Tình trạng thả diều gần đường dây điện của người dân còn rất nhiều.
Hôm nay khi giao nhận ca, anh Nguyễn Văn Hùng (Trực ca TBA 110kV Kỳ Anh) cũng đã được bàn giao sơ đồ kết dây hiện tại với MC (Máy cắt) 378 đang cắt. Từ khi trạm biến áp 110kV đưa vào bán người trực, công việc của những người trực ca như anh đỡ vất vả hơn khi mọi thao tác xử lý từ xa trên máy tính, tuy nhiên việc đóng cắt tiếp địa hay kiểm tra, giám sát đóng cắt thiết bị vẫn do những người trực ca tại trạm thực hiện.
Quen thuộc với công việc thao tác hàng ngày, anh Hùng cùng đồng nghiệp nhắc nhau thao tác an toàn nhanh chóng trả lưới đúng giờ. Nhưng đến bước thao tác: “Đóng MC 378, kiểm tra đóng tốt 3 pha”. Bỗng .. Tạch - Rầm... Máy cắt nhảy liền tay (vừa đóng đã nhảy ngay). Mặc dù trước khi ra lệnh thao tác, điều độ viên đã khẳng định các phiếu công tác đã khóa, các tiếp địa do động đã rút hết. Đường dây 378 cắt điện làm biện pháp an toàn để công nhân sửa chữa giờ mới xong. Máy cắt vừa đóng đã nhảy thế này liệu: Đường dây vẫn chưa xử lý xong? Hay nguy hiểm hơn còn có người trên dây dẫn? Anh Hùng điện thoại báo cáo tình hình với người ra lệnh. Một cảm giác bất an, vụ tai nạn năm xưa còn ám ảnh: Cũng sửa chữa trên lưới, đã trả lưới rồi mà vẫn có người trèo lên kiểm tra lại, MC nhảy liền tay và tai nạn đã xảy ra.
30 phút sau, điều độ tiếp tục ra lệnh thao tác: “Đóng MC 378”. Lại: Tạch- Rầm. Anh Hùng báo lại với điều độ: MC nhảy liền tay! Chỉ nghe thấy tiếng nói vọng trong điện thoại: Vô lý nhỉ - Trực ca kiểm tra lại sơ bộ MC xem!
Đường dây 378 dài, cấp điện lên vùng núi với cung đường ghồ ghề. Sáng nay, từ tờ mờ sáng, một đội đã ra quân ngược núi trèo lên cột để sửa chữa, theo kế hoạch 11 giờ trưa trả lưới. Thế nhưng lần thứ ba trả lưới cũng không thành công, mọi người vẫn chưa tìm ra sự cố. Nghi án đổ sang thiết bị? Chuông điện thoại lại reo “Trực ca cắt Dao cách ly (DCL), đóng thử nghiệm MC xem MC có đóng cắt tốt không?”. Có lẽ áp lực trả lưới đúng giờ, kịp thời cấp điện cho dân trở nên cấp thiết, mọi phân cấp từ trạm Trung tâm điều khiển, đến trạm biến áp cùng chung một mục đích duy nhất khôi phục điện sớm cho khách hàng. Anh Hùng nhận lệnh chạy đi thao tác. Máy cắt đóng thử tốt báo điều độ rõ, khẳng định lần nữa chứng tỏ sự cố ngoài lưới.
14 giờ chiều, mặt trời vẫn chói chang, nắng như đổ lửa. Những công nhân điện ngoài lưới vẫn chạy phơi nắng cả trưa theo tuyến đường dây điện để tìm sự cố. Đường dây lúc sáng mới sửa chữa, vậy sự cố ở đâu? Chỉ thương anh em làm từ khi sáng sớm, mới leo xuống cột xong, mồ hôi chưa kịp ráo lại “tay xách nách mang” đồ nghề đi từng cột điện, đường dây để tìm sự cố.
Hơn 15 giờ, sau khi kiểm tra gần hết các tuyến mới tìm ra nguyên nhân. Thì ra, khi các chú thợ điện vừa đến kiểm tra, xử lý xong điểm sự cố; một anh nông dân nghe thông báo cắt điện đã đi chặt cây rồi vô tình để cây đổ nhằm dây dẫn, vì sợ liên lụy nên anh không báo mà... bỏ chạy. Làm khổ công nhân điện lực giữa trưa phải dò từng điểm một. Nghĩ vừa đáng thương vừa đáng giận, bữa cơm trưa của các chú thợ điện ngoài tuyến ấy cũng phải bắt đầu lúc 4 giờ chiều.
Có lẽ vậy, sự cố đã tìm ra mà vẫn thật buồn, đâu chỉ do khách quan mưa bão mà còn là thiếu hiểu biết, ý thức của người dân. Đã gần 20 năm gắn bó công việc của người trực vận hành, anh Nguyễn Văn Hùng đã chứng kiến nhiều trường hợp tương tự như vậy. Cùng với tình trạng thả diều ở gần đường dây điện gây nên sự cố mất điện diện rộng thì vi phạm hành lang an toàn lưới điện của người dân vẫn còn rất nhiều. Mặc dù ngành điện đã tuyên truyền và khuyến cáo nhiều về những nguy hiểm và tác hại của việc vi phạm hành lang an toàn lưới điện, tuy nhiên đó vẫn còn là bài toán “nan giải” khó giải quyết triệt để.