Tin trong nước

Khô hạn tại miền Trung - Tây Nguyên: Hồ thuỷ điện dần xuống mực nước chết

Thứ hai, 18/5/2015 | 09:04 GMT+7
Các hồ thuỷ điện khu vực miền Trung Tây Nguyên đang hứng chịu đợt khô hạn được cho là trầm trọng nhất từ trước đến nay. Hầu hết sông suối đều khô kiệt do lưu lượng nước về thấp. Các hồ thuỷ điện buộc phải co kéo lượng nước trong hồ để vừa phát điện, vừa xả nước tưới tiêu, nhưng cũng chỉ cầm cự được thời gian ngắn.

Mực nước thuỷ điện A Vương thấp hơn mức cùng kỳ gần 10m.
 
Khô kiệt dòng chảy
 
GĐ Cty thuỷ điện Đại Ninh Võ Tăng Lý kêu trời khi trong 8 năm vận hành nhà máy, đây là năm phải chống chọi với lưu lượng nước về hồ thấp nhất từ trước đến nay: “Cửa xả của thuỷ điện Đại Ninh được thiết kế có thể xả lũ lên tới 10.000m3/s, nhưng tổng lượng xả nhiều năm qua cao nhất cũng chỉ khoảng 400m3/s. 
 
Lũ về rất nhỏ, trong 3 tháng mùa khô vừa qua, lưu lượng nước bình quân về hồ chỉ đạt 2,29m3/s, trong khi năm ngoái là 4,2m3/s và bình quân các năm là 7,24m3/s. Do nước về thấp, trong khi nhà máy đã cam kết với tỉnh Bình Thuận xả nước cứu lúa vụ đông xuân và hè thu nên lượng nước xả xuống hạ du trong các tháng 4 và 5 khoảng 9m3/s. 
 
Với thuỷ điện Hàm Thuận - Đa Mi - nguồn cứu cánh cho vựa lúa hai huyện Đức Linh và Tánh Linh của tỉnh Bình Thuận, PGĐ Cty Đỗ Minh Lộc cho biết: “Dung tích còn lại đến thời điểm này của các hồ chứa Đơn Dương và Hàm Thuận khả năng chỉ có thể duy trì lượng xả đến hết tháng 5, sau thời gian này, tuỳ vào tình hình thực tế sẽ tính tiếp”.
 
Trong khi đó, tại Quảng Nam, hồ thủy điện A Vương tích nước cũng bị hụt gần 10m so với mực nước dâng bình thường, chỉ đạt 370,3m/380m, tương đương hụt khoảng 65 triệu mét khối nước. Ông Nguyễn Trâm - TGĐ Cty CP thủy điện A Vương cho biết, lượng nước về hồ trung bình trong các tháng mùa khô chỉ khoảng 15,2m3/s, nhưng lưu lượng nước xả qua tua-bin máy phát tới 27,8m3/s. 
 
Từ ngày 15-30.5, Cty còn buộc phải tăng cường thêm 2 tổ máy với lưu lượng trung bình ngày là 55m3/s để hạ du tỉnh Quảng Nam có đủ nước tưới gieo sạ vụ hè thu. Nếu cầm cự giỏi thì cũng đến 31.8 là thuỷ điện xuống mức nước chết (340m). 
 
Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực VN (EVN), dù tỉ trọng thuỷ điện chiếm gần 40% sản lượng điện cả nước, nhưng trước tình hình nắng nóng và khô hạn đặc biệt nghiêm trọng tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, EVN đã chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) điều tiết hợp lý các nguồn thuỷ điện tại khu vực này, ưu tiên vừa phát điện, vừa xả nước chống hạn. 
 
Trong tháng 5, dự kiến phụ tải của hệ thống điện tăng cao, đại diện EVN cho biết, sẽ khai thác cao các tổ máy nhiệt điện than và tua-bin khí, giữ mức nước các hồ thủy điện miền Nam; khai thác theo biểu đồ các hồ thuỷ điện đảm bảo yêu cầu cấp nước hạ du cho các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ đang trong tình trạng khô hạn nghiêm trọng.

Hệ thống điện đã có dự phòng
 
Theo EVN, tháng 5, dự kiến phụ tải của hệ thống điện có thể đạt tới 463 triệu kWh/ngày, công suất lớn nhất khoảng 24.780MW. Công suất đảm bảo đáp ứng của hệ thống điện quốc gia khoảng từ 26.000 - 28.200MW (bao gồm cả các tổ máy nhiệt điện than đang thí nghiệm, chưa tính mua điện của Trung Quốc và các tổ máy nhiệt điện chạy dầu). Như vậy trong tháng 5.2015, hệ thống điện đáp ứng đủ công suất cho nhu cầu phụ tải và có dự phòng.
 

Theo: Báo Lao động