Tin thế giới

Khủng hoảng năng lượng: Lebanon sập lưới điện quốc gia

Chủ nhật, 10/10/2021 | 16:50 GMT+7
Mạng lưới điện quốc gia của Lebanon bị sập hoàn toàn hôm  9.10 sau khi 2 nhà máy điện quan trọng nhất nước này cạn kiệt nhiên liệu.
 
Mạng lưới điện quốc gia của Lebanon gặp sự cố sập hoàn toàn hôm 9.10 do nhà máy hết nhiên liệu. Ảnh: AFP
 
Cạn kiệt nhiên liệu sản xuất điện
 
The Washington Post đưa tin, trong nhiều tháng qua, công ty điện lực thuộc sở hữu của nhà nước Lebanon chỉ có khả năng cung cấp cho người dân vài giờ điện mỗi ngày.
 
Sự cố sập toàn bộ hệ thống lưới điện quốc gia trong ngày 9.10 đã ảnh hưởng không nhỏ tới những người dân không đủ khả năng chạy máy phát điện.
 
Bộ trưởng Năng lượng Walid Fayyad cho biết, lưới điện ngừng hoạt động sau khi hai nhà máy điện chính của nước này là Deir Ammar và Zahrani hết nhiên liệu diesel, dẫn đến không có đủ lượng điện năng tối thiểu cần thiết để duy trì hoạt động.
 
Chính phủ Lebanon đang nỗ lực tìm cách huy động khẩn cấp nhiên liệu từ các nguồn khác, bao gồm quân đội, để khắc phục phần nào tình trạng thiếu hụt cho đến khi một lô dầu diesel của Iraq kịp đến nơi vào tối 9.10 sẽ nhanh chóng được bốc dỡ và cung cấp cho hệ thống.
 
Bộ trưởng Walid Fayyad cho biết, thời gian mất điện tối đa có thể chỉ kéo dài trong vài ngày và ông hy vọng sẽ tìm ra phương án giải quyết nhanh hơn.
 
Sự cố sập lưới điện quốc gia lần này là một lời nhắc nhở về tình trạng tồi tệ của ngành điện Lebanon, vốn đã không thể cung cấp điện 24 giờ/ngày trong nhiều thập kỷ. 
 
Trong những tháng gần đây, năng lực của ngành này càng suy yếu do thiếu tiền và tham nhũng. Nhiều kẻ buôn lậu chuyển hướng mua nhiên liệu của nhà nước để bán kiếm lời ở nước láng giềng Syria.
 
Ông Fayyad cho biết, một thỏa thuận đạt được gần đây với Iraq nhằm cung cấp 80.000 tấn nhiên liệu mỗi tháng vẫn còn thiếu so với lượng nhiên liệu tối thiểu cần thiết để đảm bảo lưới điện ổn định và có thể duy trì nguồn điện tối đa trong khoảng 4 giờ mỗi ngày.
 
Thiếu điện tác động đến mọi mặt của đời sống
 
Tình trạng thiếu điện đã ảnh hưởng sâu sắc đến hầu hết mọi khía cạnh của đời sống ở Lebanon. Các doanh nghiệp và nhà máy đã phải đối mặt với chi phí tăng vọt hoặc buộc phải đóng cửa. Các quán cà phê và nhà hàng không thể mở cửa vì không có điện thắp sáng và làm lạnh đồ uống.
 
Các bệnh viện đã buộc phải tạm dừng hoạt động hoặc tạm dừng các thủ thuật quan trọng vì không có đủ nhiên liệu để chạy máy phát điện. Tình trạng ngộ độc thực phẩm tràn lan do đồ ăn không được bảo quản lạnh. Ở một số khu vực thậm chí không có nước sinh hoạt để sử dụng do không có đủ điện để chạy máy bơm.
 
Hầu hết người Lebanon đều tìm cách mua điện do tư nhân sản xuất với chi phí cao và chỉ những người giàu có nhất mới đủ khả năng chạy các máy phát điện lớn suốt ngày đêm. Phần lớn máy phát điện trong khu phố chỉ cung cấp một lượng điện nhỏ giọt, nên người dân phải chờ điện do nhà nước cung cấp để chạy được các thiết bị công suất cao.
 
Soltan Husseini - một sinh viên sống ở miền nam Lebanon - cho biết, gia đình anh thường chờ khi có điện để được sử dụng máy giặt, đun nước nóng và chỉ mua đủ đồ ăn trong ngày. Và sự cố mất điện hoàn toàn vừa qua đã khiến gia đình họ ''càng thêm khốn khổ'' - theo lời Husseini.
 
Bộ trưởng Năng lượng Fayyad cho biết, phương án tốt nhất được hy vọng sẽ đảm bảo nguồn điện cho Lebanon nằm ở đề xuất được Mỹ ủng hộ là nhập khẩu khí đốt từ Ai Cập và điện từ Jordan qua Syria với sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới. 
 
Nhưng điều này có thể mất vài tháng để thực hiện, và trong thời gian chờ đợi đó, người Lebanon vẫn phải tiếp tục chịu đựng nguồn cung cấp điện rất hạn chế.
 
Ông Fayyad nhấn mạnh, Lebanon sẽ cần rất nhiều thiện chí từ quốc tế để thỏa thuận khí đốt được thông qua, bao gồm cả việc tài trợ và một thỏa thuận từ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Syria để khí đốt có thể đến được Lebanon.
 
Nếu thành công, nguồn cung cấp khí đốt sẽ rẻ hơn và hiệu quả hơn rất nhiều so với hệ thống sản xuất điện hiện tại, vốn dựa vào việc nhập khẩu nhiên liệu đắt đỏ.
 
Theo: Lao động