Ký ức Covid-19 khó quên của những nữ truyền tải điện

Thứ ba, 23/11/2021 | 14:15 GMT+7
Tâm sự của những nữ nhân viên TBA 500kV Đông Anh (Truyền tải điện Hà Nội, thuộc PTC1) trong những ngày tháng giãn cách cho thấy được sự vượt khó, nỗ lực cống hiến tuổi thanh xuân. 
Với ngành điện, những nữ công nhân truyền tải khẳng định bản lĩnh vượt khó trong giãn cách. Ảnh: Khắc Kiên 
 
Đó là “ký ức Covid-19 khó quên” với những người làm truyền tải, cách ly không phải vì nhiễm bệnh, mà là cách ly tại nơi làm việc… để hoàn thành nhiệm vụ trong nỗi nhớ nhung gia đình.
 
Đau đáu nhớ con không quên nhiệm vụ
 
Mở đầu câu chuyện với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị là hàng loạt câu nói cứa ruột gan: “Con xa bố, xa mẹ là một điều vô cùng thiệt thòi. Có những tối con nhớ bố mẹ nói ông bà gọi điện giọng phụng phịu: Bố mẹ không nhớ con à, không thấy gọi điện cho con? Con nhớ bố, con nhớ mẹ lắm!...”.
 
Không gian thoáng chút trầm lắng khi ký ức của công nhân TBA 500kV Đông Anh Nguyễn Thị Thỏa vẫn còn hiển hiện rất rõ trong tháng ngày trực cách ly tập trung tại trạm trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư. Đó là cảm giác da diết nhớ thương con. Là nỗi buồn lo khắc khoải khó giãi bày… Ban ngày, khi công việc bận rộn cuốn đi, chị dốc mình để hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng ban đêm, trong không gian tĩnh lặng của trạm, bao nhiêu cảm xúc cứ ùa về. Rất nhiều đêm chị đã mất ngủ.
 
Chị Nguyễn Thị Thỏa tâm sự: ''Nhiều khi nhớ mẹ, bé hay nói những câu như: Mẹ không yêu con nữa à? Mẹ không về đón con? Thật sự cảm giác của tôi lúc ấy rất buồn. Mỗi lần giãn ca, về phòng cảm giác rất buồn, nhiều khi nhớ con nhưng không thể làm gì được, chỉ gọi điện về hỏi con có khỏe không, có ăn tốt không?''. Song vượt lên tất cả, chị Thỏa nén nỗi nhớ mong con và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ với mong muốn dịch bệnh sớm được khống chế để quay lại cuộc sống bình thường mới.
 
Cùng nỗi niềm như chị Thỏa, rất nhiều chị em khác đã phải gác lại nỗi nhớ gia đình để trực cách ly nhằm hoàn thành nhiệm vụ trong đại dịch. 5 năm là công nhân trực vận hành trạm biến áp, chị Lê Thị Thu Giang (Hiệp Hòa, Bắc Giang) đã nhiều lần tham gia trực, nhưng lần trực cách ly này hết sức đặc biệt.
 
Chị Giang bồi hồi nhớ lại: “Tôi có một bé lớn 3 tuổi, do Covid-19 nên hai vợ chồng không về nhà phải gửi bà nội trông. Bà nội cũng có nhiều công việc nhưng vì hoàn cảnh vẫn cố gắng để chăm cháu tốt nhất cho hai vợ chồng yên tâm công tác. Chỉ khổ các con xa bố mẹ là một điều vô cùng thiệt thòi”.
 
Tiếp mạch câu chuyện, Giang tâm sự, giai đoạn giãn cách, do nhiệm vụ nên chồng công tác trong lực lượng vũ trang cũng đang phải trực cách ly. Đứa thứ 2 ở luôn với mẹ tại cơ quan. Rất may các đồng nghiệp nữ tại đây, cũng như lãnh đạo TBA 500kV Đông Anh luôn quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ để chị chăm sóc con và hoàn thành công việc được giao.
Chị Giang vui chơi với con và tranh thủ gọi điện qua zalo để bố con gặp nhau. Ảnh: Khắc Kiên
 
Câu chuyện của các nữ công nhân truyền tải, gia đình mỗi người một nơi, hoặc mẹ con ở tại trạm nhiều khi cả nhà nhớ nhau nhưng cũng chỉ nói chuyện qua zalo… Sau gần 2 tháng trực cách ly tại trạm trong đợt dịch bùng phát lần thứ tư, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, những nữ công nhân trạm biến áp 500kV Đông Anh đã trải nghiệm “đủ đầy” cung bậc cảm xúc vui – buồn, cũng như những khó khăn, vất vả, rồi khẳng định nghị lực, sự nỗ lực để thực hiện tốt nhiệm vụ. Dù là phụ nữ “chân yếu tay mềm”, họ thường xuyên phải gác lại niềm vui sum họp gia đình, “nhường” phần chăm sóc con cái, nội trợ cho bố mẹ.
 
Trên cung đường tác nghiệp, chúng tôi qua nhà bố mẹ đẻ chị Nguyễn Thị Hằng (huyện Đông Anh), công nhân TBA 500kV Đông Anh khi đang có 2 con nhỏ gửi gắm lại “hậu phương” để thực hiện nhiệm vụ. Ông Lê Ngọc Đức cùng vợ vừa chơi với cháu ngoại vừa chia sẻ, do đại dịch Covid-19 bùng phát, Hằng làm việc tại TBA 500kV Đông Anh, chồng làm tại chi nhánh điện chợ hoa Mê Linh, do đặc thù công việc có gửi 2 con ở gia đình, vợ chồng ông cũng cố gắng chăm sóc 2 cháu để vợ chồng Hằng yên tâm, ổn định công tác.
 
Đảm bảo dòng điện sáng
 
Thấu hiểu những khó khăn vất vả của người lao động ngành điện, nhất là các nữ truyền tải, Phó Trưởng TBA 500 kV Đông Anh Phạm Ngọc Huy cho biết, đơn vị cố gắng tạo điều kiện trong đời sống cũng như trong công việc để hỗ trợ phần nào cho chị em. Trạm cũng bố trí sắp xếp cho chị em có nơi ở thuận tiện và thoải mái nhất. Đối với chị em phụ nữ có con nhỏ trạm cũng tạo điều kiện phân chia các kíp đi trực, để tạo điều kiện cho mọi người hỗ trợ nhau trong công việc.
 
Dịch bệnh đã từng bước được khống chế và cuộc sống đang dần trở lại nhịp điệu “bình thường mới”. Đó là kết quả của sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực lớn từ chính quyền các cấp, các ngành, tập thể, cá nhân. Trong đó, có đóng góp thầm lặng của những người làm điện. Đặc biệt, với chị Thỏa, chị Giang, và rất nhiều chị em khác trong EVN, tuy là “phái yếu” nhưng không hề yếu mềm. Họ đã, đang cùng góp sức mình cho chung tay đẩy lùi dịch bệnh và đảm bảo dòng điện sáng.
 
Giai đoạn giãn cách, trạm cũng cố gắng hỗ trợ và tạo điều kiện cho các chị em đang nuôi con nhỏ, phân chia các kíp trực phù hợp, nhất là những ngày mà phải đi trực ca đêm có người hỗ trợ trông con, vẫn đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ.
 
“Chị em phụ nữ có một số khó khăn hơn so với các đồng nghiệp nam trong công việc. Tuy nhiên, họ luôn cố gắng hoàn thành 100% nhiệm vụ được giao, đảm bảo an toàn cung cấp điện trong ca trực của mình. Để sau mỗi giờ mẹ tan ca, sau mỗi đợt trực cách ly kéo dài, các em nhỏ lại vỡ òa trong niềm vui giản dị: Đón bố mẹ về!” - ông Phạm Ngọc Huy giãi bày.
 
Chúng tôi là người công nhân truyền tải điện vì nhân dân/ Chúng tôi là người công nhân truyền tải điện vì tương lai/ Như cánh hoa trong vườn hoa dâng hương sắc cho đời/ Theo dòng điện tim chúng tôi thắp sáng…
 
Đó là những ca từ văng vẳng trong tiềm thức như minh chứng và khẳng định sự nỗ lực, ý chí của người thợ điện, nhất là với những nữ công nhân “bén duyên” với ngành.
 
Theo: Kinh tế đô thị