Tổng công ty đang triển khai hệ thống điện mặt trời nối lưới cho 4 đơn vị: Trường ĐH Tôn Đức Thắng, nhà máy của Công ty Huynh Đệ Anh Khoa (Củ Chi), UBND Q.12 và Đài tiếng nói nhân dân Tp. Hồ Chí Minh theo mô hình công ty dịch vụ năng lượng (ESCO) đầu tư trước, trả tiền sau.
Chi phí đầu tư điện mặt trời khoảng từ 22-30 triệu đồng/kWp. Nếu một hộ gia đình sử dụng khoảng 500 kWh/tháng tức khoảng 1 triệu đồng tiền điện/tháng (chưa thuế) thì phải đầu tư hệ thống điện mặt trời với công suất khoảng 4kWp, tức với chi phí từ 88-120 triệu đồng.
Theo EVN HCMC, giá điện của các dự án điện mặt trời thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Đơn giá là 2.086 đồng/kWh (chưa gồm VAT).
Đối với các dự án nối lưới, ngành điện sẽ có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án. Chi phí mua điện được tính và chi trả cho nhà đầu tư hàng tháng.
Đối với các dự án trên mái nhà thì thực hiện theo cơ chế bù trừ điện năng, sử dụng công tơ hai chiều.
Cụ thể, trong một chu kỳ thanh toán, lượng điện phát ra từ các dự án trên mái nhà lớn hơn lượng điện tiêu thụ sẽ được chuyển sang chu kỳ thanh toán kế tiếp. Lượng điện phát dư sẽ được bán cho ngành điện khi kết thúc năm hoặc khi kết thúc hợp đồng mua bán điện.
Quy trình thực hiện nối lưới các công trình điện mặt trời áp mái như sau: khách hàng đăng ký với ngành điện về việc nối lưới hệ thống mặt trời áp mái. Công ty điện lực sẽ ghi nhận các thông tin chính như: công suất lắp đặt dự kiến, thông số kỹ thuật của tấm pin quang điện, thông số của bộ biến đổi xoay chiều và thu thập các tài liệu kỹ thuật liên quan…Tổ chức kiểm tra, thử nghiệm các yêu cầu kỹ thuật hệ thống điện mặt trời nối lưới hạ thế. Chi phí kiểm tra, thử nghiệm do ngành điện chịu trách nhiệm.
Nếu việc khảo sát thực tế đạt yêu cầu, ngành điện sẽ lắp đặt điện kế 2 chiều, đồng thời lập biên bản thỏa thuận với khách hàng. Nếu không đạt, khách hàng sẽ phải bổ sung nội dung còn thiếu.
Khi khách hàng bổ sung đầy đủ thì ngành điện tổ chức kiểm tra lại. Hàng tháng, ngành điện sẽ ghi chỉ số điện mặt trời phát ra và quyết toán chi phí mua điện với khách hàng.
Thống kê ban đầu của Điện lực TP HCM cho thấy, số lượng khách hàng lắp đặt hệ thống điện mặt trời nối lưới ngày càng tăng. Tính đến nay, đã có 105 khách hàng tại TP HCM đăng ký để bán lại phần điện dư cho ngành điện.
Nếu người dân muốn lắp đặt được hệ thống điện mặt trời với công suất khoảng 4kWp thì cần có khoảng trần phẳng khoảng 32 m2 (8m2/kWp) để hấp thụ ánh nắng mặt trời.
Đến nay, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời trên địa bàn TP HCM ước đạt khoảng 4 MWp, trong đó có 3,7 MWp nối lưới.