Tin trong nước

Sức "nóng" ở Đại Ninh

Thứ năm, 27/9/2007 | 00:00 GMT+7

Từ Phan Thiết vượt khoảng 120 cây số, chúng tôi có mặt tại công trường thủy điện Đại Ninh, một công trình nằm vắt ngang dãy núi Sao Mai, giáp ranh giữa Lâm Đồng và Bình Thuận. Dưới cái nắng oi bức, hàng trăm công nhân vẫn ngày đêm gấp rút hoàn thành những hạng mục cuối cùng để chuẩn bị cho công trình quốc gia này đi vào hoạt động.

                                

                                Một góc công trường thủy điện Đại Ninh

Dưới cái nắng rát mặt ở vùng núi Phan Sơn, kỹ sư Trương Hữu Sơn đưa tôi vào công trường của Nhà máy thủy điện Đại Ninh. Nhìn bề ngoài, chỉ thấy vài công nhân đang hoàn thành những hạng mục phụ của công trường, song tiếng máy nổ rầm rầm, tiếng xe lu, mùi khét lẹt từ những tia lửa hàn trong cái nóng trên 33 độ làm những người mới đến đây như tôi cảm thấy ngộp thở.

Kỹ sư trẻ Nguyễn Văn Hòa hướng dẫn tôi vào tận bên trong nhà máy để tham quan công trường. Hóa ra bên trong cái nhà mái tôn đỏ kia, có đến hàng trăm công nhân đang khẩn trương thi công lắp ráp những thiết bị cuối cùng ở độ sâu mấy chục mét, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các chuyên gia Nhật Bản và Pháp. Để chuẩn bị cho chạy thử tua-bin số 2 vào tháng 10 tới, các chuyên gia của nhà thầu Pháp chịu trách nhiệm lắp đặt toàn bộ hệ thống điện bên trong nhà máy. Đội ngũ công nhân lành nghề của Tổng công ty lắp máy LILAMA cũng khẩn trương lắp đặt nốt những thiết bị máy phụ trong khoang của từng tầng hầm. Nhìn từ trên cao xuống, hai tổ máy phát điện như hai cái thúng hình tròn khổng lồ nằm sâu trong lòng đất. Bên trên, chiếc cẩu siêu trọng vẫn đưa qua đưa lại để điều chỉnh các thiết bị của nhà máy.

Khi xuống đến tầng hai, rồi tầng ba mới thấy hết sự vất vả của những người thợ ở đây. Để đảm bảo cho kịp tiến độ của công trường, Ban quản lý dự án đã đưa hàng trăm công nhân từng vận hành ở thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi tới đây tiếp cận với các thiết bị mới của nhà máy. Kỹ sư Nguyễn Văn Hòa tiết lộ: "Chính họ sẽ là những người tiếp quản để vận hành nhà máy này sau khi chúng em bàn giao lại". Hòa còn cho biết thêm, toàn bộ số công nhân đang hoàn thành những hạng mục cuối của nhà máy đều dưới sự dẫn dắt và điều hành của các nhà thầu AlsTom và Toshiba. Vì đây là những thiết bị đòi hỏi độ chính xác rất cao, nên đích thân các chuyên gia đến từ Pháp và Canada điều hành.

Công trình thủy điện Đại Ninh nằm ở phần đất của Bình Thuận, nhưng toàn bộ hồ chứa nước với dung lượng 320 triệu m3 lại ở huyện Đức Trọng (Lâm Đồng). Sau khi vượt qua một đường ống dài 11 km và đoạn ống áp lực 2 km, nguồn nước từ hồ này sẽ đổ vào hai tua-bin của nhà máy để phát ra nguồn điện lên đến 300 MW. Toàn bộ điện năng của dự án được chuyển bằng 40 km đường dây 220 KV và đấu nối vào lưới điện quốc gia thông qua trạm biến áp Di Linh, Lâm Đồng.

Một kỹ sư hiện trường có cái tên Paul, người Philippines vẫn hăng say chỉ huy các công nhân Việt Nam lắp đặt các thiết bị mặt đất dù đã quá 11 giờ trưa. Anh vui vẻ nói: "Tôi làm việc ở đây 4 năm rồi, kể từ khi công trình khởi công. Tôi làm công trình này là công trình thứ 4 tại Việt Nam. Được làm việc với đội ngũ công nhân lành nghề và chịu khó của các bạn, tôi cảm thấy rất thoải mái. Tiềm năng thủy điện của Việt Nam à? Rất lớn chứ không giống như quê hương tôi", Paul tâm sự. Điều thú vị được biết về Paul là sau 4 năm làm việc ở công trình này thì anh đã có vợ là dân Phan Thiết chính gốc!

Đúng 12 giờ trưa, bữa cơm của các công nhân trên công trường bắt đầu. Tất cả các chuyên gia Pháp, Nhật Bản, Canada, Philippines và công nhân Việt Nam cùng ăn cơm với nhau trong một nhà ăn. Họ đã từng cùng nhau gắn bó ở đây như thế suốt 4 năm ròng cho nguồn điện của quốc gia tỏa sáng.

Theo Thanh Niên