Ảnh minh họa: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Trải qua 40 năm xây dựng và trưởng thành, Ban Quản lý dự án công trình điện miền Bắc (NPMB) - đơn vị thành viên của Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia đã thực hiện nhiều công trình lưới điện quan trọng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và đáp ứng kịp thời nhu cầu điện cho phát triển kinh tế của đất nước, trong đó có Đường dây siêu cao áp 500 kV đầu tiên của cả nước.
PV: Thưa ông, không chỉ gắn bó với các công trình đường dây siêu cao áp 500 kV mạch 1, mạch 2, Ban Quản lý dự án công trình điện miền Bắc còn được biết đến với rất nhiều công trình truyền tải điện quan trọng “luôn về đích đúng hẹn” - mặc dù công tác giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn. Xin được hỏi ông, điều gì đã giúp NPMB có được kết quả này?
Ông Hoàng Văn Tuyên: Đúng là Ban Quản lý dự án công trình điện miền Bắc trong quá trình 40 năm xây dựng và trưởng thành đã góp phần vào xây dựng hệ thống truyền tải điện khu vực miền Bắc, đảm bảo phát triển kinh tế của các địa phương cũng như đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Ngoài việc tham gia vào các công trình đường dây 500kV mạch 1, mạch 2 thì còn một loạt các công trình đã được về đích đúng hẹn và vượt kế hoạch. Có thể kể đến như là Đường dây 220 Hải Hà - Cẩm Phả, từ nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả đi KCN Hải Hà phục vụ cho phát triển các KCN của tỉnh Quảng Ninh. Đây là một ví dụ điển hình cho việc phối hợp giữa chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án cũng như là với UBND tỉnh và địa phương.
Trong các dự án truyền tải điện, công tác giải phóng mặt bằng thì địa phương vẫn phải đặt lên hàng đầu. Hay như các công trình cấp điện cho tỉnh Bắc Ninh, khu công nghiệp Yên Phong 3, Đường dây 500/220 kV Hiệp Hòa - Đông Anh - Bắc Ninh 2, TBA 500 kV Đông Anh… nhờ công tác giải phóng mặt bằng của tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và thành phố Hà Nội thì chúng tôi đã hoàn thành kịp thời cung cấp điện cho KCN Yên Phong, cho các nhà máy của Samsung rất cấp bách. Có được kết quả này chúng tôi một làn nữa phải nhấn mạnh đến việc phối hợp giữa chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án và đặc biệt là các đồng chí lãnh đạo các địa phương rất quan tâm, coi công việc không phải của chủ đầu tư mà là công việc của tỉnh, nhờ đó đã hoàn thành có được kết quả như thế.
PV: Được biết, giai đoạn 2021-2025, NPMB được Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT) giao đại diện chủ đầu tư hàng chục dự án truyền tải điện quan trọng cấp điện cho các vùng phụ tải, khu kinh tế trọng điểm phía Bắc - trong số hàng trăm dự án đường dây và TBA 220-500kV của giai đoạn này. Trong bối cảnh dịch covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, NPMB triển khai nhiệm vụ này như thế nào - từ các kinh nghiệm thực tế, thưa ông?
Ông Hoàng Văn Tuyên: Trong giai đoạn 2021-2025, Ban Quản lý dự án công trình điện miền Bắc (NPMB) theo kế hoạch được giao dự kiến khoảng 42 công trình. Trên thực tế triển khai, chúng tôi thực hiện chỉ đạo của Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia và lên kế hoạch từng bước đẩy nhanh các khâu để đảm bảo tiến độ chung cho các dự án.
Chúng tôi vẫn đánh giá giải phóng mặt bằng vẫn là khâu quan trọng nhất ảnh hưởng đến tiến độ của dự án. Vì vậy, ngay từ khi thực hiện dự án và qua kinh nghiệm thực tế chúng tôi xác định ngay từ giai đoạn đầu là phải đẩy nhanh công tác GPMB.
Ngoài ra thì trong quá trình thực hiện các khâu, từ khâu đấu thầu đến thẩm định dự án… chúng tôi cố gắng rút ngắn thời gian tối thiểu có thể để làm sao đến giai đoạn thi công đảm bảo thời gian cho thi công nhiều nhất có thể.
PV: Thưa ông, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng Công ty Truyền tải Điện Quốc gia (EVNNPT) đang đẩy mạnh chương trình chuyển đối số. Việc áp dụng KHCN và các công cụ quản lý tiên tiến trong quản lý dự án truyền tải điện được NPMB quan tâm, thực hiện ra sao?
Ông Hoàng Văn Tuyên: Việc áp dụng các công nghệ 4.0 vào công tác quản lý dự án và thực hiện dự án là rất quan trọng, nó đảm bảo rút ngắn được rất nhiều thời gian thực hiện dự án cũng như là cho quá trình vận hành sau này. Chúng tôi cũng được giao thực hiện một loạt các nhiệm vụ cụ thể trong quá trình quản lý dự án. Ví dụ như thực hiện Trạm biến áp số 220kV Thuỷ Nguyên (Hải Phòng) - là TBA số đầu tiên đã hoàn thành đóng điện tháng 4/2021 và đang đúc kết kinh nghiệm, viết quy trình để thực hiện báo cáo hoàn thành dự án và dự kiến hoàn thành các công đoạn trong năm 2021 này.
Về việc chuyển đổi số trong các dự án thì chúng tôi cũng đang thực hiện một số dự án ví dụ như Trạm biến áp 220kV Sơn Động vừa đóng điện vào ngày 30/10/2021. Đây là Dự án được lãnh đạo Tổng Công ty Truyền tải Điện Quốc gia (EVNNPT) rất quan tâm, đang hướng đến mục tiêu là EVNNPT sẽ làm chủ quá trình cấu hình hệ thống, không phụ thuộc vào các nhà thầu cung cấp thiết bị nữa, vừa giúptiết kiệm đầu tư và đẩy nhanh tiến độ, không phụ thuộc vào các nhà cung cấp thiết bị.
Ngoài ra, các công nghệ mới như giám sát trực tuyến nhiệt độ đường dây truyền tải điện thì chúng tôi cũng vừa hoàn thành đang trong quá trình đánh giá. Hay chuyển đổi số trong công tác quản trị chúng tôi cũng đang triển khai thương hướng dẫn chung của Tập đoàn cũng như Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia; Rồi các chỉ tiêu về giám sát chất lượng và hình ảnh, qua phần mềm AI để làm sao tối giản lực lượng giám sát và kiểm soát được quá trình quản lý chất lượng chung cho các dự án… Chúng tôi hy vọng rằng quá trình áp dụng, đưa vào vận hành sẽ nâng cao hiệu quả sản xuất chung của Ban Quản lý dự án cũng như tiết kiệm chi phí cho từng dự án.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!