Một nhà máy sản xuất mía đường ở Mauritius
Cách làm này vừa tận dụng được nguyên liệu giá rẻ, vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Mauritius là một đảo quốc nhỏ bé ở châu Phi, thuộc phía Tây Nam Ấn Độ Dương. Do không có nguồn than, nhiều năm qua, Mauritius đã phải nhập than để sản xuất điện. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp lâu dài vì các loại nhiên liệu hóa thạch ngày càng khan hiếm và đắt đỏ.
Vì vậy, Mauritius đã nghiên cứu nhiều giải pháp sản xuất điện, trong đó, ưu tiên các nguồn năng lượng tái tạo như thủy điện, điện gió, điện mặt trời… Bên cạnh đó, từ năm 1995 đến nay, quốc đảo này đã nghiên cứu và sản xuất điện từ một nguồn rất đặc biệt là bã mía (bagasse).
Mía vốn là cây công nghiệp chủ lực ở Mauritius. Mỗi năm, nước này thu hoạch khoảng 900.000 tấn mía, làm nguyên liệu cho 4 nhà máy sản xuất đường, mật. Phần bã mía thải ra được tận dụng làm nhiên liệu sản xuất điện.
Hiện tại, điện sản xuất từ bã mía ở Mauritius chiếm khoảng 14% tổng sản lượng điện của cả nước (khoảng 358,6 triệu kWh/năm). Nguyên liệu bã mía gồm 60% được cung cấp từ các nhà máy mía đường trong nước, còn lại 40% phải nhập khẩu.
Quá trình sản xuất điện từ bã mía không quá phức tạp. Sau khi được ép kiệt nước, bã mía được sấy khô và cho vào lò đốt, tạo thành nhiệt năng chạy tuabin phát điện. Tro, xỉ từ lò đốt có hàm lượng cacbon cao được tận dụng để sản xuất phân bón vi sinh, phục vụ nông nghiệp, cải tạo đất. Trong khi đó, khí carbon dioxide (CO2) phát sinh trong quá trình đốt bã mía được thu giữ lại, tạo thành gas sử dụng trong ngành chế biến các loại đồ uống có gas.
Những năm gần đây, Mauritius cũng rất chú trọng phát triển năng lượng tái tạo. Quốc đảo này đặt mục tiêu các nguồn tái tạo sẽ đóng góp 35% tổng sản lượng năng lượng toàn quốc vào năm 2035. Tuy nhiên, phát triển năng lượng tái tạo là quá trình lâu dài nên song song với phương thức đó, Mauritius vẫn ưu tiên sản xuất điện từ bã mía để hạn chế tối đa sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong ngành Điện.
Theo: TKNL