Đoàn kiểm tra việc ghi chỉ số, lập hoá đơn tại Thừa Thiên Huế. Ảnh: Thuỳ Trang
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đại Phúc – Phó Giám đốc PC Thừa Thiên Huế cho biết, đến nay hơn 90% công tơ bán điện tử cho khách hàng là công tơ điện tử (CTĐT) tích hợp chức năng đọc chỉ số từ xa, có 7/10 điện lực đã thay thế toàn bộ CTĐT và triển khai các hệ thống đọc chỉ số CTĐT từ xa, 3 đơn vị còn lại tỷ lệ CTĐT cũng đạt trên 75% tổng số công tơ.
Đơn vị có 3 hình thức ghi chỉ số điện là tự động từ xa qua hệ thống thu thập dữ liệu từ xa, trực tiếp tại hiện trường với CTĐT và trực tiếp tại hiện trường công tơ cơ khí qua ứng dụng trên máy tính bảng.
Đặc biệt, xác định các tháng mùa hè, nắng nóng là thời gian mà hoá đơn tiền điện các hộ dân, khách hàng biến động tăng nhiều nhất và có thể liên tục các tháng, PC Thừa Thiên Huế đã thực hiện phúc tra 100% khách hàng có sản lượng tăng 1,3 lần (hay 130%) so với tháng liền kề.
Đoàn kiểm tra trao đổi thông tin về việc sử dụng điện, ghi chỉ số điện với người dân tại TP Huế. Ảnh: Thuỳ Trang
Bên cạnh đó, từ ngày 25.6, đơn vị đã gửi tin nhắn sms với nội dung khuyến cáo sử dụng điện tăng cao trong mùa nắng nóng, kèm thông tin tiếp nhận, giải đáp thắc mắc khách hàng qua tổng đài và Facebook đến 77.221 khách hàng có sản lượng điện tăng 1,3 lần trong tháng 6 so với tháng 5.
Về công tác tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị của khách hàng, PC Thừa Thiên Huế cho biết từ tháng 3 đến tháng 6.2020, công ty tiếp nhận 650 kiến nghị liên quan hoá đơn tiền điện, tăng 167% so với cùng kỳ.
Ông Phúc cho biết: “Tính riêng tháng 6.2020 là 377 trưởng hợp, tăng xấp xỉ 5 lần so cùng kỳ, tăng 4 lần so với tháng trước đó. Tuy nhiên, tất cả các kiến nghị, phản ánh của người dân, khách hàng đều được công ty tiếp nhận, giải quyết thoả đáng trong vòng 24 giờ, bất kể ngày nghỉ”.
Trao đổi tại buổi làm việc, ông Phan Lê Hùng – Phòng Giá điện và phí, Cục Điều tiết Điện lực Bộ Công thương đánh giá cao công tác ghi chỉ số, thông báo với khách hàng trong trường hợp sản lượng điện tăng cao bất thường của PC Thừa Thiên Huế. “Điều này sẽ tạo cơ hội cho điện lực lẫn khách hàng có thể kiểm tra kỹ lưỡng sản lượng điện tiêu thụ, các chỉ số có chính xác hay không. Từ đó, chúng ta sẽ tránh được những sơ suất trong những bước tiếp theo, đồng thời giúp khách hàng hiểu rõ sản lượng điện năng”.
Cùng ngày, đoàn kiểm tra gồm Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, Cục Điều tiết Điện lực của Bộ Công Thương), Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng của Viện Đo lường Việt Nam sẽ đi thực nghiệm hiện trường việc ghi chỉ số điện, đồng thời lựa chọn ngẫu nhiên để gặp gỡ, trao đổi với 3 khách hàng của PC Thừa Thiên Huế để nắm bắt tình hình cung cấp điện của đơn vị thời gian qua.