Ảnh minh họa. Nguồn: AP
Theo AP, Tổng thống Nam Phi ông Cyril Ramaphosa đã có một cuộc họp khẩn với nội các để thảo luận về cuộc khủng hoảng điện đã gây ra sự cố mất điện trên toàn quốc – sự việc chưa từng xảy ra đối với nền kinh tế lớn nhất châu Phi.
Từ cuối tháng 6 đến nay, tình trạng cắt điện luân phiên với tần suất cao nhất tại Nam Phi đã diễn ra liên tục. Cắt điện luân phiên không còn là hiện tượng lạ ở Nam Phi nữa, đặc biệt là trong mùa đông, khi người dân và doanh nghiệp nước này tiêu thụ điện nhiều hơn cho việc sưởi ấm, nấu ăn và thắp sáng. Công ty điện lực nhà nước Eskom đang gặp khó khăn khi phải sản xuất đáp ứng nhu cầu 95% điện năng. Không phải chỉ cắt điện 1 tiếng hay 2 tiếng mà thậm chí lên tới 9 tiếng đã khiến kinh doanh sản xuất và sinh hoạt tại nhiều thành phố ở Nam Phi bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ban đầu, Eskom thực hiện chiến dịch cắt điện ở cấp độ cao nhất là mức 6 khiến nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp không có điện tới 10 tiếng/ngày. Sau đó, Eskom đã điều chỉnh xuống cấp độ 5 với ước tính một ngày sẽ mất điện khoảng 8 tiếng. Việc mất điện đang ảnh hưởng đến các dịch vụ khác của đất nước, bao gồm cả nông nghiệp một số khu vực khi máy bơm chạy bằng điện ngừng hoạt động. Trong bối cảnh kinh tế Nam Phi đang phải nỗ lực phục hồi sau đại dịch Covid-19, các nhà kinh tế đã đưa ra những cảnh báo rõ ràng về tác động nghiêm trọng của tình trạng mất điện trên diện rộng.
"Eskom đã áp dụng các biện pháp cắt giảm điện được gọi là để giảm tải sử dụng điện từ đầu năm nay. Tuy nhiên, điều này đã tác động đến đến tăng trưởng kinh tế, giảm 0,7% trong quý II", một quan chức của cơ quan thống kê Nam Phi StatsSA cho biết.
Eskom đôi khi chỉ thông báo vài giờ trước khi mất điện.
"Rất khó để có thể nắm bắt được những gì sẽ diễn ra tiếp theo. Các giai đoạn giảm tải điện có thể giảm dần theo thời gian trong tương lai hay không? Hay việc áp dụng cắt điện ở cấp độ 6 hay hơn thế vẫn có thể xảy ra trong vài tháng tới?", Jannie Rosouw, nhà kinh tế tại Đại học The Witwatersrand của Johannesburg nói.
"Người dân và các doanh nghiệp ở Nam Phi thực sự không thể lập kế hoạch cho công việc của họ nếu Eskom không thể hoạch định năng lực hoạt động", ông Rosaouw nói.
Ảnh hưởng lớn đến hồi phục kinh tế
Từ tháng 12/2019, Nam Phi thường xuyên trải qua tình trạng mất điện. Tình trạng cắt điện đã khiến người dân bất mãn và đây cũng là nguyên nhân thường xuyên xảy ra các cuộc biểu tình trước văn phòng Eskom hồi năm ngoái.
Mọi lĩnh vực kinh tế đều bị ảnh hưởng. Nhiều doanh nghiệp tại Nam Phi đã phải đóng cửa dài ngày hoặc chi tiêu rất nhiều để mua dầu diesel chạy máy phát điện. Một số công ty viễn thông lớn của Nam Phi trong tuần này cảnh báo tình trạng mất điện liên tục đã ảnh hưởng đến dịch vụ của họ. Giám đốc công nghệ và thông tin MTN Nam Phi Michele Gamberini cho biết hiện đang sử dụng pin dự phòng để duy trì hoạt động cho mạng điện thoại di động nhưng cảnh báo việc mất điện kéo dài có thể dẫn đến mất dịch vụ hoàn toàn.
"Mặc dù chúng tôi đã đặt hàng nghìn viên pin tại các cơ sở của mình trên khắp đất nước nhưng hiệu quả của những viên pin đó sẽ giảm đáng kể", ông Gamberini nói.
Công ty cũng đang triển khai hơn 2000 máy phát điện chạy bằng dầu diesel để đối phó với tình trạng mất điện kéo dài.
Trong khi đó, phía Eskom đang tiếp tục nỗ lực để mua thêm công suất từ các nguồn năng lượng tái tạo như gió và mặt trời thông qua các nhà sản xuất điện độc lập. Eskom cũng thông báo một chương trình khẩn cấp đầu tư mua ít nhất 1000MW điện từ khu vực tư nhân để giảm bớt áp lực mất điện. Bộ trưởng phụ trách khối doanh nghiệp công Nam Phi Pravin Gordhan nhận định tình trạng mất điện sẽ gây thiệt hại lớn cho danh tiếng của nước này. Là nền kinh tế phát triển nhất châu Phi nhưng hiện tượng cắt điện triền miên đang khiến Nam Phi phải thiệt hại lớn, khiến các nhà đầu tư e ngại hơn khi có ý định đầu tư vào đây. Trong khi đó, tình trạng cắt điện thường xuyên tại Nam Phi cũng gia tăng khoảng cách ngày càng sâu sắc giữa người giàu và người nghèo tại Nam Phi.
Để khắc phục vấn đề này, các chuyên gia cho rằng Nam Phi cần tăng cường khả năng cung cấp điện bằng cách gia tăng sản lượng điện từ năng lượng mặt trời và những nguồn năng lượng tái tạo khác. Và việc tự chủ nguồn cung điện mặt trời giúp cuộc sống người dân cải thiện hơn hoặc bị ảnh hưởng rất ít khi khủng hoảng thiếu điện tại Nam Phi diễn ra.