Khói thải từ một nhà máy của Công ty Điện lực Duke Energy ở bang Bắc Carolina - Mỹ.
Cụ thể, theo báo cáo được Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố hôm 26-3, lượng khí thải CO2 sản sinh từ quá trình sản xuất năng lượng đã đạt mức 33,1 triệu tấn năm ngoái, tức tăng 1,7% so với mức năm 2017 và là mức tăng cao nhất kể từ năm 2013. Theo IEA, sản xuất điện "đóng góp" gần hai phần ba mức tăng này.
Đảo ngược xu hướng giảm của một năm trước đó, lượng CO2 của Mỹ tăng 3,1% trong năm 2018, trong khi tỉ lệ này ở Trung Quốc và Ấn Độ lần lượt là 2,5% và 4,5%. Ở chiều ngược lại, lượng CO2 của châu Âu giảm 1,3% trong khi Nhật Bản duy trì đà giảm liên tục đạt được trong 4 năm trước đó.
2018 cũng là năm đầu tiên IEA đánh giá tác động của nhiên liệu hóa thạch đối với sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Tổ chức này nhận thấy kể từ thời tiền công nghiệp, lượng CO2 thải ra từ việc tiêu thụ than chịu trách nhiệm cho 0,3 độ C trong mỗi mức tăng 1 độ C.
Cũng theo IEA, nhu cầu năng lượng toàn cầu trong năm 2018 đã tăng thêm 2,3% - gần gấp đôi mức tăng trung bình kể từ năm 2010. Các lý do được đưa ra là kinh tế toàn cầu phát triển mạnh mẽ, nhu cầu sưởi ấm và làm mát gia tăng ở một số khu vực trên thế giới. Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ chiếm gần 70% mức tăng này.
Trong cùng giai đoạn 2017-2018, lượng than tiêu thụ toàn cầu tăng thêm 0,7%, phần lớn đến từ các quốc gia châu Á. Đây cũng là nhiên liệu thải CO2 mạnh nhất. Nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo cũng tăng thêm 4%, song chúng cần được đưa vào sử dụng nhanh chóng và rộng rãi hơn nhiều nếu muốn đạt được các mục tiêu khí hậu dài hạn, IEA nhấn mạnh.
"Mặc dù nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo tăng mạnh, lượng khí thải toàn cầu cũng đang tăng theo. Điều này buộc chúng ta phải thực hiện nhiều hơn nữa các hành động khẩn trên mọi mặt trận" - Giám đốc điều hành (CEO) của IEA, ông Fatih Birol, nhận định.
Theo: Người lao động