Tư vấn sử dụng điện

PC Đồng Tháp cảnh báo tai nạn điện trong nhân dân do mô tơ

Thứ sáu, 31/3/2023 | 14:21 GMT+7
Ba tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp xảy ra bốn vụ tai nạn điện, làm ba người chết do sử dụng máy trộn bê tông dây bị tróc vỏ, mô tơ điện không nối đất và bất cẩn chạm đường dây trung thế.

Ông Nguyễn Chí Thanh - Phó giám đốc Công ty Điện lực Đồng Tháp. Ảnh: HD

Ngày 30-3, lãnh đạo Công ty Điện lực Đồng Tháp đã nêu báo động về tình hình tai nạn điện trong nhân nhân và đưa ra các giải pháp phòng ngừa. Theo ông Nguyễn Chí Thanh - Phó giám đốc Công ty Điện lực Đồng Tháp, trong năm 2022 trên địa bàn tỉnh xảy ra 25 vụ tai nạn điện, làm 23 người chết, ba người bị thương;

Các nguyên nhân dẫn đến tai nạn như: do mô tơ và thiết bị điện chạm vỏ không nối đất (9 vụ, 36%); Sửa điện và sử dụng điện trong nhà (6 vụ, 24%); Kéo dây sau điện kế không đảm bảo an toàn, dây chạm mái tole, dây tróc vỏ 5 vụ; Vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp; Sử dụng điện không đúng mục đích (rà cá).

Riêng trong 3 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh xảy ra bốn vụ tai nạn điện, làm ba người chết, một người bị thương nhẹ. Nguyên nhân do sử dụng máy trộn bê tông dây bị tróc vỏ dẫn đến điện giật (tại Lấp Vò, Tháp Mười); sử dụng mô tơ điện không nối đất và do bất cẩn, đưa thanh sắt hộp lên chạm vào đường dây trung thế.

“Nguyên nhân gây ra cháy nổ khi sử dụng điện (chiếm 70% tổng số vụ cháy). Nguyên nhân đầu tiên do bất cẩn trong sử dụng điện. Dễ thấy nhất là việc sử dụng máy hàn, máy cắt tạo hồ quang, tia lửa điện, không che chắn để hồ quang, tia lửa văng vào vật liệu dễ cháy gần đó dẫn đến cháy nổ.

Bên cạnh đó là việc khi sử dụng thiết bị điện tỏa nhiệt, phát nóng mà chúng ta đặt lên vật liệu dễ cháy quên rút điện điện. Thứ hai, xuất phát từ việc sử dụng điện quá tải (dây dẫn, thiết bị) sử dụng nhiều thiết bị có công suất lớn trong cùng 1 ổ cắm…” – Phó giám đốc Công ty Điện lực Đồng Tháp thông tin.

Để đảm bảo an toàn về điện, ông Thanh khuyến cáo người dân lắp thiết bị bảo vệ như: CB, Aptomat, ELCB (thiết bị chống giật)... Khi có chạm chập hay ngắn mạch ở phía phụ tải, thiết bị bảo vệ sẽ tự động cắt nguồn điện khi có sự cố ngắn mạch, chạm chập.

Đồng thời nối đất vỏ kim loại các thiết bị dùng điện trong nhà như: tủ lạnh, máy giặt, máy rửa chén, bếp điện, amply và đặc biệt và các thiết bị có sử dụng motour.

Bên cạnh đó, ông Thanh khuyến cáo các cá nhân không dùng điện để chống trộm, bẫy chuột, rà cá. Khi sửa chữa điện trong nhà phải cắt cầu dao. Thường xuyên kiểm tra đường dây điện trong nhà và dây kéo từ nhà đến nơi sử dụng (vườn, nhà kho, ...)…

Về phòng chống cháy nổ, ông Thanh cho biết, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã phối hợp với Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ ban hành sổ tay phòng cháy chữa cháy điện trong gia đình, trong cơ sở sản xuất kinh doanh và công sở để hướng dẫn cho người dân sử dụng điện và các giải pháp phòng tránh. Sổ tay này được đăng trên các trang web của Tập đoàn, Tổng Công ty và Công ty, ngoài ra còn gửi cho khách hàng sử dụng điện.

Các giải pháp phòng chống cháy nổ như: Lựa chọn dây dẫn, thiết bị đóng cắt, thiết bị bảo vệ phù hợp với công suất sử dụng, phù hợp với từng thiết bị điện sử dụng.

Lắp đặt thiết bị và dây dẫn theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật; dây điện phải luồn ống, mối nối phải siết chặt, quấn băng keo cách điện đầy đủ, chắn chắn. Đối với các thiết bị điện có mức độ toả nhiệt cao cần phải giám sát, theo dõi chặt chẽ, bố trí riêng ổ cắm cho từng thiết bị có công suất lớn.

Các đơn vị công sở cần tắt các thiết bị không cần thiết khi không sử dụng, cắt CB khi hết giờ làm việc.

Ngoài ra, việc bảo trì, bảo dưỡng hệ thống điện cũng rất cần thiết. Vì vậy khuyến cáo người dân thực hiện định kỳ việc kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống điện của mình nhằm phát hiện và khắc phục kịp thời những bất thường, những khiếm khuyết của thiết bị hoặc đường dây điện để loại bỏ nguy cơ gây ra cháy nổ.

Link gốc

 

Theo: PLO