Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao việc xây dựng, đi vào vận hành nhà máy. Ảnh: VGP
Tới dự có Ủy viên Ban chấp hành Trung Ương Đảng Cộng sản Việt Nam – Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Hoàng Trung Hải, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các Bộ, Ban, Ngành Trung ương, Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Lãnh đạo Tập đoàn ALSTOM, Lãnh đạo Công ty Alstom Châu Á Thái Bình Dương và công ty Alstom Việt Nam.
Dự án Nhà máy phục hồi Tua-Bin khí được xây dựng do liên doanh Tổng Công ty phát điện 3 – EVN, Công ty Alstom Châu Á Thái Bình Dương và công ty Alstom Việt Nam đầu tư với giá trị đầu tư đạt 22 triệu EURO có diện tích khu vực nhà xưởng đạt 5.500m2 được trang bị các máy móc tân tiến nhất nhằm phục hồi các bộ phận thuộc phần khí nóng của tua-bin khí, mà rất nhiều loại trong số đó lần đầu tiên có tại Đông Nam Á. Khi hoạt động với công suất tối đa nhà máy có khả năng sửa chữa vài trăm bộ phụ kiện tua-bin khí mỗi năm. Kể từ khi bắt đầu vận hành vào thời điểm tháng 12 năm 2013 đến nay, nhà máy đã thiết lập được các chuẩn mực về Môi trường, Sức khỏe và An toàn với 2.000 giờ đào tạo liên quan đến môi trường, sức khỏe và an toàn lao động và đã hoạt động 500 ngày an toàn tuyệt đối. Cùng với việc thiết lập được các chuẩn mực về môi trường, sức khỏe, an toàn việc xây dựng và khánh thành nhà máy cũng sẽ tạo ra khoảng 150 việc làm mới cho người lao động Việt Nam.
Nhu cầu điện của Việt Nam có tốc độ tăng cao nhất so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Giai đoạn 2000-2014 nhu cầu điện của Việt Nam tăng bình quân 10,15%/năm, gấp gần 2 lần tăng trưởng GDP. Dự báo nhu cầu điện toàn quốc sẽ tăng khoảng trên 11,5%/năm giai đoạn 2016-2020.Việc tăng trưởng nhu cầu điện nhanh là kết quả của quá trình công nghiệp hoá, điện khí hoá, chương trình đưa điện về nông thôn và nhu cầu sử dụng các thiết bị điện khi mức sống của người dân được nâng cao. Để đáp ứng nhu cầu trên, song song với việc xây dựng thêm nhiều công trình nhà máy điện mới, đòi hỏi hệ thống điện, các nhà máy điện hiện tại ngày càng vận hành có hiệu quả hơn.
Việc thành lập liên doanh xây dựng nhà máy phục hồi Tua-bin khí nhằm mục tiêu tăng cường nội lực, làm chủ công nghệ, nâng cao chuỗi giá trị công nghệ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam bằng cách đầu tư và tạo việc làm trong các ngành công nghiệp hiện đại, phục vụ cho mục tiêu đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế và đời sống của nhân dân.
Liên doanh dịch vụ Năng lượng Alstom-Phú Mỹ là xưởng sửa chữa tua-bin khí đầu tiên tại Việt Nam và đồng thời cũng là công xưởng đầu tiên của Alstom tại Châu Á trong lĩnh vực này. Liên doanh sẽ tạo ra hàng trăm việc làm mới cho người lao động Việt Nam và thể hiện cam kết của EVN và Alstom trong việc hỗ trợ chương trình quốc gia thu hút đầu tư và tạo việc làm trong các ngành công nghệ hiện đại. Công ty TNHH Dịch vụ sửa chữa Alstom PMTP là Liên doanh đầu tiên trong lĩnh vực sửa chữa, bảo dưỡng, phục hồi phụ tùng tua bin khí ở Việt Nam và cũng là công xưởng đầu tiên thuộc loại này của Alstom tại châu Á. Với vị trí thuận lợi tại khu vực, công xưởng sẽ phục hồi thiết bị tua-bin khí sẽ đưa năng lực chế tạo, sửa chữa trong nước đến với các nước trong khu vực. Đây là một công trình có nghĩa quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới trong hợp tác quốc tế về lĩnh vực công nghệ cao. Việt Nam đã có thể chủ động về thời gian, chất lượng công tác sửa chữa cũng như làm chủ việc điều hành sửa chữa thiết bị các nhà máy điện chạy khí và chạy than.
Đến nay, Liên doanh đã thực hiện phục hồi, sửa chữa được các sản phẩm phục hồi toàn bộ phần tĩnh của chi tiết đường khí nóng tổ máy GT13E2 và dự kiến đến hết năm 2015 hoàn thành việc phục hồi phần động tổ máy GT13E2 của các Nhà máy điện Phú Mỹ.
Phát biểu tại Lễ khánh thành, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải biểu dương Đảng bộ và các cấp chính quyền của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã hỗ trợ, tạo điều kiện trong công tác cấp phép đầu tư và triển khai xây dựng Liên doanh đi vào hoạt động; biểu dương CBCNV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trực tiếp là GENCO 3 đã có những nỗ lực hợp tác, đầu tư vào dự án có quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại tại Việt Nam.
Sự hợp tác này sẽ mang đến công nghệ mới nhất, kết hợp với kiến thức chuyên môn trong nước cũng như vị thế cạnh tranh trong một chương trình đầu tư dài hạn tại Việt Nam và Châu Á; là kết quả của mối quan hệ chặt chẽ giữa Tập đoàn Alstom và EVN, cũng như hợp tác với các đối tác để phát triển một lực lượng lao động có trình độ cao; là hướng đi đúng trong điều kiện thị trường điện ngày càng cạnh tranh. Liên doanh ra đời vì lợi ích của khách hàng sử dụng điện, trước hết phục vụ tại thị trường Việt Nam, sau đó mở rộng ra khu vực Đông Nam Á và châu Á.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị EVN và GENCO3 thúc đẩy Liên doanh ngày càng phát triển ổn định, cho ra đời những dòng sản phẩm chất lượng cao, góp phần rút ngắn thời gian bảo dưỡng, sửa chữa các nhà máy điện chạy khí và chạy than, bên cạnh đó, các kỹ sư Việt Nam trong Liên doanh phải luôn trau dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm và nâng cao năng lực để chuyển giao công nghệ từ phía Alstom, đặc biệt là học hỏi về văn hóa, kỷ luật công nghiệp điện, trong bàn giao các sản phẩm của mình trong ngành công nghiệp điện nhằm tạo sự khác biệt với các liên doanh khác.