hộ dân được cấp điện từ nguồn điện năng lượng tái tạo, với tổng mức đầu tư khoảng 1.432 tỷ đồng. Trong đó, tỉnh Sơn La, Hà Giang, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Gia Lai… dự kiến được cấp số vốn cho năng lượng tái tạo cao hơn cả. Bởi đến nay, đây vẫn là các tỉnh còn nhiều hộ dân sống không tập trung, chưa được sử dụng điện lưới quốc gia.
 
Tuy nhiên, với địa hình cách trở, mưa lũ bất thường, số ngày nắng không cao… việc đầu tư cấp điện bằng năng lượng tái tạo với nhiều tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa đến nay vẫn còn nhiều trở ngại. Chưa kể đến việc, nhiều hộ đồng bào chưa có ý thức trong bảo vệ, giữ gìn thiết bị; chưa có kiến thức để xử lý khi thiết bị gặp sự cố dù là đơn giản.

Theo: Báo Công Thương