Kỹ sư Nguyễn Anh Tuấn.
Tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng năm 2012 với tấm bằng loại giỏi, Nguyễn Anh Tuấn được tiếp nhận về công tác chính nơi mà bố mình đang công tác đó là Đội sửa chữa, thí nghiệm - Công ty Truyền tải điện 2 (PTC2) nay là Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật 2 (TTDVKT2), Công ty Dịch vụ kỹ thuật truyền tải điện (NPTS).
Khi bắt tay vào công việc, Tuấn luôn tuân thủ các nội qui, qui định của Đơn vị, chịu khó tìm hiểu, học tập, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp. Qua quá trình phấn đấu cộng với kiến thức tiếng Anh vững vàng, Tuấn được cử đi đào tạo các khóa trong và ngoài nước về Rơ le, Hệ thống tích hợp. Anh Tuấn đã tham gia cấu hình, mở rộng hệ thống điều khiển máy tính cùng với nhóm chuyên gia của NPTS, Tuấn luôn là người chủ lực trong việc cấu hình, cài đặt và thí nghiệm các loại Rơ le bảo vệ ( SEL, Simens, ABB,Toshiba, Micom,Schneider,Nari …) trong đơn vị.
Trong công việc, Anh Tuấn luôn tôn trọng mọi người, luôn lắng nghe và chịu khó học tập, nghiên cứu, vì vậy Anh Tuấn luôn luôn được bạn bè, đồng nghiệp yêu mến, lãnh đạo đơn vị tin tưởng. Tuấn luôn say sưa tìm hiểu, nghiên cứu nắm bắt thật chi tiết từng nguyên lý, thiết bị trong hệ thống truyền tải điện, đặc biệt là chuyên sâu về rơ le và hệ thống tích hợp. Trong công tác sửa chữa, xử lý sự cố Tuấn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Có những ca phức tạp, thời gian xử lý vào ban đêm nhưng với lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm cao, Tuấn đã thâu đêm tìm hiểu, phân tích và đưa ra những giải pháp xử lý rất khoa học, mang lại kết quả tốt được mọi người tin yêu. Trong quá trình công tác Anh Tuấn tiếp tục vừa làm vừa học tập nghiên cứu và đã bảo vệ thành công luận án Thạc sỹ chuyên ngành tự động hóa tại Trường Đại học Bách Khoa Đà nẵng.
Hưởng ứng phong trào "ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất ” của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), Kỹ sư Nguyễn Anh Tuấn đã tích cực say mê nghiên cứu và có nhiều đề tài sáng kiến được ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn. Nội bật trong số đó là đề tài “Giải pháp thay thế máy tính kỹ sư (Engineering) để phù hợp vận hành với hệ thống hiện hữu tại trạm biến áp 500kV Dốc Sỏi”; “Giải pháp nâng cấp Firmware rơ le điều áp REG-DA để thực hiện điều áp song song MBA 220kV TBA 220kV Đông Hà”; “Giải pháp xử lý chức năng 50BF của rơle bảo vệ so lệch ngăn 271, 272, 273, 274 tại trạm biến áp 500kV Thạnh Mỹ”…
Khi chưa có “Giải pháp nâng cấp Firmware rơle điều áp REG-DA để thực hiện điều áp song song MBA 220kV TBA 220kV Đông Hà”: 2 MBA AT1 và AT2 không thể thực hiện điều áp song song được do rơle điều áp của chúng không cùng fimware (rơle REG-DA MBA AT1 có fimware 2.23, rơle REG-DA MBA AT2 có fimware 2.17). Do đó không đáp ứng được yêu cầu vận hành ở chế độ không người trực tại TBA 220kV Đông Hà. Sau khi thực hiện giải pháp, hai MBA AT1 và AT2 đã thực hiện được chức năng điều áp song song, đáp ứng được yêu cầu vận hành ở chế độ không người trực, đồng thời đem lại hiệu quả kinh tế khi không phải đầu tư thay thế rơle mới, và đảm bảo thời gian để đóng điện công trình “Lắp MBA thứ 2 TBA 220kV Đông Hà” theo đúng tiến độ của EVNNPT.
Khi chưa có “Giải pháp xử lý chức năng 50BF của rơle bảo vệ so lệch ngăn 271, 272, 273, 274 tại trạm biến áp 500kV Thạnh Mỹ”: Chức năng 50BF của các rơle bảo vệ so lệch này (loại SEL 311L) được cấu hình khởi tạo từ lệnh cắt chung của các chức năng bảo vệ khác và lấy ngưỡng dòng 3 pha làm ngưỡng giá trị tác động, không phân biệt được bảo vệ 50BF 1 pha và 50BF 3 pha, dẫn đến rơle SEL 311L làm việc không chính xác, cụ thể: khi có sự cố so lệch đường dây (F87L) 1 pha thì chức năng F87L của rơle SEL 311L tác động đi cắt máy cắt ở pha bị sự cố, sự cố tại pha đó sẽ được cô lập, tuy nhiên nếu dòng tải ở 02 pha còn lại lớn hơn dòng khởi tạo 50BF thì rơle SEL 311L vẫn phát lệnh bảo vệ 50BF, dẫn đến khoá chức năng đóng lặp lại (F79), làm cho máy cắt đường dây không đóng lại được. Sau khi thực hiện giải pháp, chức năng 50BF của rơle bảo vệ so lệch tại các ngăn xuất tuyến 271, 272, 273, 274 làm việc đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo an toàn và tin cậy khi có sự cố một pha trên lưới. (bằng cách cấu hình bổ sung 03 tín hiệu khởi tạo 50BF 1 pha (A, B, C) và 01 tín hiệu khởi tạo 50BF 3 pha từ rơle bảo vệ so lệch SEL 311L gởi đến rơle bảo vệ khoảng cách SEL 421)/
Là người có tinh thần trách nhiệm, Tuấn luôn là người tiên phong trong trong công việc. Nhiều đồng nghiệp được Tuấn tận tâm hướng dẫn, giúp đỡ đã trở thành những người lao động giỏi trong dây chuyền sản xuất của đơn vị.
Nhận xét về Nguyễn Anh Tuấn, nhiều lãnh đạo và đồng nghiệp đều cho rằng Tuấn là kỹ sư trẻ, có nhiều tài năng, đã đóng góp rất lớn vào sự thành công của đơn vị trong thời gian qua và là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ của đơn vị nói riêng và của ngành nói chung về tinh thần chịu khó học tập nghiên cứu và vươn lên trong công việc. Mặc dù mới 32 tuổi, có 7 năm kinh nghiệm công tác, Tuấn luôn say mê với công việc, luôn có tinh thần vượt khó để vươn lên, không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, luôn tận tâm với công việc, có trách nhiệm khi nhận nhiệm vụ được giao; luôn ứng dụng khoa học, công nghệ vào trong thực tiễn sản xuất góp phần nâng tầm vị thế của Ngành trong lĩnh vực Truyền tải.
Khi được hỏi về những những động lực để thôi thúc Tuấn thực hiện nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc như vậy ? Tuấn chỉ giản dị trả lời: Đó là hình ảnh người cha trước khi Tuấn bước vào ngành và những chuẩn mực đạo đức của người lính truyền tải điện hàng ngày Tuấn soi vào đó để thực hiện.
Sau 7 năm công tác, miệt mài, không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Ghi nhận sự đóng góp, cống hiến của Nguyễn Anh Tuấn Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật 2 đang đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam xem xét tặng bằng khen vì những đóng góp cho ngành trong thời gian qua. Với những phấn đấu và đóng góp, Nguyễn Anh Tuấn xứng đáng là tấm gương sáng, kỹ sư mẫu mực, giỏi về chuyên môn, tốt về đạo đức, cống hiến hết mình vì dòng điện thân yêu của Tổ quốc.