Tư vấn sử dụng điện

Khuyến cáo một số biện pháp sử dụng điện an toàn, tiết kiệm

Thứ ba, 4/4/2023 | 10:37 GMT+7
Hiện nay đang vào mùa nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện của người dân cũng như các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp không ngừng tăng cao. Cùng với gia tăng về nhu cầu, nguy cơ tai nạn, sự cố điện cũng luôn hiện hữu.

Nhân viên Điện lực hướng dẫn khách hàng sử dụng điện an toàn, tiết kiệm. Ảnh: Công ty Điện lực Đồng Tháp

Vậy, ngành Điện tỉnh Đồng Tháp có khuyến cáo gì để sử dụng điện an toàn, tiết kiệm? Ông Lê Văn Chí – Phó Giám đốc Công ty Điện lực Đồng Tháp có chia sẻ về nội dung này.

Phóng viên: Thống kê về cháy nổ trong thời gian qua cho thấy phần lớn nguyên nhân có liên quan đến sử dụng điện bất cẩn, cụ thể là gì thưa ông? Biện pháp phòng ngừa ra sao?

Ông Lê Văn Chí: Có thể nói, nguy cơ cháy xuất phát từ điện do nhiều nguyên nhân, tuy nhiên có một số nguyên nhân chúng ta thường gặp như:

Một, cháy do dùng điện quá tải. Quá tải là hiện tượng dòng điện chạy trên dây dẫn cấp điện cho các thiết bị tiêu thụ (phụ tải) lớn hơn nhiều so với dòng điện định mức của dây dẫn và các thiết bị đóng cắt hoặc nguồn cấp, gây phát sinh nhiệt.

Biện pháp phòng ngừa đó là: Khi lắp đặt phải chọn tiết diện dây dẫn phù hợp với dòng điện của phụ tải. Khi sử dụng không được dùng nhiều dụng cụ tiêu thụ điện có công suất lớn vượt quá khả năng chịu tải của dây dẫn. Thường xuyên kiểm tra nhiệt độ của thiết bị tiêu thụ, điện, kiểm tra vỏ bọc, cách điện dây dẫn, nếu có hiện tượng quá tải thì phải khắc phục ngay. Phải sử dụng cầu dao điện, áptômat (hoặc CB), cầu chì, rơ le v.v. làm thiết bị đóng cắt và bảo vệ cho các thiết bị và mạch điện.

Hai, cháy do chập mạch điện. Chập mạch là hiện tượng các dây dẫn điện của các pha chập vào nhau, hoặc dây pha chạm trực tiếp qua các vật dụng (cây xanh, mái nhà…) tiếp xúc với đất làm giảm cách điện dây dẫn, cường độ dòng điện tăng lớn đột ngột dẫn tới cháy cách điện dây dẫn, phát sinh tia lửa điện gây cháy thiết bị điện.

Nguyên nhân gây chập mạch điện là do khi thi công lắp đặt điện ngoài trời, khoảng cách giữa các dây dẫn (dây trần không bọc cách điện) không đúng quy định dễ gây chạm chập hoặc khi cây đổ, ngã đè vào đường dây, giông gió mạnh gây rung lắc chạm chập; khi dây dẫn điện của các pha bị mất lớp vỏ bọc cách điện chập vào nhau; khi đấu nối đầu dây dẫn với nhau hay đấu vào máy móc thiết bị không đúng quy định; môi trường sản xuất có hoá chất ăn mòn, dẫn tới lớp vỏ bọc cách điện của dây dẫn dễ bị hư hỏng.

Để phòng ngừa, các dây dẫn điện trần đặt ngoài nhà phải được mắc cách xa nhau 0,25 m. Không sử dụng dây thép, đinh v.v. để buộc, giữ cố định dây dẫn điện. Các dây nối vào phích cắm, đui dèn, máy móc phải chắc, gọn, điện nối vào mạch ở 02 dầu dây pha và trung tính không được chồng lên nhau. 

Ba, cháy do mối nối dây không tốt (lỏng, hở). Khi mối nối dây dẫn không tốt làm điện trở dây dẫn tăng lên dẫn đến điểm nối nóng đỏ gây cháy dây dẫn và các vật cháy liền kề. Khi mối nối lỏng, hở sẽ có hiện tượng tia lửa điện, được phóng qua không khí (móc nối dây dẫn, đóng mở cầu dao, công tắc điện).

Do đó, để phòng ngừa cần vặn chặt các mối nối dây dẫn. Dùng băng dính, vật cách điện bọc mối nối dây dẫn. Không kéo quá căng dây điện và treo vật nặng lên dây dẫn. Không để ghỉ cầu dao, dây dẫn, cầu chì điện.

Bốn, cháy do tĩnh điện. Tĩnh điện phát sinh do ma sát giữa các vật cách điện với nhau, giữa vật cách điện với vật dẫn điện do va đập của các chất lỏng cách điện (xăng, dầu) khi bơm rót, hoặc va đập của các chất lỏng với kim loại hay khi nghiền nát các hạt nhỏ rắn cách điện.

Biện pháp phòng ngừa đó là tiếp đất cho các máy móc thiết bị, các bể chứa, bồn chứa, ống dẫn xăng dầu.

Năm, cháy do sự truyền nhiệt của vật tiêu thụ điện. Vật tiêu thụ điện trong thời gian sử dụng, hoạt động đều (sinh ra nhiệt) tỏa nhiệt. Nhiệt tỏa ra phụ thuộc vào tính chất môi trường, công suất và thời gian tiêu thụ. Nếu không được kiểm soát thì nguồn nhiệt này cũng có thể gây ra cháy.

Khuyến cáo không sử dụng bàn là, bếp điện v.v. khi không có người trông nom. Không dùng vật liệu cháy được để che chắn nơi có nguồn nhiệt. Không dùng bóng đèn điện để sấy quần áo hoặc ủ chăn sưởi ấm, các dụng cụ này phải để cách xa vật cháy tối thiểu 0,5 m.

Sáu, cháy do phóng điện sét. Những cơn mưa giông mùa hè thường ẩn chứa nhiều nguy cơ phóng điện sét (sét đánh) là hiện tượng xảy ra trong thiên nhiên có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người và gây cháy nổ thiết bị điện khi bị sét đánh trực tiếp, vì dòng điện do sét gây ra có giá trị rất lớn. Vì vậy nên làm thu lôi chống sét. Khi có giông sét chúng ta không đứng dưới cây cao, công trình cao không có thu lôi, không đứng trên đồi cao,  gò cao trên bãi trống.

Phóng viên: Ngành Điện có khuyến cáo gì để hạn chế thấp nhất tai nạn điện nói chung, thưa ông?

Ông Lê Văn Chí: Thời gian qua, tại các khu vực nông thôn, người dân tự thực hiện việc giăng mắc điện theo nhu cầu sử dụng, nhiều trường hợp gây mất an toàn. Trong đó, phần lớn các hộ dân chưa có kiến thức chuyên môn, lắp đặt thiết bị điện chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và an toàn theo quy định.

Nhiều trường hợp sử dụng dây dẫn có tiết diện nhỏ, kém chất lượng gây quá tải, tróc vỏ làm chạm, chập gây cháy nổ hoặc chạm vào các dây chằng kim loại, vách, mái nhà tôn gây tai nạn điện. Ngoài ra, dây dẫn điện còn giăng mắc lên cây xanh, để dưới đất, dưới nước hoặc giăng mắc lên các cây gỗ mục dễ xảy ra gãy, ngã đổ làm đứt dây dẫn điện gây tai nạn cũng là mối nguy hiểm luôn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn điện.

Để đảm bảo an toàn trong sản xuất nông nghiệp cũng như sử dụng điện tại hộ gia đình, chúng tôi khuyến cáo người dân khi kéo dây dẫn điện phía sau điện kế phải dùng dây dẫn có tiết diện phù hợp với công suất sử dụng, tối thiểu phải lớn hơn hoặc bằng 2.5 mm², dây có vỏ cách điện tốt, mối nối dây dẫn phải được quấn băng keo cách điện, dây dẫn phải đi trên sứ cách điện và mắc lên cột được trồng chắc chắn. Chọn mua và sử dụng các mô tơ điện có thương hiệu, chất lượng, nối đất an toàn vỏ mô tơ điện. Thường xuyên kiểm tra để phát hiện, sửa chữa kịp thời các mô tơ bị chạm điện ra vỏ; lắp đặt thêm cầu dao tự động chống điện giật (ELCB); phải cắt cầu dao hoặc CB (ngắt điện) khi sửa chữa dây dẫn hoặc mô tơ điện. Nối đất vỏ kim loại các thiết bị dùng điện trong nhà như: Mô tơ bơm nước, động cơ điện, tủ lạnh, máy giặt, bếp điện v.v. để đảm bảo an toàn. Nên thuê người có chuyên môn thực hiện việc kéo dây, lắp đặt các thiết bị điện để đảm bảo an toàn.

Không dùng điện để chống trộm cắp, bẫy chuột, rà cá v.v. gây nguy hiểm tính mạng con người; Không dựng an-ten, bảng hiệu, biển quảng cáo, xây dựng công trình, thả diều v.v., các hoạt động sản xuất kinh doanh khác gần đường dây điện cao áp hoặc dựng cao quá có thể chạm vào đường dây khi bị đổ ngã; Không đóng cắt cầu dao, công tắc điện, phích cắm khi còn tay ướt hoặc đang đi chân trần trên nền ẩm ướt, rất dễ bị điện giật; nên đặt cầu dao công tắc, ổ cắm điện ở vị trí cao hơn 1,5m để trẻ em không sờ tới được.

Phóng viên: Hiện nay, việc sử dụng mô tơ điện để bơm, tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp rất phổ biến. Vậy, sử dụng như thế nào để đảm bảo an toàn?

Ông Lê Văn Chí: Để đảm bảo an toàn trong việc sử dụng mô tơ điện để bơm, tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng như sử dụng mô tơ điện tại hộ gia đình, ngành Điện khuyến cáo người dân như sau:

Kéo dây đến mô tơ điện: Phải trồng trụ chắc chắn, thay dây phù hợp công suất và đi trên sứ cách điện có giá đỡ, không kéo dây chạm mái tôn và vật sắc nhọn làm tróc dây dẫn; quấn băng keo bịt kín các mối nối hở. Đóng tiếp đất mô tơ bơm nước, kể cả giàn sắt nối với mô tơ điện; không để mô tơ và dây dẫn chạm nước.

Táp lô điện và hộp đấu dây mô tơ được lắp chắc chắn, bịt kín băng keo cách điện, không thấm nước v.v. định kỳ được bảo trì, sửa chữa, thay thế các thiết bị đóng cắt và bảo vệ.

Phải ngắt nguồn điện đến mô tơ điện trước khi đổ nước mồi cho mô tơ bơm nước hoặc sửa chữa mô tơ. Lưu ý, kiểm tra bằng bút thử điện, chắc chắn rằng thiết bị đã được cắt điện hoàn toàn.

Khi vận hành thử mô tơ bơm nước phải lắp ráp ống nước trước, tránh để bắn xịt không định hướng làm ướt lõi điện gây chạm mạch.

Sau khi ngưng mùa vụ, trước khi vận hành phải kiểm tra tổng thể hệ thống bơm nước như: Đo cách điện mô tơ xem có chạm vỏ không, hệ thống tiếp đất mô tơ, tủ CB và hộp dấu dây, dây dẫn có bị chạm, chập hay chuột cắn tróc vỏ không v.v..

Phóng viên: Bên cạnh sử dụng điện an toàn, việc tiết kiệm điện cũng rất quan trọng. Vậy, cách thức tiết kiệm điện như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Văn Chí: Cách thức tiết kiệm điện đầu tiên đó là sử dụng đèn và các thiết bị điện hiệu suất cao (inverter); sử dụng thiết bị có nhãn năng lượng cao (có 05 cấp hiệu suất năng lượng thể hiện bằng số sao trên nhãn).

Tắt các thiết bị dùng điện không cần thiết (khi không sử dụng thiết bị điện lưu ý rút phích cắm, cắt nguồn đến thiết bị không để ngậm điện). Tận dụng tối đa ánh sáng ngoài trời và thông gió tự nhiên. Lắp rèm che các cửa kính để làm giảm hiệu ứng nhà kính.

Chỉ sử dụng điều hòa nhiệt độ khi thật cần thiết và cài đặt nhiệt độ từ 26 độ C trở lên.

Các thiết bị điện có công suất lớn như: Máy lạnh, máy nước nóng, bếp điện v.v. nên lựa chọn công suất phù hợp với số lượng người trong gia đình cần sử dụng.

Khi cần hỗ trợ về an toàn trong sử dụng điện, người dân có thể liên hệ Điện lực địa phương hoặc số điện thoại 19001006 – 19009000 Trung tâm chăm sóc khách hàng để được giải đáp, hướng dẫn.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Link gốc

 

Theo: Báo Đồng Tháp