Quản lý năng lượng

Khung pháp lý hoàn chỉnh cho hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Thứ ba, 31/10/2017 | 14:18 GMT+7
Ngày 07/08/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 34 về việc tăng cường tiết kiệm điện.

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Chỉ thị nhấn mạnh: Sử dụng điện năng tiết kiệm và hiệu quả là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc giảm chi phí giá thành cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp nâng cao tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp, cho nền kinh tế đất nước và giúp giảm áp lực trong việc đầu tư, phát triển nguồn điện mới, đóng góp vào việc bảo tồn nguồn năng lượng sơ cấp của quốc gia, giảm phát thải khí nhà kinh, bảo vệ môi trường và ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu…
 
PV trang tin điện tử ngành điện (Icon.com.vn/EvnNews.vn) đã có cuộc trao đổi với ông Trần Viết Nguyên - Phó Trưởng ban kinh doanh Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) để tìm hiểu sâu hơn nội dung này.
 
PV: Thưa ông, có thể nói, kể từ khi ban hành Chỉ thị 171 (ngày 26/01/2011), đến nay, sau gần 7 năm, Thủ tướng Chính phủ lại tiếp tục ban hành Chỉ thị số 34 về tăng cường tiết kiệm điện, điều đó đã cho thấy rõ tầm quan trọng của công tác tiết kiệm điện. Đặc biệt, tại Chỉ thị lần này, Thủ tướng đã yêu cầu các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm việc tiết kiệm điện. Ông nhìn nhận như thế nào về các yêu cầu này cũng như trách nhiệm của EVN tại Chỉ thị số 34 của Thủ tướng Chính phủ như thế nào? 
 
Ông Trần Viết Nguyên: Ngoài các văn bản quy phạm pháp luật như Luật, Nghị định và Thông tư hướng dẫn sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK&HQ), thì các chỉ thị về Tiết kiệm điện (TKĐ) đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành từ năm 2005 (chỉ thị 11/2005/CT-TTg ngày 02/06/2005); 2011 (chỉ thị 171/CT-TTTg ngày 26/01/2011) và 2017 (34/CT-TTg ngày 07/08/2017) nêu cụ thể về các phương pháp/cách thức sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả tới các đối tượng khách hàng cụ thể như: (1) Cơ quan, công sở; (2) Chiếu sáng công cộng; (3) Hộ dùng điện sinh hoạt và cơ sở KD-DV; (4) Doanh nghiệp SX. 
 
Các giải pháp TKĐ cụ thể và thực hiện được, ví dụ: “tắt các thiết bị điện không cần thiết”, “tắt khi không sử dụng”, “sử dụng ánh sáng tự nhiên”, “đặt nhiệt độ điều hòa từ 25 độ trở lên”; “dùng quạt thay điều hòa”; “sử dụng đúng công suất biểu đồ phụ tải đã đăng ký”, “sử dụng thiết bị dán nhãn năng lượng”, “không để thiết bị hoạt động ở chế độ không tải”, “tắt điều hòa trước khi nghỉ làm việc 30 phút”, “ban hành Quyết định về sử dụng điện”. 
 
EVN cũng là đối tượng sử dụng năng lượng (điện) nên EVN cũng phải thực hiện các nội dung yêu cầu của Chỉ thị. 
 
Ngoài ra, Chỉ thị có yêu cầu EVN 4 nhiệm vụ cụ thể như (1) thực hiện nghiêm tiết kiệm điện trong phát điện, truyền tải và phân phối điện. Thực hiện các giải pháp quản lý, kỹ thuật, đầu tư, cải tạo và nâng cấp hệ thống lưới điện đảm bảo đạt được các tiêu chí về giảm tổn thất theo quy định của Nhà nước. (2) Chỉ đạo các TCT/ĐVĐL tại các tỉnh, thành phố thống kê, theo dõi và báo cáo tình hình sử dụng điện tại các công sở, cơ quan, doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn, báo cáo Sở Công Thương, Sở Tài chính và UBND để có biện pháp xử lý đối với các đơn vị, khách hàng không thực hiện tiết kiệm điện. (3) Thực hiện phương thức vận hành ổn định, an toàn trong hệ thống điện; bố trí kế hoạch sửa chữa các nhà máy điện hợp lý; Tăng cường công tác quản lý kỹ thuật, nâng cao năng lực khai thác thiết bị; Hạn chế sự cố, tiết kiệm chi phí nhiên liệu, giảm tổn thất điện năng; Huy động một cách hợp lý công suất và điện năng các nhà máy điện, các nguồn điện mua của các nhà máy điện độc lập và các nguồn điện dự phòng của khách hàng. (4) Phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Khí tượng - Thủy văn quốc gia, cập nhật dự báo về thời tiết và nguồn nước để chủ động đề ra các phương án vận hành hiệu quả, sử dụng tiết kiệm nguồn nước để phát điện.
 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
PV: Thưa ông, vậy EVN đã có kế hoạch gì để triển khai các nội dung nêu trong Chỉ thị?
 
Ông Trần Viết Nguyên: EVN đã có văn bản (số 4902 ngày 19/10/2017 về việc thực hiện chỉ thị số 34/CT-TTg của TTCP) hướng dẫn tất cả các đơn vị thành viên triển khai thực hiện các nội dung nêu trong Chỉ thị 34/CT-TTg của TTCP.
 
Yêu cầu chung đối với các đơn vị quán triệt Chỉ thị số 34/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ tới các đơn vị thành viên và toàn thể cán bộ nhân viên, người lao động của đơn vị để thực hiện nghiêm việc tiết kiệm điện trong sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt hàng ngày tại gia đình. Rà soát, ban hành các nội quy/quy định về sử dụng điện tiết kiệm tại nơi làm việc. Lãnh đạo đơn vị thường xuyên đôn đốc, rà soát, kiểm tra việc thực hiện nội quy và các quy định và các giải pháp tiết kiệm điện của đơn vị, các phòng, ban, phân xưởng, tổ, đội. Đưa nội dung tiết kiệm điện vào chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, chấp hành kỷ luật nội bộ và thi đua khen thưởng hàng năm. 
 
Đối với các Tổng công ty Điện lực, Công ty Điện lực, Điện lực trích lục các nội dung Chỉ thị 34/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (liên quan đến khách hàng và các địa phương) và gửi đến tận phường/xã, các cơ quan và các khách hàng sản xuất, kinh doanh dịch vụ,... đồng thời, làm việc với các Đài phát thanh, truyền hình địa phương khẩn trương tuyên truyền Chỉ thị số 34/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trước ngày 31/10/2017.
 
Chỉ đạo, thực hiện và đôn đốc, kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện các giải pháp quản lý, kỹ thuật, đầu tư, cải tạo và nâng cấp lưới điện, tăng cường công tác quản lý kỹ thuật, hạn chế sự cố, đảm bảo lưới điện vận hành an toàn, ổn định, tin cậy, giảm tổn thất điện năng theo chương trình, lộ trình và kế hoạch hàng năm được Tập đoàn phê duyệt. Giao chỉ tiêu điện tự dùng hàng quý, năm cho từng trạm biến áp và theo dõi, kiểm tra; bố trí hệ thống chiếu sáng hợp lý, tự động hóa hệ thống chiếu sáng chung, sử dụng các loại đèn tiết kiệm điện, đèn LED; rà soát bố trí hệ thống làm mát, hút ẩm một cách hợp lý.
 
Báo cáo và đề nghị UBND tỉnh/thành phố xây dựng và ban hành Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương từ năm 2018, phân công trách nhiệm cho các Sở, Ban, ngành của địa phương đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện và xử lý vi phạm. Các Công ty Điện lực thực hiện thống kê đầy đủ số lượng cơ quan hành chính sự nghiệp thụ hưởng ngân sách nhà nước trên địa bàn quản lý để theo dõi và đôn đốc thực hiện tiết kiệm điện theo Chỉ thị số 34/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. 
 
Tuyên truyền, tư vấn các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập áp dụng các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả như thay đèn chiếu sáng bằng đèn LED; vệ sinh máy điều hòa nhiệt độ; thay thế các thiết bị điện có hiệu suất thấp bằng các thiết bị có hiệu suất cao, thiết bị có dán nhãn năng lượng; lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời áp mái nối lưới,....  
 
Tăng cường tuyên truyền tới các hộ gia đình sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả; tư vấn thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện bằng cách sử dụng các sản phẩm, thiết bị có dán nhãn năng lượng; sử dụng các sản phẩm đèn LED thay thế các thiết bị chiếu sáng trước đây, bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời; pin năng lượng mặt trời,...Các Công ty Điện lực tổ chức tốt dịch vụ chăm sóc khách hàng, kết hợp hướng dẫn, tư vấn sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, vận động khách hàng tăng cường sử dụng các thiết bị dán nhãn năng lượng hiệu suất cao; sử dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo như năng lượng gió, mặt trời, biomass,...; sử dụng hệ thống dự trữ năng lượng ở giờ thấp điểm để sử dụng ở giờ cao điểm; thực hiện kiểm toán năng lượng; sử dụng các dịch vụ tiết kiệm năng lượng do các công ty Dịch vụ năng lượng (ESCO) cung cấp.
 

Đại biểu trong lễ phát động Giờ Trái đất 2017. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
PV: Theo ông, cái được lớn nhất trong việc ban hành luật cũng như các văn bản, chỉ thị về tăng cường công tác TKĐ là gì?
 
Ông Trần Viết Nguyên: Theo tôi, đó là việc ban hành luật cũng như văn bản, chỉ thị về tăng cường công tác TKĐ đã tạo được khung pháp lý hoàn chỉnh cho hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK&HQ) nói chung và sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả nói riêng. Có thể nói, đến nay, chúng ta đã có một hệ thống khung pháp lý quy định rất rõ về các hoạt động SDNLTK và HQ so với các nước trong khu vực.
 
Luật SDNLTK&HQ và các văn bản hướng dẫn dưới Luật đã thể chế hoá các quy định về SDNLTK&HQ tại Việt Nam. Luật đã gỡ bỏ các rào cản, tạo điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động SDNLTK&HQ. Các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, tạo hành lang pháp lý để thực thi các hoạt động tiết kiệm năng lượng. Chỉ thị về tăng cường TKĐ đã cụ thể hóa các giải pháp tiết kiệm điện. Chị thị đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của mọi tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp và các cơ quan bộ, ngành từ trung ương tới địa phương về công tác tiết kiệm điện.    
 
EVN cũng đã tích cực chỉ đạo trong nội bộ EVN và các đơn vị trực thuộc các khối phát điện, truyền tải và phân phối thực hiện nghiêm các quy định của Luật SDNLTK&HQ, Nghị định 21/2011/NĐ-CP, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Chỉ thị 171/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Công Thương. 
 
Nhờ có chỉ đạo của Chính phủ, sự tham gia tích cực của các cơ quan, ban ngành liên quan và EVN, nhận thức của cộng đồng, người dân và doanh nghiệp về SDNLTK&HQ nói chung và sử dụng điện TK&HQ nói riêng đã được nâng lên rõ rệt. EVN cũng đã chủ động xây dựng và triển khai nhiều chương trình về tiết kiệm điện rất cụ thể như: “thay đèn sợi đốt bằng đèn compact”; “thay bình đun nước nóng bằng NLMT”; “Hỗ trợ doanh nghiệp kiểm toán NL”; triển khai mô hình ESCO; “Vệ sinh máy điều hòa”, v.v...
 
Kết quả, tăng trưởng điện thương phẩm bình quân giai đoạn 2011- 2015 là 11,22%, thấp hơn so với tổng sơ đồ điện VII dự báo là 14,1%. Hệ số đàn hồi bình quân giảm từ 2.14 (2006 - 2010) xuống còn 1,95 (2011 – 2015). Chỉ tính riêng các chương trình do EVN thực hiện, giai đoạn 2011 – 2015 như: “Giờ trái đất”; “Gia đình TKĐ”; “Bình nước nóng NLMT”; “Đèn compact” và mô hình ESCO tiết kiệm được 1,5 tỷ kWh/năm. 
 
PV:  Theo ông, cần phải làm gì để đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của Chỉ thị 34/CT-TTg?
 
Ông Trần Viết Nguyên: Trước tiên, các cơ quan, ban ngành có liên quan cần phải xây dựng kế hoạch và chương trình sử dụng NLTK&HQ cụ thể phù hợp với đặc thù của đơn vị và địa phương; Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, phổ biến các văn bản quy định của nhà nước về SDNLTK&HQ nói chung và tiết kiệm điện nói riêng (Luật Điện lực; Luật SDNLTK&HQ, và các văn bản hướng dẫn có liên quan) tới toàn thể CBCNV, người lao động và nhân dân. Các cơ quan liên ngành cần thường xuyên tổ chức kiểm tra tăng cường công tác xử phạt vi phạm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Xử lý kịp thời các trường hợp không thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện, vi phạm pháp luật về SDNLTK&HQ, đồng thời công bố công khai thông tin vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. 
 
PV: Xin cảm ơn ông.

Các kênh thông tin tư vấn về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả của EVN
 
1. Tổng Công ty Điện lực Hồ Chí Minh: 1900545454 (HCM); website cskh của các TCTĐL (cskh.hcmpc.com.vn)
 
2. Tổng Công ty Điện lực Hà Nội: 19001288 (HN); cskh.evnhanoi.com.vn 
 
3. Tổng Công ty Điện lực miền Bắc: 19006769; cskh.npc.com.vn
 
4. Tổng Công ty Điện lực miền Trung: 19001909cskh.cpc.vn 
 
5. Tổng Công ty Điện lực miền Nam: 19001006 cskh.evnspc.vn 
 
6. Website: tietkiemnangluong.vn
 
7. Trang tin điện tử ngành điện (EvnNews.vn).
 
Nguyên Long/Icon.com.vn