Vệ sinh bảo dưỡng thiết bị trước mùa mưa tại TBA 500kV Pleiku 2.
Lưới điện trải rộng trên toàn địa bàn tỉnh Gia Lai, các tuyến ĐZ chủ yếu đi qua khu vực đồi núi, vượt khe suối, băng qua các khu rừng trồng cây công nghiệp như cao su, bời lời, điều, thông, tràm,…và một số khu vực đông dân cư sinh sống. Khi thời tiết khu vực năm nay biến đổi bất thường, nhiều đợt bão đổ bộ vào khu vực Miền Trung, Tây Nguyên, tần suất các cơn giông sét gia tăng với cường độ tia sét lớn, làm cho nguy cơ sự cố lưới truyền tải luôn hiện hữu, cụ thể như: mưa kéo dài nhiều ngày sẽ dẫn đến dễ bị sụt lún nền, móng công trình; các tủ bảng, thiết bị nhị thứ ngoài trời của các trạm biến áp bị ẩm mốc gây nguy cơ chạm chập; mưa lớn có thể gây ra xói lở các móng cột đường dây ở những vị trí sườn dốc; gió lớn làm gãy đổ các cành cây và cuốn lên đường dây gây ngắn mạch sự cố; các sự cố do giông, sét;…
Thêm vào đó là 16 dự án điện gió đang đồng loạt triển khai thi công trên địa bàn tỉnh, trong đó có 08 dự án tổng công suất 800 MW đã được đấu nối vào lưới truyền tải 220 kV – 500 kV do đơn vị quản lý. Trong các tháng cuối quý III đầu quý IV năm 2021, các công trình này được đấu nối đưa vào vận hành cộng với các nhà máy thủy điện trong khu vực phát cao, dẫn đến một số ĐZ và các MBA 500kV, 220kV tại hai TBA 500kV Pleiku, Pleiku 2 thường xuyên trong tình trạng đầy và quá tải.
Lưới điện vận hành trong tình trạng tải cao thường phát sinh hiện tượng phát nóng cục bộ tại các điểm đấu nối của thiết bị, làm gia tăng độ võng, theo đó làm giảm khoảng cách pha đất tại một số khoảng cột trên ĐZ. Khi gió mạnh làm văng dây gây phóng điện pha – pha và pha – đất.
Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh Covid – 19 bùng phát trở lại đã gây không ít khó khăn, trở ngại cho công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) của đơn vị.
Dùng máy đo chuyên dụng kiểm tra, soi phát nhiệt sau mưa tại TBA 500kV Pleiku 2.
Để đảm bảo lưới điện vận hành an toàn, cung cấp điện liên tục trong điều kiện thời tiết bất thường khu vực Tây Nguyên, Trong 10 tháng đầu năm Truyền tải điện Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp ngăn ngừa sự cố do thiên tai, mưa bão, giông lốc và các nguy cơ khác gây ra.
Đơn vị đã kiện toàn lại ban chỉ huy, các đội xung kích, xây dựng lại phương án PCTT và TKCN sát với tình hình thực tế đặc điểm quản lý vận hành tại Đội, Trạm theo phương châm “bốn tại chỗ” ngay từ đầu năm. Tổ chức diễn tập tình huống giả định PCTT và TKCN sát với tình hình thực tiễn của đơn vị. Trang bị đầy đủ công cụ dụng cụ, vật tư, thông tin liên lạc, lương thực, thực phẩm, trang thiết bị cứu hộ, trang bị phòng chống dịch bệnh Covid-19, lập phương án điều động nhân lực hỗ trợ, nhằm sẵn sàng ứng phó khi có sự cố thiên tai, bão lụt xảy ra; Bố trí tăng cường nhân lực ứng trực, xử lý sự cố liên tục 24/24 trước và trong thời gian có mưa bão diễn ra. Ban chỉ huy PCTT và TKCN thường xuyên cập nhật thông tin dự báo thời tiết để có sự chủ động cao nhất trong mọi tình huống có thể xảy ra khi mưa bão. Phối hợp các cấp điều độ đảm bảo phương thức vận hành, sơ đồ kết lưới trong mùa mưa bão.
Đồng thời triển khai nhiều giải pháp trong vận hành trước khi mùa mưa, bão đến như: Sửa chữa lớn tăng cường tiếp địa cho 50 vị trí cột; xử lý các vị trí tiếp địa nông cạn và bất thường được 58 vị trí; tăng cường cách điện cho 42 vị trí; Xử lý 11 khoảng cột có khoảng cách pha đất thấp, khoảng cách pha - pha trên các ĐZ 220kV không đảm bảo vận hành; Dùng thiết bị chuyên dùng kiểm soát chất lượng vận hành 1003 vị trí sử dụng cách điện composite; Vệ sinh cách điện hotline được 60 vị trí/8 đường dây và kết hợp các đợt cắt điện để kiểm tra bảo dưỡng phần mang điện, vệ sinh cách điện 37 đợt cắt điện/22 đường dây; Dùng thiết bị flycam kiểm tra và xử lý được 38 điểm hư hỏng và tổn thương dây; Kiểm tra và xử lý kịp thời 141 điểm tiếp xúc có nhiệt độ bất thường/03 đường dây; Vận động chặt tỉa được 5.949 cây cao ngoài hành lang (trong đó có 2.127 cây cao su) nguy cơ vi phạm khoảng cách an toàn…
Mặt khác hoàn thiện 100% khối lượng thí nghiệm định kỳ năm 2021 tại các trạm biến áp, trước khi mùa mưa tới theo đúng kế hoạch; trong 9 tháng đầu năm 2021 đã triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo vận hành và ngăn ngừa sự cố: kiểm tra xử lý hệ thông thoát nước; chống tốc mái, vật bay; làm kín tủ bảng, xử lý chống ẩm đối với hộp đấu dây, tiếp điểm thiết bị ngoài trời; tăng cường kiểm tra soi phát nhiệt định kỳ/đột xuất các điểm đấu nối; chủ động phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Truyền tải 3 để xử lý các bất thường của thiết bị trong vận hành, qua đó đã tránh được nguy cơ xảy ra sự cố.
Song song đó, đẩy mạnh áp dụng công nghệ trong công tác PCTT&TKCN; Lắp đặt 15 camera tại các vị trí xung yếu trên các tuyến đường dây, nơi khó đi lại để liên tục theo dõi và kịp thời phát hiện, đánh giá, đưa ra phương án xử lý kịp thời nhằm tránh sự cố xảy ra; Trang bị 05 flycam (trong đó có 02 flycam có chức năng đo soi phát nhiệt), bay hỗ trợ kiểm tra tình trạng dây dẫn, dây chống sét, cách điện, mối nối nhất là những điểm chưa thể tiếp cận sau mưa bão phát hiện bất thường sau để có kế hoạch cắt điện đưa ra sửa chữa, bảo dưỡng; Ứng dụng phần mềm EMTP để mô phỏng tính toán các bảo vệ chống sét.
Tổ chức phương án phân bổ nhân lực hợp lý để vừa triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp trong quản lý vận hành, vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh Covid-19; 100% CBCNV đã được tiêm 2 mũi vaxcin phòng Covid-19; thực hiện nghiêm “5K” theo khuyên cáo của Bộ Y tế; kiểm soát chặt chẽ các đội công tác đến làm việc, đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch Covid-19.
Với mục tiêu đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, cung cấp điện liên tục, chủ động trước những diễn biến bất thường của thời tiết, TTĐ Gia Lai đã và đang tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp ngăn ngừa sự cố, tuyên truyền, đào tạo, nâng cao nhận thức, trình độ kỹ thuật, kỹ năng xử lý sự cố, tìm kiếm cứu nạn cho CBCNV, bảo đảm không để bị động bất ngờ trong các tình huống có thể xảy ra. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành các quy trình, quy phạm, bảo đảm an toàn về người và thiết bị, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do lũ bão, thiên tai gây ra.