Tin trong nước

“Không thể khoe tài mà phải thận trọng”

Thứ năm, 4/10/2007 | 00:00 GMT+7

Nghề cầm vô lăng “bén duyên” với anh từ năm 18 tuổi, lại được “thử lửa” trên những cung đường Trường Sơn ác liệt thời chống Mỹ nên cái nghiệp “trên từng cây số” như một phần máu thịt của anh. Và có lẽ câu nói trên là một sự đúc kết sau những tháng năm trải nghiệm trong nghề cầm lái. Con người ấy không ai khác đó là Đội trưởng Đội xe Công ty Điện lực 1 (PC1) Bùi Doãn Quang.

Từ chiến sỹ lái xe Trường Sơn

Đối diện với chúng tôi là một người đàn ông ngoài 50 tuổi, vóc dáng nhanh nhẹn, khuôn mặt gầy guộc, góc cạnh và đã có khá nhiều nếp nhăn. Bất kì ai dù tiếp xúc lần đầu cũng có thể cảm nhận được cái tính “xuề xoà”, đúng chất của một “bác tài” ở anh. Cũng bởi anh vui tính, hay cười nên dấu ấn những năm tháng lăn lộn trên các cung đường mà anh đã đi qua càng lộ rõ hơn.

Sinh ra và lớn lên trên đất Hà Thành, đến đầu năm 1972, cậu học trò Bùi Doãn Quang (khi đó mới 18 tuổi, đang học phổ thông) cùng với nhiều bạn bè tình nguyện gia nhập đoàn quân vào Nam chiến đấu. Vào thời điểm đó, chiến trường Quảng Trị bắt đầu ác liệt. Khi tiểu đoàn của Bùi Doãn Quang hành quân đến Nghệ An thì đơn vị có lệnh điều động 30 chiến sỹ đi học lớp lái xe cấp tốc tại Lữ đoàn Công binh vượt sông (Bộ Tư lệnh công binh) để đưa bộ đội, vũ khí vào Quảng Trị. Với thành tích học tập xuất sắc, Bùi Doãn Quang cùng với các chiến sĩ khác được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ chuyên chở cả tiểu đoàn ra chiến trường. Và cái nghiệp xe của Bùi Doãn Quang cũng bắt đầu từ đó. Anh kể rằng, khi được điều động đi học lái xe, anh rất buồn vì như vậy là không thực hiện được khao khát giáp mặt chiến đấu với quân thù. Nhưng cấp trên đã động viên, giải thích và anh hiểu rằng phục vụ chiến đấu cũng là chiến đấu. Từ đó, Bùi Doãn Quang trở thành một anh lính lái xe Trường Sơn thực thụ, gắn bó với những cung đường trên dải Trường Sơn hùng vĩ nhưng máu lửa thời chống Mĩ. Anh đã từng tham gia cả đội lái xe lội nước rà phá bom từ trường… và chở vũ khí, đạn dược, bộ đội vào tận Phù Đốp (Phước Long) trong chiến dịch Hồ Chí Minh (1975). Trong suốt thời gian tại Lữ đoàn Công binh, chiến sỹ lái xe Bùi Doãn Quang luôn là lá cờ đầu trong phong trào thi đua “Giữ tốt, dùng bền, an toàn, tiết kiệm” của đơn vị. Bản thân anh luôn khắc ghi lời Bác Hồ dạy những chiến sỹ lái xe: “Yêu xe như con, quý xăng như máu”. Với Bùi Doãn Quang, niềm say mê nghề nghiệp ngày càng lớn thêm sau mỗi cuộc hành trình và đã trở thành một phần cuộc sống đầy ý nghĩa của anh.

Đến Đội trưởng Đội xe PC1

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, anh bộ đội lái xe Bùi Doãn Quang tiếp tục gắn bó với công việc sau tay lái tại Lữ đoàn Công binh. Cho đến năm 1978, anh đột ngột “bị” cấp trên điều chuyển làm nhân viên thống kê của Ban Quân lực - Lữ đoàn Công Binh. Anh phải chuyển sang làm công việc mới, gò bó và đơn điệu, trái ngược hẳn với nhiệm vụ trong suốt những tháng năm đạn lửa. Suốt thời gian làm việc tại Ban Quân lực, dù là một chiến sĩ luôn được cấp trên nhận xét tốt về tinh thần trách nhiệm và khả năng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao nhưng chưa khi nào anh vơi nỗi nhớ những ngày ngồi sau vô lăng. Cũng trong khoảng thời gian đó, anh đã gặp người bạn đời của mình trên đất Nghệ An. Chị là người rất hiểu anh, hiểu cả nỗi niềm canh cánh bấy lâu nay của anh nhưng không vì thế mà chị không động viên anh trong công việc, ngược lại, chị đã chia sẻ và hết lòng động viên anh vượt qua mọi khó khăn để làm tốt nhiệm vụ được giao phó.  

Đến năm 1984, Bùi Doãn Quang quyết định chuyển ngành và cùng gia đình về Hà Nội. Những ngày đầu tiên trở về nơi chôn nhau cắt rốn sau nhiều năm xa cách, dù cuộc sống mới gặp muôn vàn khó khăn nhưng anh có một niềm vui rất lớn, đó là có cơ hội được tiếp tục theo đuổi nghiệp lái xe, thoả mãn niềm đam mê bấy lâu nay của mình. Bùi Doãn Quang được nhận vào làm việc tại Đội xe của Công ty Điện lực 1 (PC1). Từ khi vào làm việc cho đến năm 1995, anh là một lái xe tin cậy, nhiệt tình của giám đốc và CBCNV-PC1, được đồng nghiệp và anh em trong cơ quan quý mến. Làm việc tại PC1, Bùi Doãn Quang nhận thấy nét tương đồng về địa bàn tác nghiệp tại PC1 so với thời kì ở trong khu 4. Phần lớn địa bàn quản lý của PC1 là vùng rừng núi, nhiều vực sâu núi cao, cũng giống như sự hiểm trở của dãy Trường Sơn. Nhiều năm lái xe chiến trường, đã quá quen với sự hiểm trở của núi rừng và sự khắc nghiệt của thời tiết nên việc lái xe trên địa hình này trở thành sở trường của Bùi Doãn Quang. Và sở trường đó đã được anh phát huy qua những chuyến đưa cán bộ PC1 đi công tác miền núi. Nhưng, như Bùi Doãn Quang đã nói: “nghề lái xe không thể khoe tài mà phải thận trọng”, anh không thể cho phép mình chủ quan dù chỉ là một tích tắc, vì khi cán bộ ngồi lên xe nghĩa là đã tuyệt đối tin tưởng giao phó tính mạng cho mình. Anh cho biết, có một nguyên tắc đối với những chuyến đi công tác xa, tới những vùng rừng núi là phải đảm bảo xe chạy an toàn, không được để xe hỏng nằm lại dọc đường vì sẽ làm nhỡ công tác của cán bộ. Nhớ lại những chuyến công tác miền núi, anh kể lại sự cố trong lần đưa đoàn cán bộ Ngân hàng Thế giới đi khảo sát vùng Tây Bắc trước khi cho Việt Nam vay vốn kéo điện về vùng nông thôn. Đoàn phải đi gấp từ Sa Pa về Điện Biên. Nhưng khi cách Thị trấn Mường Lay 24 km thì xe xịt lốp, trời đã tối, sương mù dày đặc, hai bên đường là rừng cây rậm rạp. Anh phải mang lốp về tận Thị trấn để làm lốp (bấy giờ cả Thị trấn chỉ có 1 hiệu làm lốp). Khi làm lốp xong thì anh phát hoảng vì hiệu này không có bơm máy mà chỉ có cái bơm tay. Hì hục mãi nhưng đành bó tay, anh và cả đoàn lo sợ sẽ lỡ hết việc. May sao đêm ấy, xe của Điện lực Lai Châu kịp thời đến cứu viện...  

Từ năm 1995 đến 1998, qua đề nghị của cấp trên, Bùi Doãn Quang chuyển sang công tác tại Đảng uỷ Khối công nghiệp Hà Nội. Sau một năm trở về công tác tại PC1, năm 1999, anh được lãnh đạo Công ty tín nhiệm bổ nhiệm làm Đội trưởng Đội xe PC1. Trò chuyện với chúng tôi, anh tâm sự: “Nói thật, thời gian đầu làm công việc mới, dù có thời gian nhiều hơn để chăm lo gia đình và dạy dỗ con cái nhưng mình vẫn thấy hẫng hụt, buồn nhiều hơn vui vì “chạy” quen rồi, ngồi một chỗ khó chịu lắm.” Nhưng đó là nhiệm vụ do cấp trên tin tưởng phân công nên anh nghiêm túc chấp hành. Dù không tránh khỏi những khó khăn ban đầu nhưng anh đã quyết tâm làm và anh làm rất tốt. Từ khi làm Đội trưởng, quản lý gần 20 con người và 20 chiếc xe, Bùi Doãn Quang luôn quan tâm sâu sát mọi hoạt động chung của Đội, là hạt nhân đoàn kết, động viên anh em hoàn thành tốt công việc. Anh luôn nhắc nhở, đôn đốc anh em và trực tiếp kiểm tra tình trạng xe, đảm bảo an toàn mỗi khi xe xuất hay hồi bến. Dù đã làm quản lý nhưng Bùi Doãn Quang vẫn không ngừng học hỏi kinh nghiệm thực tế và kiến thức kỹ thuật ô tô. Anh thường xuyên mày mò tìm hiểu, nghiên cứu các dòng xe đời mới để có thể tự xử lý được sự cố mà không cần mất thời gian, chi phí sửa chữa dịch vụ. Có lẽ nhờ có niềm đam mê sâu sắc và khả năng tìm tòi học hỏi nên anh mới có được sự nhạy bén mà như anh thổ lộ là, chỉ cần nghe tiếng nổ của xe cũng có thể nhận định tình trạng xe và phát hiện được sự cố. Anh cho biết, nguyện vọng lớn nhất của Đội hiện nay là mong muốn PC1 đầu tư nâng cấp hệ thống rửa xe cho Đội và xin một thợ máy để kiểm tra, sửa chữa phương tiện, đảm bảo cho xe luôn trong tình trạng tốt nhất.

Bùi Doãn Quang cũng đã tâm sự rằng: Làm quản lý không phải là hô hào chung chung, “chỉ tay năm ngón” hay “tự cao tự đại”, mà càng phải nhiệt huyết hơn, tận tâm hơn, không chỉ để thoả mãn đam mê của mình mà phải hướng niềm đam mê, khả năng của mình tới tập thể, để tập thể vững mạnh và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bùi Doãn Quang có tác phong đến cơ quan từ rất sớm. Vì Đội xe không có tạp vụ nên ông Đội trưởng thường tranh thủ thời gian trước giờ hành chính cặm cụi, tỉ mẩn dọn dẹp, quét tước cơ quan. Với Bùi Doãn Quang, chúng tôi hiểu rằng, công việc của cơ quan cũng chính là công việc của gia đình anh.

Theo TC Điện lực số 8 - 2007