Khoa học công nghệ là “điểm sáng” nổi bật của EVNCPC trong năm 2019

Thứ ba, 21/1/2020 | 15:25 GMT+7
Trong những năm qua, EVNCPC luôn theo đuổi mục tiêu, định hướng đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất kinh doanh cũng như các mặt hoạt động khác. 

 EVNCPC tuyên dương, khen thưởng các tác giả đạt giải cao cuộc thi Ý tưởng sáng tạo trẻ ngành Điện lực Việt Nam.
 
Đặc biệt năm 2019, Tổng công ty đã có nhiều giải pháp, sáng kiến cải tiến kỹ thuật được các cấp công nhận, đánh giá cao ở các giải thưởng sáng tạo KHCN; có thể khẳng định phong trào này là một trong những “điểm sáng” nổi bật trong năm qua.
 
Theo đó năm 2019, EVNCPC đã triển khai, hoàn thành nghiệm thu đề tài KHCN cấp Bộ: “Nghiên cứu nâng cao hiệu quả chỉ báo đường đi sự cố (Fault Passage Indicator – FPI) nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho lưới điện phân phối thông minh tại thành phố Đà Nẵng” (nhóm tác giả thực hiện gồm: ông Ngô Tấn Cư – Tổng giám đốc EVNCPC, Võ Văn Phương – PC Đà Nẵng; Hoàng Đăng Nam – PC Đà Nẵng; Trương Nguyễn Quang Minh – PC Quảng Nam); hoàn thành nghiệm thu đề tài KHCN cấp EVN xếp loại Xuất sắc: “Nghiên cứu, thiết kế, xây dựng hệ thống giám sát và điều khiển phụ tải từ xa phục vụ cho chương trình Quản lý nhu cầu điện - DSM” (chủ nhiệm đề tài là ông Trần Dũng – Giám đốc CPCEMEC).
 
Đặc biệt, EVNCPC đã đạt 5/10 giải thưởng trong cuộc thi Ý tưởng sáng tạo trẻ ngành Điện lực Việt Nam gồm các giải pháp: “Ứng dụng hệ thống SCADA nhằm tối ưu hoá công tác quản lý vận hành lưới điện trên bản đồ địa lý”; “Nghiên cứu xây dựng hệ thống tự động hoá lưới điện phân phối thông minh thành phố Đà Nẵng”; “Giải pháp tra cứu chỉ số công tơ và cảnh báo sản lượng điện trực tuyến”; “Kiểm soát nguồn điện mặt trời phân tán bằng thiết bị kết nối hệ thống điện mặt trời”; “Giải pháp tra cứu chỉ số công tơ và cảnh báo sản lượng điện trực tuyến”.
 
Với đề tài “Ứng dụng hệ thống SCADA nhằm tối ưu hoá công tác quản lý vận hành lưới điện trên bản đồ địa lý”, tác giả Hoàng Đức Quang Sáng (PC Đà Nẵng) đạt giải Nhất sáng kiến về các lĩnh vực được ứng dụng trong EVN đã xây dựng sơ đồ vận hành lưới điện trên nền bản đồ địa lý Google Earth và sơ đồ lưới điện trên phần mềm SCADA Trung tâm điều khiển. Sơ đồ thể hiện rõ vị trí của từng thiết bị, hướng tuyến của đường dây trên nền bản đồ địa lý, giúp điều độ viên vận hành lưới điện trực quan; đồng thời, thể hiện khu vực ảnh hưởng mất điện trên nền bản đồ địa lý khi có công tác hoặc xảy ra sự cố. Tác giả sử dụng chức năng GPS để định vị tổ trực xử lý sự cố nhằm giúp điều độ viên điều động hợp lý các nhóm tổ trực.
 
Tác giả Nguyễn Văn Tuấn (Ban Kế hoạch EVNCPC) đạt giải Sáng tạo trẻ trong EVN với đề tài “Kiểm soát nguồn điện mặt trời phân tán bằng thiết bị kết nối hệ thống điện mặt trời” cho biết: “Đề tài nhằm đảm bảo vận hành lưới điện an toàn, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện trong xu thế các hệ thống điện mặt trời mái nhà ngày càng được đầu tư lắp đặt nhiều hơn, giúp đơn vị quản lý vận hành chủ động, kịp thời trong việc kiểm soát các hệ thống điện mặt trời trên mái nhà kết nối vào hệ thống lưới điện phân phối hiện hữu trong trường hợp xuất hiện các hoạt động bất thường, hạn chế rủi ro về kỹ thuật, rủi ro về kinh tế cho cả bên mua điện và bên bán điện”.
 
Để kịp thời biểu dương, động viên các tác giả đạt giải cao cuộc thi Ý tưởng sáng tạo trẻ ngành Điện lực Việt Nam, ngày 6/12/2019, EVNCPC đã tặng giấy khen và thưởng kèm theo 100 triệu đồng (20 triệu đồng/sáng kiến) cho 5 tác giả, nhóm tác giả nêu trên.
 
Trong năm qua, toàn EVNCPC đã xét công nhận 203 sáng kiến cải tiến kỹ thuật cấp cơ sở; trong đó, các đơn vị tiêu biểu có nhiều sáng kiếm gồm: PC Đà Nẵng có 31 sáng kiến, PC Khánh Hoà có 23 sáng kiến, Cơ quan Tổng công ty có 22 sáng kiến…
 
Năm 2020, EVNCPC đăng ký 2 đề tài KHCN cấp EVN gồm: “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo trạm sạc nhanh cho xe ô tô điện theo chuẩn CHAdeMO” và “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thiết bị chỉ thị và cảnh báo sự cố trên lưới điện trung thế; cả 2 đề tài này đã xét duyệt đề cương cấp cơ sở.
 
Bên cạnh đó, Tổng công ty còn có các đề tài KHCN cấp cơ sở gồm: “Nghiên cứu, đánh giá ảnh hưởng chất lượng điện năng, dao động điện áp, tần số lưới điện khu vực phía nam tỉnh Khánh Hòa do vận hành các nhà máy điện mặt trời”; “Nghiên cứu, đánh giá ảnh hưởng của sóng hài đối với điện mặt trời mái nhà kết nối với lưới phân phối (phía hạ áp)”; “Nghiên cứu, xây dựng phần mềm Quản lý MBA”; “Nghiên cứu, xây dựng chương trình quản lý dây chảy”; “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để dự báo đánh giá tổn thất điện năng trên lưới điện khu vực Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021- 2025”; “Nghiên cứu ứng dụng cơ sở dữ liệu thông tin địa lý (GIS) để nâng cao hiệu quả quản lý tài sản cố định trên lưới điện”; “Thiết kế, chế tạo robot tự hành/điều khiển xa phục vụ công tác giám sát vận hành trạm biến áp 110kV không người trực”…
Lê Hải