Không tích nước, phát điện khi có nguy cơ đe dọa an toàn công trình

Thứ sáu, 28/6/2013 | 17:23 GMT+7
Sau hàng loạt sự cố ở các công trình thủy điện nhỏ, Văn phòng Chính phủ đã gửi Văn bản số 5132/VPCP-KTN ngày 25/6/2013 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn đập của các hồ thủy điện và thủy lợi. 
 
 
Phó Thủ tướng chỉ đạo: "Kiên quyết yêu cầu các nhà máy thủy điện ngừng tích nước, phát điện khi phát hiện có nguy cơ đe dọa đến an toàn công trình và tính mạng người dân vùng hạ du đập thủy điện."
Theo Văn bản này, Bộ Công Thương có nhiệm vụ kiểm tra, đánh giá an toàn những hồ, đập thủy điện do Bộ quản lý và chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh kiểm tra, đánh giá an toàn đập của các hồ thủy điện do địa phương quản lý. Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý an toàn đập hồ chứa thủy điện, đặc biệt tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc kiểm định an toàn các đập thủy điện. 
 
Được biết, năm 2012, Bộ Công Thương, Bộ TN&MT đã phối hợp với các địa phương triển khai nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra hàng loạt dự án thủy điện nhỏ trên cả nước. 
 
Kết quả kiểm tra cho thấy, nhiều công trình thủy điện, thủy lợi quy mô nhỏ tiềm ẩn nhiều rủi ro về chất lượng xây dựng và có nguy cơ mất an toàn trong quá trình vận hành, khai thác. Nhiều dự án thủy điện nhỏ vi phạm quy trình xây dựng. Công tác thẩm định và đánh giá tác động môi trường trong các báo cáo của các dự án chưa mô tả rõ tiến độ xây dựng, chưa đề cập đầy đủ các sự cố về môi trường, thiếu các giải pháp phòng ngừa và ứng phó với thiên tai. Trong nhiều trường hợp, chủ đầu tư các công trình thủy lợi, thủy điện để xảy ra sự cố là các doanh nghiệp tư nhân, tự tổ chức quản lý đầu tư và thi công xây dựng công trình trong khi kinh nghiệm còn hạn chế; Năng lực của một số nhà thầu tham gia xây dựng công trình như tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công xây dựng công trình… không đảm bảo theo quy định của pháp luật; Công tác quản lý chất lượng trong các giai đoạn khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng không tuân thủ chặt chẽ theo quy định. Việc kiểm tra, giám sát chưa kịp thời đối với các vi phạm của chủ đầu tư như dọn lòng hồ trước khi tích nước, rà phá bom mìn, tồn dư hóa học do chiến tranh, thu gom xử lý chất thải rắn, biện pháp chống sạt lở, cam kết bảo vệ môi trường khi xây khu tái định cư... Việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước và khí hậu thủy văn cũng còn nhiều thiếu sót như chưa bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu theo quy định, không có khả năng điều tiết nước về mùa lũ, chưa có giấy phép khai thác nước mặt theo quy định. Nhiều chủ đầu tư chưa hoàn tất lập hồ sơ về giao đất, cấp đất, thuê đất đã xây dựng công trình, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông để xây nhà máy. Đặc biệt, cơ quan quản lý nhà nước chỉ cho ý kiến về thiết kế cơ sở, do vậy thiếu kiểm tra, kiểm soát các giai đoạn tiếp theo như thiết kế kỹ thuật, thi công xây dựng, nghiệm thu công trình…
 
Sau khi rà soát toàn bộ các điều kiện, Bộ Công Thương đã thống nhất với các tỉnh loại khỏi quy hoạch 338 dự án thủy điện với tổng công suất 1.088,9 MW, gồm 2 dự án thủy điện bậc thang (118 MW) và 336 dự án thủy điện nhỏ (970,9 MW); đồng thời không tiếp tục xem xét đưa vào quy hoạch 169 vị trí tiềm năng thủy điện (362,5 MW). Đối với các dự án còn lại trong quy hoạch nhưng chưa khởi công xây dựng hoặc mới triển khai xây dựng ở giai đoạn đầu, sẽ tiếp tục xem xét loại khỏi quy hoạch đối với 67 dự án (157,9 MW) và 3 vị trí tiềm năng (13,5 MW) trên cơ sở đánh giá kỹ hiệu quả, các tác động môi trường-xã hội, sự phù hợp với quy hoạch chung trên địa bàn...của từng dự án. Đồng thời tạm dừng, chỉ cho phép đầu tư xây dựng từ sau năm 2015 đối với 117 dự án (769,9 MW) nếu đảm bảo hiệu quả đầu tư, ít tác động tiêu cực đối với môi trường-xã hội, đảm bảo điều kiện giao thông, điện thi công, đấu nối điện, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn và trong khu vực.
 
Với nhiệm vụ quản lý chất lượng công trình xây dựng  các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, ngày 26/6/2013, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức kiểm tra, rà soát chất lượng và đánh giá mức độ an toàn các công trình thủy lợi, thủy điện quy mô nhỏ trên địa bàn và có báo cáo trước ngày 31/7/2013. Khi thực hiện cần chú ý tới việc kiểm tra năng lực của các nhà thầu, công tác quản lý chất lượng, thẩm tra thiết kế và công tác nghiệm thu công trình theo quy định tại Nghị định 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 và công tác quản lý an toàn đập của các chủ đập theo quy định tại Nghị định 72/2007/NĐ-CP ngày 07/5/2007 của Chính phủ.
 
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, đánh giá an toàn những hồ, đập thủy lợi do Bộ quản lý; tập trung khắc phục các tồn tại về chất lượng và quản lý an toàn đập hồ chứa thủy lợi, bảo đảm an toàn cho công trình và người dân. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo Sở Công Thương, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc kiểm định an toàn đập; công tác an quản lý đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, thủy lợi trên địa bàn. Kiên quyết yêu cầu các nhà máy thủy điện ngừng tích nước, phát điện khi phát hiện có nguy cơ đe dọa đến an toàn công trình và tính mạng người dân vùng hạ du đập thủy điện. Chỉ cho phép tích nước, phát điện trở lại khi đã đủ điều kiện đảm bảo an toàn theo quy định. 
 
Ngọc Loan