Quản lý năng lượng

Kiểm tra công tác thực thi pháp luật về sử dụng năng lượng hiệu quả trên địa bàn tỉnh Hưng Yên

Thứ hai, 29/7/2024 | 10:13 GMT+7
Tiếp tục chương trình hiện kiểm tra công tác thực thi sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2024, vừa qua, Đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương, bao gồm đại diện Vụ tiết kiệm năng lượng & phát triển bền vững, Thanh tra Bộ và Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã làm việc với Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên và doanh nghiệp trên địa bàn. 

Quang cảnh buổi làm việc.

Hoạt động này nhằm kiểm tra, hướng dẫn địa phương và doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo. Đây được coi là giải pháp đảm bảo năng lượng, điện năng trong cả trước mắt và lâu dài.

Báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên cho thấy, việc thực hiện Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm & hiệu quả (SDNLTK&HQ) và Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn thời gian qua đã được thực hiện tương đối đầy đủ. 

Tính đến hết tháng 2/2024 trên địa bàn tỉnh đã có 83/96 đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm thực hiện kiểm toán năng lượng. 75/96 đơn vị người quản lý năng lượng đã được đào tạo cấp chứng chỉ người quản lý năng lượng. Việc thực hiện lập Kế hoạch hằng năm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được các đơn vị thực hiện thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu năng lượng trọng điểm www.dataenergy.vn. Sở cũng đã chủ trì, phối hợp với UBND các huyện và Công ty Điện lực Hưng Yên tổ chức kiểm tra tại 21 đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm, cơ sở sản xuất công nghiệp và 16 hộ gia đình có nhà cho sinh viên, người lao động thuê nhà để ở.

Qua rà soát trên địa bàn tỉnh có 03/5 đơn vị sản xuất các sản phẩm theo yêu cầu phải dán nhãn năng lượng (gồm Công ty CP chế tạo máy biến áp Miba, Công ty TNHH Điện lạnh Hòa Phát, Công ty TNHH MTV thép Hòa Phát, Công ty TNHH Điện tử Việt Nhật, Công ty TNHH Panasonic Appliances) thực hiện báo cáo. 

Việc thực hiện Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện cũng được các cơ quan, công sở, doanh nghiệp và hộ tiêu thụ điện tuân thủ. Đáng lưu ý, nhiều năm qua, các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh dịch vụ đã tích cực tham gia hưởng ứng Chiến dịch Giờ trái đất. Các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, dán nhãn năng lượng được người dân, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ưu tiên lắp đặt. Một số doanh nghiệp, hộ gia đình đã ứng dụng hệ thống pin năng lượng mặt trời mái nhà để phát điện. Đến nay trên địa bàn tỉnh Hưng Yên các tổ chức, cá nhân đã đầu tư xây dựng, lắp đặt được trên 56,7 MWp; xây dựng hệ thống hầm biogas để tận dụng chất thải chăn nuôi phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt của gia đình.

Các cơ sở sản xuất công nghiệp đều có ý thức đối với việc thực hiện tiết kiệm điện, về cơ bản các đơn vị được kiểm tra đều đã xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện việc tiết kiệm điện… Nhờ đó, trong năm 2023, các hộ sử dụng điện đã thực hiện tiết kiệm được 97,27 triệu kWh (trên tổng sản lượng điện thương phẩm của tỉnh Hưng Yên năm 2023 đạt gần 5,5 tỷ kWh, tương ứng đạt 1,77% sản lượng điện thương phẩm). Tỷ lệ này chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra tại Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ là phải tiết kiệm được 2% tổng sản lượng điện thương phẩm. 

Nguyên nhân được ông Nguyễn Công Điệp - Trưởng phòng quản lý điện năng, Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên, cho biết vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện như đa phần dây chuyền cũ, doanh nghiệp rất muốn thay đổi nhưng khó là vốn đầu tư rất lớn.

Tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định tại Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 và phấn đấu đạt được chỉ tiêu tiết kiệm 2% điện năng theo yêu cầu của Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo là khẳng định của cả cơ quan chức năng và doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên. Việc giảm tiêu hao năng lượng qua đó góp phần giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh sản phẩm trên thị trường nên được doanh nghiệp hết sức quan tâm. Vì thế, cùng với tuân thủ thực hiện kiểm toán 3 năm/lần theo đúng quy định của Luật, chuyển đổi năng lượng để giảm đốt than, lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời tại diện tích mái nhà xưởng, văn phòng… là các giải pháp được Công ty CP NPG Hưng Yên (doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng từ đất sét) đã và sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới. 

Ông Trịnh Thành Lâm - Quản đốc Phân xưởng Điện - Than của Công ty cho biết thêm: Kế hoạch công ty sẽ trang bị hệ thống quản lý và giám sát đo đếm cho từng công đoạn và khoán chi phí điện năng cho từng công đoạn; lắp đặt hệ thống tụ bù công suất phản kháng cho hệ thống máy mài - hệ thống máy hiện tại là cosphi xa trạm biến áp nên hệ số cosphi đo ở Trạm vẫn rất thấp (khoảng 0.67) nên cũng lên kế hoạch lắp đặt ngay chỗ dây chuyền mài thì cũng giảm được tổn thất đường dây do hệ thống cosphi thấp…

Qua kiểm tra, làm việc với doanh nghiệp và cơ quan quản lý về công tác thực thi sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công Thương đánh giá cao ý thức sử dụng TKNL của các hộ tiêu dùng. Đồng thời, đề nghị cơ quan chức năng địa phương thực hiện tốt hơn trách nhiệm quản lý nhà nước trên địa bàn, xây dựng cụ thể, khoa học các kế hoạch và có cơ chế để triển khai thực hiện các kế hoạch. 

"Nếu kế hoạch chỉ nhắc lại yêu cầu, mục tiêu và các giải pháp được đề ra trong Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì tôi cho rằng sẽ khó thực hiện. Tôi lấy ví dụ như các chỉ tiêu đến năm 2025 là 100% các hệ thống chiếu sáng giao thông công cộng là phải lắp đặt đèn Led. Muốn thực hiện kế hoạch này thì rõ ràng là Sở Công thương không có công cụ, chúng ta phải đưa vào kế hoạch của UBND tỉnh phê duyệt, và có cơ chế và có nguồn lực để thực hiện. Kể cả về kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng như vậy, chỉ tiêu thì trong quyết định 280/QĐ-TTg Thủ tướng nêu rất rõ, và chỉ tiêu rất tham vọng - ngay về định mức tiêu thụ năng lượng thôi thì là từng ngành trọng điểm như dệt may thì giảm bao nhiêu %, xi măng, sắt thép thì giảm bao nhiêu %... để giảm như thế được thì chúng ta phải có cơ chế để thực hiện".

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng đối với bản thân các hộ tiêu dùng năng lượng cũng như phát triển kinh tế xã hội, góp phần giảm phát thải ra môi trường, Đoàn Kiểm tra của Bộ Công Thương, khuyến nghị doanh nghiệp - cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm nên áp dụng mô hình quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001; Thực hiện nghiêm việc kiểm toán và tuân thủ báo cáo kiểm toán theo đúng quy định của Luật; Đồng thời, yêu cầu các cơ quan liên quan “lấy uy tín, thương hiệu “doanh nghiệp xanh” làm trọng tâm trong tuyên truyền việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của doanh nghiệp”.

Nguyên Long